Phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của đoạn trích trong Bích Câu kì ngộ

Đề bài: Phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của đoạn trích trong Bích Câu kì ngộ.

Thấy người trước cửa tam quan
Theo sau ba bảy con hoàn nhởn nhơ
Lạ lùng con mắt người thơ
Hoa còn phong nhụy, trăng vừa tròn gương
Rành rành xuyến ngọc thoa vàng
Quần Nghê tha thướt, sóng Tương rườm rà
Mỉa chiều nét ngọc làn hoa
Cá chìm mặt nước, nhạn sa lưng trời
Gần xem vẻ mặt thêm tươi
Mùi hương thoang thoảng thơm rơi ít nhiều
Làn thu lóng lánh đưa theo
Não người nhăn chút lông nheo cũng tình
Vốn mang cái bệnh Trương sinh
Gặp người nghiêng nước nghiêng thành biết sao?
Đưa tình một nét sóng đào
Dẫu lòng sắt đá cũng xiêu, lọ người
Nhân duyên ví chẳng tự trời
Từ lang chưa dễ lạc vời non tiên.

Dàn ý Phân tích, đánh giá nét đặc sắc về nghệ thuật của đoạn trích trong Bích Câu kì ngộ

Mở bài

– Giới thiệu truyện thơ Nôm Bích Câu kì ngộ và nội dung đoạn trích trên (duyên hội ngộ giữa Tú Uyên và Giáng Kiều)

– Nêu nội dung cần phân tích, đánh giá: nét đặc sắc về nghệ thuật của đoạn trích: “Thấy người trước cửa tam quan….Từ lang chưa dễ lạc vời non tiên”

Thân bài

– Chủ đề của đoạn trích: duyên hội ngộ giữa Tú Uyên và Giáng Kiều và sự kì diệu của tình yêu đôi lứa.

– Phân tích, đánh giá chủ đề trên:

+ Cuộc gặp gỡ tình cờ giữa tài tử và giai nhân, họ phải lòng nhau ngay từ khoảnh khắc đầu tiên => tình yêu được định sẵn từ tiền kiếp

+ Giáng Kiều có vẻ đẹp hiếm có làm Tú Uyên xiêu lòng, say mê sắc đẹp của nàng => tự do bày tỏ cảm xúc, khác hẳn với xã hội phong kiến lúc bấy giờ.

=> Đoạn trích thể hiện tình yêu tự do, vượt khỏi ràng buộc của lễ giáo phong kiến.

– Đánh giá về đặc sắc nghệ thuật:

+ Ngôi kể: ngôi thứ ba =>làm cho câu chuyện mang tính khách quan.

+ Hình ảnh: nhiều hình ảnh ước lệ tượng trưng, gắn với điển tích điển cố thường gặp trong văn học trung đại như: trăng, hoa, hồ nước, chim sa cá lặn,…

+ Bút pháp miêu tả: sử dụng lối miêu tả mang tính ước lệ, tượng trưng.

Kết bài

– Khẳng định nét đặc sắc về chủ đề và nghệ thuật.

– Ý nghĩa rút ra từ đoạn trích.

Phân tích, đánh giá nét đặc sắc về nghệ thuật của đoạn trích trong Bích Câu kì ngộ

“Bích Câu kì ngộ” là một truyện thơ Nôm đặc sắc trong kho tàng văn học Việt Nam về chủ đề tình yêu đôi lứa. Đoạn trích từ “Thấy người trước cửa tam quan….Từ lang chưa dễ lạc vời non tiên” là một trong những đoạn trích tiêu biểu, nói về cái duyên hội ngộ kì lạ giữa Tú Uyên và Giáng Kiều. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng đi vào phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của đoạn trích nói trên.

Phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của đoạn trích trong Bích Câu kì ngộ

Thông qua cuộc hội ngộ bất ngờ giữa Tú Uyên và Giáng Kiều, đoạn trích ca ngợi vẻ đẹp của Giáng Kiều, thể hiện tâm hồn đa cảm, si tình của Tú Uyên, đồng thời cho thấy sự kì diệu của tình yêu đôi lứa.

Chủ đề bao trùm của đoạn trích là gặp gỡ, cuộc gặp gỡ giữa tài tử và giai nhân. Và ngay trong khoảnh khắc gặp gỡ đầu tiên ấy, họ đã phải lòng nhau, một thứ tình yêu sét đánh, mà theo quan điểm của văn học Trung đại, nó đã được định sẵn từ tiền kiếp. Qua cái nhìn của Tú Uyên, Giáng Kiều hiện lên với vẻ đẹp hiếm có, chim sa cá lặn, sắc nước hương trời. Tú Uyên ngay lập tức xiêu lòng, và chàng không ngần ngại bày tỏ nỗi niềm say đắm của mình trước giai nhân. Sự bày tỏ tâm trạng một cách mạnh dạn này là một nét độc đáo, mới mẻ của truyện thơ “Bích Câu kì ngộ”, xét trong điều kiện xã hội phong kiến nhiều ràng buộc. Ở đây, ta đã thấy manh nha con người cá nhân, con người tự do, con người tự ý thức và dám bày tỏ cảm xúc của mình.  Đoạn trích nói riêng và truyện thơ “Bích Câu kì ngộ” nói chung cũng ngầm thể hiện một sự ủng hộ về tình yêu tự do, vượt ra ngoài mọi sự ràng buộc của lễ giáo phong kiến: Tú Uyên là thư sinh nghèo, còn Giáng Kiều là tiên (ám chỉ tầng lớp thượng lưu quý phái), nhưng họ đã bất chấp để yêu nhau, đến với nhau.

Đoạn trích được kể từ ngôi thứ ba, người kể chuyện ẩn danh. Việc dùng ngôi kể này làm cho câu chuyện mang tính khách quan. Tuy nhiên, điểm nhìn trần thuật có sự di chuyển vào bên trong, người kể chuyện đã hóa thân vào nhân vật Tú Uyên, điều này khiến cho tâm trạng, cảm xúc của nhân vật được thể hiện một cách sinh động.

Đoạn trích sử dụng nhiều hình ảnh mang tính chất ước lệ, tượng trưng, nhiều hình ảnh gắn với các điển tích, điển cố, nhiều hình ảnh lấy từ các thành ngữ dân gian, và các hình ảnh này chủ yếu tập trung khắc họa vẻ đẹp của Giáng Kiều. Đó là vẻ đẹp được ví với hoa, với trăng, với làn nước hồ thu, với sóng đào; đó là vẻ đẹp thần tiên với “Quần Nghê tha thướt, sóng Tương rườm rà”; đó là vẻ đẹp khiến “chim sa cá lặn”, “nghiêng nước nghiêng thành”.

Đoạn trích sử dụng lối miêu tả mang tính ước lệ, tượng trưng. Đặc điểm này đã làm cho bức chân dung của Giáng Kiều hiện lên với vẻ đẹp trang trọng, quý phái; khiến cho tâm trạng, cảm xúc của Tú Uyên, dù được bộc lộ một cách táo bạo, vẫn không mất đi sự tế nhị, không rơi vào thô tục.

Với sự kết hợp của các yếu tố nghệ thuật đặc sắc, đoạn trích đã cho ở trên đã thể hiện một cách sinh động và trang trọng vẻ đẹp của Giáng Kiều, đồng thời cho thấy tấm lòng si tình của chàng thư sinh nghèo Tú Uyên trong lần đầu tiên gặp gỡ. Thông qua đoạn trích, người đọc cũng như được hòa vào cảm xúc lâng lâng của cuộc kì ngộ, khiến ta thêm thấm thía vẻ đẹp kì diệu của tình yêu đôi lứa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *