Phân tích, đánh giá đặc sắc trong nội dung và nghệ thuật của đoạn trích Kiều gặp Từ Hải

Trong Truyện Kiều, có nhiều cuộc hội ngộ của các nhân vật, nhưng cuộc hội ngộ của Kiều và Từ Hải có một ý nghĩa đặc biệt. Cùng Tramvanhoc Phân tích, đánh giá đặc sắc trong nội dung và nghệ thuật của đoạn trích Kiều gặp Từ Hải để thấy được cuộc hội ngộ này có gì đặc biệt nhé!

Phân tích, đánh giá đặc sắc trong nội dung và nghệ thuật của đoạn trích Kiều gặp Từ Hải

1. Hoàn cảnh của Kiều và cuộc gặp gỡ giữa Kiều và Từ Hải

Trong Truyện Kiều, có nhiều cuộc hội ngộ của các nhân vật, nhưng cuộc hội ngộ của Kiều và Từ Hải có một ý nghĩa đặc biệt.

Khi bị bán vào lầu xanh lần thứ hai thì Kiều đã hoàn toàn bất lực, buông xuôi, vô vọng:

Biết thân chạy chẳng khỏi trời,
Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh.

Chính vào lúc đó, Từ Hải xuất hiện như là một giấc mơ làm đổi thay đời nàng. Từ Hải là người anh hùng vạn năng trong truyện cổ tích đến để cứu vớt người đẹp. Từ Hải là con người cô đơn đi tìm người tri kỷ. Từ Hải chắp cánh cho Kiều đi vào những ước mơ mới. Đoạn “Kiều gặp Từ Hải” này đã bộc lộ lý tưởng, nhân sinh quan nhà thơ một cách sâu sắc nhất.

Từ Hải đã xuất hiện hoàn toàn bất ngờ:

Lần thâu gió mát, trăng thanh,
Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi.

“Khách biên đình” là khách ở miền biên giới rất xa xôi, bỗng nhiên tìm đến.

2. Chân dung người anh hùng Từ Hải: Tiếp đó là miêu tả chân dung Từ Hải với tướng mạo, tầm vóc, tư thế, tài năng, khí phách, chí khí:

Râu hùm, hàm én, mày ngài,
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.
Đường đường một đấng anh hào,
Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.
Đội trời đạp đất ở đời,
Họ Từ, tên Hải, vốn người Việt Đông.
Giang hồ quen thói vẫy vùng,
Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo.

Trong chân dung của Từ, nhà thơ trước hết chú ý đến tướng mạo khác thường, đặc biệt là đặc điểm của mày râu, chứng tỏ chàng là một đấng trượng phu. Tầm vóc to lớn, tài năng hơn người. Câu “Đường đường một đấng anh hào” cho thấy một tư thế đường bệ, oai phong như choán hết không gian xung quanh. Còn câu “Đội trời đạp đất ở đời” thì cho thấy ngoài trời đất ra chàng không thừa nhận ai hết. “Giang hồ quen thói vẫy vùng” là thích tự do ngoài vòng cương tỏa, chỉ dựa vào tài năng, sức lực của mình. Tóm lại, trong chân dung Từ Hải, nhà thơ Nguyễn Du nhấn mạnh tới tính chất quá khổ, quá cỡ, không thể dung chứa vào một cái khung nào hết. Đối với Nguyễn Du, Từ Hải đích thực là một anh hùng. Chỉ riêng đoạn thơ ngắn này, ông đã bốn lần gọi Từ là anh hùng. Cuộc gặp gỡ của Kiều và Từ Hải là cuộc hội ngộ giữa những người tri kỷ, là những người hiểu và tôn trọng giá trị của nhau.

Phân tích, đánh giá đặc sắc trong nội dung và nghệ thuật của đoạn trích Kiều gặp Từ Hải

Từ Hải sang chơi là vì mộ “tiếng nàng Kiều”. Tấm danh thiếp chàng gửi cho Kiều là danh thiếp gửi cho người đẹp:

Thiếp danh đưa đến lầu hồng…

3. Nhân vật Thúy Kiều: Kiều đang ở lầu xanh, nhà kỹ nữ rõ ràng, nhưng đối với Từ, nơi Kiều ở là chốn lầu hồng dành cho người đẹp. Không phải Nguyễn Du sơ ý, mà là cách đánh giá của Từ Hải. Từ đã nói một câu có giá trị chiêu tuyết cho Kiều:

Từ rằng: “Tâm phúc tương cờ,
Phải người trăng gió vật vờ hay sao ?”

(Tôi đến đây là để tìm người bạn tâm phúc, tâm giao, tri kỷ, chứ không phải tìm thú vui trăng gió tầm thường).

Về phía Kiều thì nàng đã đánh giá Từ rất cao. Nàng tuy ở lầu xanh, nhưng lâu nay chẳng để ai lọt vào “mắt xanh” – ý nói không coi ai là tri âm, tri kỉ cả. Đối với Từ, nàng coi chàng là đấng anh hùng, tin chàng sẽ làm nên sự nghiệp, lấy được thiên hạ, và mai sau mong nhờ vào sức mạnh của chàng.

4. Từ Hải và Thúy Kiều kết duyên: Suốt cả Truyện Kiều, chưa có một cuộc gặp gỡ nhau nào mà các nhân vật ý hợp tâm đầu nhanh đến thế, hiểu nhau đến thế:

– Hai bên cùng liếc, hai lòng cùng ưa.
– Nghe lời vừa ý, gật đầu,
Cười rằng: “Tri kỷ trước sau mấy người !
Khen cho con mắt tinh đời,
Anh hùng đoán giữa trần ai mới già!”.
– Hai bên ý hợp, tâm đầu,
Khi thân, chẳng lọ là cầu mới thân.

Rõ ràng hai người thân nhau vì họ hoàn toàn hiểu nhau, đồng cảm, đồng tình với nhau trong mọi việc. Trong Truyện Kiều chỉ có ba chữ tri kỷ, hai chữ dành cho Từ Hải và Kiều, một chữ dành cho Kiều và Kim Trọng sau khi quyết định làm bạn tâm giao. Đây là cuộc gặp gỡ khẳng định và đề cao nhân cách của hai người. Một người mang danh kỹ nữ, một người mang danh giặc cỏ, nhưng đối với Nguyễn Du, họ là những con người có phẩm chất cao quý bậc nhất.
Kết duyên rồng phượng là phần kết của đoạn thơ. Từ Hải hào phóng chuộc Kiều ra và hai người kết duyên với nhau. Nguyễn Du đã ngợi ca hạnh phúc của hai người như là một tình duyên đẹp đôi nhất, sung sướng nhất, đầy cảm hứng:

Trai anh hùng, gái thuyền quyên,
Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng