Phân tích hình ảnh cơm (cà mèn cơm, chén cơm, miếng cơm) người mẹ trong đoạn trích Cơm mùi khói bếp

Đề bài: Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích hình ảnh “cơm” (cà mèn cơm, chén cơm, miếng cơm) người mẹ trong đoạn trích Cơm mùi khói bếp sau:

…Chưa hết Tết, mới ngày mùng bốn anh lại phải đưa vợ con vào Sài Gòn. Bà mẹ dậy sớm làm gà, nấu cơm. Vẫn một mình bà cặm cụi với cái bếp. Bà xúc đầy cơm vào chiếc ca mèn. Gà luộc cho vào hộp đựng. “Bây đem lên xe mà ăn. Cơm dọc đường dọc sá không ngon đâu”.
Con cháu lên taxi rồi bà còn dặn theo: “Vào trong nhớ ăn uống đàng hoàng nghe bây. Đừng bỏ bữa sáng. Không ai thương bằng cơm thương”.
Vào tới Sài Gòn ca mèn cơm vẫn còn một nửa. Vợ định đem đi đổ. Anh can, bảo để đấy, phơi khô cất giữ làm kỷ niệm.
Qua tháng ba nghe tin mẹ bệnh, anh tức tốc về nhà. Nằm trên giường, gặp con, câu đầu tiên bà hỏi: “Con ăn chi chưa. Mẹ không bắc cơm được. Thôi ra đầu chợ ăn tạm. Bữa nào khỏe mẹ nấu cơm cho ăn. Tội nghiệp”.
Nhưng mẹ không khỏe nữa, yếu dần, được thêm hai bữa thì nhắm mắt.
Đưa mẹ ra đồng xong, về nhà nhìn chén cơm trắng đặt trên bàn thờ, anh thấy nhói lòng. Ân hận. Thế là hết cơ hội được ăn với mẹ một chén cơm sáng thật đầy, để nghe mẹ nói câu “Không ai thương bằng cơm thương”. Tiếc nuối. Thèm miếng cơm cháy mẹ nấu quá. Giòn và thơm, mùi hương đồng mùi nước quê, cả mùi khói bếp. Chỉ có mẹ mới nấu được miếng cơm cháy ngon như thế.
Hôm lên đường vào Sài Gòn, anh dậy sớm nấu chén cơm đặt lên bàn thờ mẹ. Anh tự mình vo gạo, tự mình nhóm bếp rơm. Loay hoay một hồi. Bếp nhà đầy khói. Và khói…

(Cơm mùi khói bếp – Hoàng Công Danh, Chuyến tàu vé ngắn, NXB Trẻ, trang 53, 54 2016, TPHCM)

Phân tích hình ảnh “cơm” (cà mèn cơm, chén cơm, miếng cơm) người mẹ trong đoạn trích Cơm mùi khói bếp ngắn gọn

Hình ảnh xuyên suốt đoạn trích, xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: cà mèn cơm, bát cơm, chén cơm, miếng cơm cháy, mong ước nấu cơm cho con của mẹ; hình ảnh có ý nghĩa sâu sắc: thể hiện tình cảm gia đình ấm áp, tình yêu thương con lớn lao của người mẹ; đồng thời thể hiện nỗi ân hận, day dứt, tiếc nuối của người con; hình ảnh cũng cho thấy tài năng nghệ thuật của nhà văn, là điểm sáng thẩm mĩ của đoạn tríc và chứa đựng nhiều thông điệp: trăn trở về chữ hiếu và hạnh phúc gia đình trong thời đại ngày nay; hãy nói yêu thương và đồng hành cùng cha mẹ trước khi quá muộn…

Phân tích hình ảnh “cơm” (cà mèn cơm, chén cơm, miếng cơm) người mẹ trong đoạn trích Cơm mùi khói bếp

Phân tích hình ảnh “cơm” (cà mèn cơm, chén cơm, miếng cơm) người mẹ trong đoạn trích Cơm mùi khói bếp chi tiết

Nhà thơ Chế Lan Viên trong bài thơ “Con Cò” đã viết hai câu thơ giàu triết lý và ý nghĩa:

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”

Quả thật như vậy, tình cảm của cha mẹ dành cho con cái là vô tận như dòng suối mát, biểu hiện bằng việc sẵn sàng yêu thương, bao dung và hi sinh. Dù con có lớn bao nhiêu, trong mắt cha mẹ vẫn là đứa trẻ cần được bảo bọc ngày nào. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, khi những đứa con bước chân ra khỏi gia đình, mưu sinh, thì những người cha, người mẹ lại trở nên cô đơn và lẻ loi hơn bao giờ hết. Đứng trước hiện thực cuộc sống ấy, nhà văn trẻ Hoàng Công Danh đã sáng tác truyện ngắn “Cơm mùi khói bếp” như một lời trăn trở về chữ hiếu và hạnh phúc gia đình trong thời đại ngày nay.

Đôi nét về nhà văn Hoàng Công Danh, nhà văn sinh năm 1987 tại Triệu Phong, Quảng Trị. Tốt nghiệp ngành Vật lý, Đại học tổng hợp quốc gia Belarus. Anh là tác giả nổi bật và đáng đọc của thế hệ 8X. Với con mắt quan sát cuộc sống đầy tinh tế, sâu sắc, Hoàng Công Danh luôn cố gắng nhìn việc đời trên phương diện bản chất của nó để rồi truyền tải vào từng trang viết. Anh cũng quan niệm nhà văn thì luôn phải tự làm mới mình. Tất cả những điều trên biểu hiện phần nào trong tác phẩm “Cơm mùi khói bếp” trích tập truyện ngắn “Chuyến tàu vé ngắn”.

Câu chuyện được kể với cốt truyện tương đối đơn giản, những nhân vật với cách gọi phiếm chỉ: mẹ, con, vợ tôi, con trai tôi, làm hiện lên khung cảnh gia đình quen thuộc của người Việt. Chủ đề về gia đình xoay quanh một bữa cơm, thứ mà hiện nay hiếm hoi trong các ngôi nhà hiện đại ở thành phố. Khi cuộc sống hối hả, con người ta thường hay tìm đến các thức ăn nhanh, thức ăn bán sẵn ngoài phố hơn là ăn cùng gia đình. Nhưng những người lớn của thế hệ trước lại vẫn giữ gìn truyền thống. Từ đó tạo ra mâu thuẫn khoảng cách thế hệ và nặng hơn là bi kịch.

Câu chuyện kể về một lần nhân vật anh về quê, sau bốn năm từ ngày lấy vợ. Anh luôn nghe lời dặn dò của mẹ “Chắc bây đói bụng rồi, để mẹ đi nấu cơm cho ăn”. Tụi bây ăn cơm nồi cơm điện thành phố rồi, về quê mẹ nấu cơm lửa rơm cho thơm mùi đồng mùi rạ. Mà cơm nấu rơm mới có miếng cháy ăn giòn. Mấy hồi anh nhỏ, bữa ăn không có miếng cơm cháy là giãy nãy lên bướng bỉnh chẳng chịu ăn. Nhớ không.” Những gì mẹ nhớ thì vẫn rõ mồn một. Nhưng những gì nhân vật người con nhớ thì lại chỉ mơ hồ, có chút gì đó bùi ngùi vì món cơm cháy ngày xưa. Tuy nhiên, những kí ức ấy không đủ níu kéo anh giữa công việc bộn bề và những mối quan hệ chăng như tơ nhện. Người mẹ luôn nhắc: Không ai thương bằng cơm thương đâu con. Câu nói dân dã nhưng chất chứa tình cảm, không ai thương bằng cơm thương, hay không ai thương con bằng mẹ. Món cơm đậm đà tình cảm ấy là trở nên chán ngấy trước thế hệ trẻ. Do không quen hay không muốn nhận. Thâm tình của thế hệ trước phải chăng là vô vị với thế hệ trẻ quá nhiều bộn bề. Ngày nhân vật chính nhận ra mọi thứ thì đã quá muộn, khi mẹ rời xa trần thế: “Đưa mẹ ra đồng xong, về nhà nhìn chén cơm trắng đặt trên bàn thờ, anh thấy nhói lòng. Ân hận. Thế là hết cơ hội được ăn với mẹ một chén cơm sáng thật đầy, để nghe mẹ nói câu “Không ai thương bằng cơm thương”. Tiếc nuối. Thèm miếng cơm cháy mẹ nấu quá. Giòn và thơm, mùi hương đồng mùi nước quê, cả mùi khói bếp. Chỉ có mẹ mới nấu được miếng cơm cháy ngon như thế.” Sự tiếc nuối vì không làm tròn bổn phận, vì không nhìn thấy được tình yêu cao cả trong những thứ giản dị tầm thường. Hoàng Công Danh như nhìn sâu vào nội tâm của từng nhân vật để níu kéo từng mảnh vỡ trong tâm hồn.

Bằng ngôn ngữ giản dị, cốt truyện đơn giản, Hoàng Công Danh đã kể một câu chuyện ngắn gọn nhưng dạt dào ý nghĩa. Với điểm nhìn toàn tri, tác giả giúp cho người đọc có thể nhìn thấy được câu chuyện gia đình của nhân vật nhưng đồng thời cũng là câu chuyện của chính bản thân mỗi chúng ta.

Làn khói trắng mịt mù nơi bếp lửa vắng mẹ cuối truyện khiến ta hình dung dường như trên mí mắt nhân vật anh con trai đang ngấn lệ. Dẫu rằng cuộc sống bộn bề khó khăn, nhưng gia đình vẫn là nơi quay về không thể thiếu của mỗi con người. Được ngồi chung mâm cơm với cha mẹ mỗi ngày là hạnh phúc bình dị nhưng vô bờ bến , nó thể hiện được sự đầm ấm, yêu thương, quây quần. Kết thúc những dòng truyện ngắn là suy nghĩ miên man bất tận, liệu mỗi chúng ta đã là người con có hiếu đúng nghĩa hay chưa. Xin hãy một lần ngoảnh lại nhìn mái tóc đang bạc dần, tấm lưng còng và đôi vai nặng trĩu của những đấng sinh thành để hiểu, yêu và chăm sóc nhiều hơn. Mai này dù họ đi xa, những người làm con sẽ không phải hối tiếc như nhân vật chính trong câu truyện đầy ý nghĩa này.