Phân tích khổ thơ cuối bài thơ Buồn Trăng của Xuân Diệu

Phân tích khổ thơ cuối bài thơ Buồn Trăng của Xuân Diệu

Phân tích khổ thơ cuối bài thơ Buồn Trăng của Xuân Diệu

“Hồn thơ Xuân Diệu là nguồn sống dào dạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này. Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt. Khi vui cũng như khi buồn, người đều nồng nàn tha thiết”. Những lời bình phẩm sâu sắc ấy của Hoài Thanh dành cho Xuân Diệu có lẽ đã đủ nói về một hồn thơ “mới nhất trong các nhà thơ mới” – một hồn thơ lúc nào cũng “thiết tha, rạo rực, băn khoăn”. “Buồn trăng” là một trong những tác phẩm nổi bật trong tập “Gửi hương cho Gió” (1945) của tác giả Xuân Diệu.

Bài thơ là những cảm xúc, những suy nghĩ của chàng thi sĩ với mối tình đơn phương của mình. Chẳng thể giãi bày được với ai để thấu hiểu được lòng mình, vì thế mà thi sĩ chỉ có thể giãi bày lòng mình với trăng, với mây và gió. Để rồi những nỗi buồn ấy theo gió, mây và trăng cuốn đi xa ra một nơi mà chẳng ai còn có thể tìm thấy.

Gió nọ mà bay lên nguyệt kia,

Thêm đem sương lạnh xuống đầm đìa.

Ngẩng đầu ngắm mãi chưa xong nhớ,

Hoa bưởi thơm rồi: đêm đã khuya.

Những cơn gió đã bay lên tìm tới mặt trăng để nhận được sự sẻ chia, an ủi với mặt trăng huyền diệu. Tuy xa xôi, cách trở là vậy, thế nhưng gió và trăng vẫn gặp được nhau sau muôn vàn xa cách. Còn thi sĩ thì vẫn ở đây, vẫn đang nhớ mong, tương tư về một hình bóng mà chẳng thể chạm tới được. Nhưng rồi thứ mà chàng thi sĩ ấy nhận lại được lại là sự cô đơn đến lạnh lẽo cũng như là những giọt sương đêm. Những giọt sương đêm bắt đầu đọng lại dường như là sự báo hiệu cho đêm đã càng lúc càng khuya hơn. Sương đêm “đầm đìa”, long lanh tựa như những giọt nước mắt. Hạt to, hạt nhỏ thi nhau chảy xuống xót thương cho một trái tim cô đơn, vô tình bị tình yêu làm tổn thương.

Nhìn lên mặt trăng, thi sĩ lại càng nhớ về người mình thương. Nhưng người mà chàng trai đem lòng yêu thương cũng giống như mặt trăng kia vậy, xa xăm cảm tưởng như chẳng thể nào chạm lấy được, mà càng ngắm nhìn thì bản thân mình lại càng cảm thấy nhớ thương. Thế rồi, hương hoa bưởi thoang thoảng đâu đây như kéo con người ta trở lại với thực tại. Rằng đêm đã khuya rồi, hãy thức tỉnh và trở về với thực tại mà thôi.

Trăng từ lâu đã trở thành một người bạn tri kỉ của nhiều nhà thơ, nhà văn. Trăng cứ tròn vành vạnh, lắng nghe truyện đời, lặng yên nhìn xem sự thay đổi của thế gian suốt hàng ngàn năm. Trăng cũng cô đơn, tĩnh lặng như một người bạn đang lắng nghe những tâm tư, những suy nghĩ của người bạn mình. Xuân Diệu coi trăng như một người bạn, một “nàng thơ” thế nên ông mới có nhiều tác phẩm viết về trăng tới như vậy.

“Buồn Trăng” thông qua đó đã miêu tả được những tâm tư, tình cảm của chàng thi sĩ trẻ đối với mối tình đơn phương của mình. Không chỉ vậy, qua đó Xuân Diệu còn như muốn khắc họa một hình ảnh trăng thật đẹp, thật trọn vẹn nhưng mãi mãi không thể với tới được để giữ lấy, để ôm lấy.