Đề bài: Viết đoạn văn khoảng 1 trang giấy thi, Phân tích lời bài hát Khát vọng tuổi trẻ của Vũ Hoàng:
“Đường dài tương lại quê hương đang gọi mời
Tuổi trẻ hôm nay chung tay xây ngày mới
Dù lên rừng hay xuống biển
Vượt bão giông, vượt gian khổ
Tuổi trẻ kề vai vững vàng chân bước bạn ơi!
Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta,
Mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay.
Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta,
Mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay.”
(Vũ Hoàng, Lời bài hát Khát vọng tuổi trẻ)
Phân tích lời bài hát Khát vọng tuổi trẻ của Vũ Hoàng
Phần lời bài hát mang đến cho người đọc, người nghe những rung cảm đô đẹp đẽ, đầy tự hào về vai trò và trách nhiệm của thanh niên với Tổ quốc với những giá trị nội dung tư tưởng tích cực mà còn có vẻ đẹp ca từ, biện pháp nghệ thuật, nhất là giai điệu âm nhạc thật tươi vui, hào sảng.
Năm dòng thơ đầu gợi niềm vui sướng vô biên khi tuổi trẻ được “chung tay xây ngày mới” theo lời mời gọi của quê hương, đất nước. Tương lai đang vẫy gọi, đường dài đang còn ở phía trước, một chân trời mới vô biên mở ra như thúc giục, đón chờ. Dòng đầu tiên được sử dụng toàn thanh bằng khi đọc lên ta nghe như niềm vui sướng lâng lâng theo từng bước chân say mê của tuổi trẻ. Các câu tiếp theo tạo âm hưởng hào hùng, sảng khoái ngân vang như một tráng ca, một hành khúc lên đường: “Đường dài tương lai quê hương đang gọi mời/ Tuổi trẻ hôm nay chung tay xây ngày mới/ Dù lên rừng hay xuống biển/ Vượt bão giống, vượt gian khổ/ Tuổi trẻ kề vai vững vàng chân bước bạn ơi!”.
Cùng với mạch cảm xúc ngợi ca, tự hào về tuổi trẻ, tác giả sử dụng các từ ngữ “lên rừng”, “xuống biển”, “bão giông”, “gian khổ” để mở ra những không gian rộng lớn của đất nước và cả những gian lao, thử thách mà tuổi trẻ phải vượt qua. Điều đó có nghĩa là tuổi trẻ phải hình dung, đoán định con đường tương lai phía trước của mình không bao giờ là hữu hạn và giản đơn. Đó là những chân trời, nhưng là những chân trời cần lắm niềm tin và nghị lực để vươn lên khám phá, dựng xây bằng một khát vọng vô cùng mạnh mẽ.
Tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ đối lập “lên rừng” và “xuống biển”, đặc biệt là phép điệp từ “vượt” như khẳng định một ý chí kiên định, một niềm tin không gì có thể chuyển lay của tuổi trẻ Việt Nam trong quá trình hiến dâng sức lực và trí tuệ của mình để phụng sự Tổ quốc.
Sau phần ngợi ca về sự hiến dâng, đoàn kết để chung tay xây dựng đất nước, Vũ Hoàng cũng không quên bình luận về vai trò và trách nhiệm của tuổi trẻ đối với Tổ quốc, tỏ rõ sự dứt khoát trong thái độ lựa chọn và định hướng cho tuổi trẻ: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta/ Mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”. Cấu trúc câu “Đừng hỏi Tổ quốc… mà cần hỏi ta…” được lặp đi lặp lại đã thể hiện hành động vô tư, khát vọng hiến dâng của tuổi trẻ thật thiêng liêng, cao đẹp.
Khát vọng tuổi trẻ của Vũ Hoàng mãi mãi là bài ca đi cùng năm 2 tháng, khơi dậy sức thanh xuân giàu ước mơ và sáng tạo của lớp lớp thanh niên Việt Nam trong công cuộc dựng xây và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.