Phân tích màn khiêu chiến giữa hai tù trưởng trong Đăm Săn và Mtao Mxay

Sử thi Đăm Săn – một sử thi anh hùng nổi tiếng của người Ê – đê. Đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây kể về chiến thắng của Đăm Săn trong cuộc chiến đấu với Mtao Mxây. Cuộc chiến đấu của Đăm Săn tuy có mục đích riêng là giành lại vợ từ tay tù tưởng khác nhưng lại mang ý nghĩa và tầm quan trọng đối với lợi ích của cả cộng đồng.

Dàn ý Phân tích màn khiêu chiến giữa hai tù trưởng trong Đăm săn và Mtao Mxay

1. Mở bài

– Khái quát đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây và khiêu chiến giữa hai tù trưởng.

2. Thân bài

* Nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến: Mtao Mxây nhân lúc Đăm Săn đi vắng đã đem người đến buôn của Đăm Săn cướp phá và bắt vợ của chàng về.

* Vị trí của màn khiêu chiến: gồm 7 lời đối thoại đầu tiên giữa Đăm Săn và Mtao Mxây trong đoạn trích.

* Diễn biến màn khiêu chiến:

– Lời nói, hành động của Đăm Săn khi khiêu chiến kẻ thù:

+ Đăm Săn là người khiêu chiến trước: Ơ diêng, ơ diêng, xuống đây! Ta thách nhà ngươi đọ dao với ta đấy!

+ Đăm Săn tự tin, đứng trên địa bàn của kẻ thù mà không hề sợ hãi.

+ Cách gọi “diêng” => thể hiện thái độ khinh bỉ, giễu cợt Mtao Mxây vì trước đây hai người là bạn kết nghĩa.

+ Đe dọa phá nhà của Mtao nếu hắn không chịu xuống.

+ Khẳng định mình không đâm Mtao khi hắn đang đi xuống=> tinh thần thượng võ của một anh hùng dũng sĩ theo quan niệm truyền thống của người Ê – đê (không lừa đánh khi kẻ thù chưa sẵn sàng)

+ “ Ngươi xem, đến con lợn nái của nhà ngươi dưới đất, ta cũng không thèm đâm nữa là!”=> thể hiện sự khinh miệt, coi Mtao không bằng con trâu, con lợn.

=> Đăm Săn hiện lên với những phẩm chất tốt đẹp cao quý của một người anh hùng: nhân cách đàng hoàng, thẳng thắn, dũng cảm, hiên ngang,…

– Thái độ của Mtao Mxây:

+ Không xuống khiêu chiến, ngồi trên nhà, cố ý chọc tức Đăm Săn bằng cách nói “vợ hai chúng ta”.

=> Sự lo sợ, hèn nhát, thiếu tự tin trước lời thách đấu của Đăm Săn.

+ Khi nghi Đăm Săn dọa sẽ phá nhà, Mtao Mxây vội vàng đồng ý lời thách đấu và đi xuống nhà

=> tiếc của hơn mạng sống.

+ Lo sợ Đăm Săn sẽ đánh lén mình => tiểu nhân suy bụng ta ra bụng người, hèn nhát, đê tiện, quen đánh lén

=> Trái ngược hoàn toàn với Đăm Săn, Mtao Mxây là kẻ rất ti tiện, hèn yếu, xấu xa.

*Đánh giá

– Nghệ thuật xây dựng tình tiết, sự kiện, ngôn ngữ cho đến các biện pháp tu từ so sánh và phóng đại.

– Lối mô tả song hành, ngôn ngữ trang trọng, giàu hình ảnh.

– Làm nổi bật vẻ đẹp, sức mạnh của mang tầm vóc sử thi hoành tráng của hình tượng nhân vật người anh hùng Đăm Săn trong chiến công lừng lẫy

3. Kết bài

Phân tích màn khiêu chiến giữa hai tù trưởng trong Đăm săn và Mtao Mxay

Sử thi Đăm Săn – một sử thi anh hùng nổi tiếng của người Ê – đê. Đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây kể về chiến thắng của Đăm Săn trong cuộc chiến đấu với Mtao Mxây. Cuộc chiến đấu của Đăm Săn tuy có mục đích riêng là giành lại vợ từ tay tù tưởng khác nhưng lại mang ý nghĩa và tầm quan trọng đối với lợi ích của cả cộng đồng. Chiến công của anh hùng Đăm Săn là niềm tự hào, thể hiện lí tưởng của toàn thể cộng đồng. Trong đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây, màn khiêu chiến giữa hai từ trưởng là Đăm Săn và Mtao Mxây để lại nhiều ấn tượng với bạn đọc.
Đoạn trích Chiến thắng Mtao M xây có thể chia làm ba phần. Phần đầu là cuộc chiến giữa hai tù trưởng, phần thứ hai là cảnh Đăm Săn cùng tôi tớ trở về sau chiến thắng và phần cuối là cảnh Đăm Săn cùng thị tộc ăn mừng. Màn khiêu chiến giữa hai tù trưởng thuộc phần đầu của đoạn trích.

Nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến giữa hai tù trưởng là do Mtao M xây đã cướp vợ của Đăm Săn là Hơ Nhị. Hành động đến đòi lại vợ của Đăm Săn chứng tỏ chàng là một người trọng danh dự cá nhân, cộng đồng, gắn bó với hạnh phúc gia đình, bộ tộc. Cuộc chiến giữa hai tù trưởng được chia thành hai chặng. Chặng thứ nhất cũng là màn khiêu chiến giữa Đăm Săn và Mtao Mxây.

Ngay trong màn khiêu chiến giữa hai tù trưởng, qua những lời nói, cử chỉ, hành động của Đăm Săn và Mtao Mxây, tác giả dân gian đã làm nổi bật sự khác nhau của hai nhân vật. Trong khi Đăm Săn tỏ ra là một người anh hùng với những phẩm chất tốt đẹp thì Mtao Mxây lại hiện lên với dáng vẻ hèn nhát không xứng đáng với chức vị tù trưởng.

Phân tích màn khiêu chiến giữa hai tù trưởng trong Đăm Săn và Mtao Mxay

Ngay khi biết có kẻ kéo người tới cướp phá buôn của mình, bắt vợ mình về làm vợ, chàng Đăm Săn đã ngay lập tức tổ chức đánh trả. Đứng trên địa bàn của Mtao Mxây, Đăm Săn không hề sợ hãi, chàng dũng cảm thách thức kẻ thù với khí thế vô cùng anh dũng và tự tin: “Ơ diêng, ơ diêng, xuống đây! Ta thách nhà ngươi đọ dao với ta đấy!” Cách gọi “diêng” của Đăm Săn cũng cho thấy thái độ khinh thường, giễu cợt của chàng dành cho Mtao Mxây vì trước đó hai người từng bạn kết nghĩa ấy vậy mà Mtao Mxây tráo trở nhân lúc Đăm Săn cùng các nô lệ lên rẫy, ra sông làm lụng đã đến cướp phá buôn của Đăm Săn không những vậy hắn còn cướp vợ của bạn. Đáp trả lời thách thức của Đăm Săn, Mtao Mxây cũng không thua kém, hắn cũng gọi Đăm Săn là “diêng” và cố tình chọc tức Đăm Săn bằng cách nói “vợ hai chúng ta” nhưng hắn lại từ chối lời thách đấu của Đăm Săn, điều đó thể hiện sự lo sợ, thiếu tự tin của Mtao Mxây. Trước sự đê hèn và sự chọc tức của kè thù, Đăm Săn lại càng trở nên cứng rắn, chàng vẫn giữ được sự bình tĩnh và sự oai hùng của một vị từ trưởng. Biết lời lẽ nhẹ nhàng, đứng đắn không thể khiến Mtao Mxây bước xuống nhà, Đăm Săn liền đe dọa: “Ngươi không xuống ư? Ta sẽ lấy cái sàn hiên của nhà ngươi ta bổ làm đôi, ta sẽ lấy cái cầu thang của nhà ngươi ta chẻ ra kéo lửa, ta hun cái nhà của nhà ngươi cho mà xem!” Nghe thấy Đăm Săn định phá tài sản của mình, Mtao Mxây ngay lập tức đồng ý xuống nhà. Có thể thấy hắn không những là kẻ ác độc, không có tình nghĩa bạn bè mà còn là một kẻ tham lam, tiếc của hơn cả mạng sống. Lời nói tiếp theo của hắn còn thể hiện hắn là một kẻ tiểu nhân suy bụng ta ra bụng người. Hắn nói với Đăm Săn rằng: “Ngươi không được đâm ta khi ta đang đi xuống đó, nghe!” và “Ta sợ người đâm ta khi ta đang đi lắm”. Mtao Mxây nhắc đến việc sợ bị đánh lén như vậy bởi hắn là một kẻ chuyên đánh lén, minh chứng là hắn phải đợi Đăm Săn đi vắng mới dám đem người đến đánh phá buôn làng của chàng. Đăm Săn chắc chắn không phải một kẻ như Mtao Mxây, chàng sẽ chẳng bao giờ làm những việc hèn nhát như vậy. Đăm Săn đã hai lần khẳng định sự ngay thẳng của mình, dù tức giận trước hành động xấu xa của Mtao Mxây nhưng chàng vẫn luôn cả hai sẽ giải quyết mâu thuẫn với nhau bằng một trận chiến minh bạch, công bằng: “Sao ta lại đâm ngươi khi ngươi đang đi xuống nhỉ?”, “Sao ta lại đâm ngươi khi ngươi đang đi nhỉ?”. Hai câu hỏi của Đăm Săn mang đậm ngữ khi chê bai, giễu cợt và việc nói với hắn rằng con lợn, con trâu của nhà hắn chàng cũng không thèm đâm là một sự khinh miệt ghê gớm với Mtao Mxây, qua đó thấy rằng chàng coi Mtao Mxây không bằng con vật. Đăm Săn với sự khẳng định sẽ không lừa đánh kẻ thù khi chúng chưa sẵn sàng đã thể hiện tinh thần thượng võ cần phải có của một người anh hùng dũng sĩ – đây cũng là quan niệm truyền thống của người Ê – đê. Như vậy có thể thấy Đăm Săn rất coi trọng những truyền thống tốt đẹp của tộc người mình, trái ngược hoàn toàn với kẻ hèn nhát, ti tiện Mtao Mxây.

Chỉ trong mà khiêu chiến giữa hai tù trưởng, qua những lời nói, cử chỉ, hành động của hai nhân vật đã chứng tỏ Đăm Săn hơn hẳn Mtao Mxây về phẩm chất và phong độ. Lối mô tả song song, phép so sánh,… màn khiêu chiến đã làm nổi bật lên sự đối lập giữa một người anh hùng hiên ngang, anh dũng, đầy tinh thần thượng võ với một kẻ hèn nhát, xấu xa và tham lam. Sự đối lập giữa hai nhân vật này còn được thể hiện rõ ràng hơn ở phần tiếp theo khi hai người giao chiến với nhau. Và dù diễn biến có như thế nào thì kết quả người chiến thắng sẽ là Đăm Săn, bởi việc chiến thắng kẻ thù của Đăm Săn sẽ làm nổi bật tầm vóc người anh hùng sử thi.

Màn khiêu chiến giữa Đăm Săn và Mtao Mxây cùng với đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây đã tô đậm vẻ đẹp, sức mạnh của mang tầm vóc sử thi hoành tráng của hình tượng nhân vật người anh hùng Đăm Săn trong chiến công lừng lẫy qua nghệ thuật xây dựng tình tiết, sự kiện, ngôn ngữ cho đến các biện pháp tu từ so sánh và phóng đại. Nội dung và nghệ thuật của sử thi Đăm Săn qua đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây rất tiêu biểu cho đặc trưng của thể loại sử thi.