Đề bài: Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích ngắn gọn chủ đề của văn bản trích trong Tòa án lương tâm.
Lược dẫn: Vở kịch lấy bối cảnh một gia đình ở thành thị thời Pháp thuộc. Phú làm thầy kí, có vợ là Quý, một phụ nữ học hành hiểu biết không đến nơi đến chốn nhưng lại đua đòi tân thời, đua đòi lối sống văn minh, Âu hóa. Một hôm, buổi trưa, Phú đi làm về, không thấy vợ ở nhà. Hỏi thằng ở thì mới biết vợ đi đánh bài với mấy người bạn. Nhìn mâm cơm chỉ có một bát canh tương, bởi Quý không đưa tiền cho thằng ở đi chợ. Phú ngồi chờ vợ về để cùng ăn cơm. Mãi quá trưa Quý mới về tới nhà.
PHÚ (ngọt ngào): – Sao mợ không đưa tiền cho nó đi chợ? Ăn uống có một bát canh tương thế này, coi sao được!
QUÝ (hơi xẵng): – Cậu tưởng còn nhiều tiền lắm sao? Hôm nay mới hăm mốt mà cả thảy chỉ còn có năm đồng bạc thôi.
PHÚ (ngạc nhiên): – Tiêu gì mà chóng thế?
QUÝ (bĩu môi): – Lương cậu với lương tôi cả thảy được ba chục. Ăn tiêu từ đầu tháng đến giờ còn gì nữa mà hỏi. Người ăn núi lở, vả cậu lại không nhớ tục ngữ Tây có câu rằng: “bơ-ti-a bơ-ti, loa-dô phe-sông-ni” hay sao?
PHÚ (không bằng lòng): – Biết bao lần tôi đã bảo mợ đừng giở tiếng Tây ra, đàn bà ta nói tiếng Tây, nhất là nói sai, nó dơ dáng dại hình quá lắm! Câu phương ngôn Tây ấy cùng một nghĩa với câu ngạn ngữ ta: “Kiến tha lâu cũng đầy tổ”, chủ ý khuyên người ta cần kiệm, mỗi ngày dành dụm một ít, lâu ngày thành món tiền to. Như mợ tiêu pha vô độ, còn những mười ngày nữa mà đã gần hết cả lương, dùng câu ấy sao được! À mà hôm nay mợ đi đâu với cô phán thế, đến bây giờ mợ mới về, tôi đợi đói quá!
QUÝ (đứng dậy): – Háu đói thì cứ ăn trước đi có được không? Đi đánh bài đấy! Làm gì thì làm! Cậu có tự do của cậu, tôi có tự do của tôi, cậu không thể lấn quyền tự do áp chế tôi được! Cậu nghĩ đi, tôi chả ăn nhờ gì cậu đâu! Lương tháng tôi mười đồng, cái miệng tôi ăn cũng chưa đến nỗi thiếu! Tôi có phải đứa ngu si vô học như ai đâu mà cậu lấn áp!
PHÚ (cố nén giận, vẫn khoan thai): – Mợ bảo mợ có học, có tự do, nhưng vì mợ học chưa đến nơi, nên chữ tự do mợ hiểu chưa hết ý nghĩa. Tự do đi đôi với bổn phận, có làm hết bổn phận mới có tự do, nghĩa là mới khỏi có lúc phải đi luồn cúi vay mượn khi thiếu thốn. Mợ xa hoa thế, nhà đang có tang (bố Quý mới mất – CT) mà mợ áo sa, ô đầm!… Thiên hạ tất bảo mợ quá tự do, mà chữ tự do ấy có nghĩa mỉa mai chứ không phải khen ngợi. Mợ đã là người có học thức đáng lẽ phải cư xử cho hợp cương thường, đạo lí, chứ ngay đối với chồng mà phũ phàng to tiếng thế, thô bỉ lắm!
QUÝ (bĩu môi) – Nói thế bảo ai ngu ai dốt! Đã tự do lại còn phải bó buộc trong vòng bổn phận! Bó buộc mà lại gọi là tự do! Thôi thôi! Tôi xin cậu đừng dở lí luận với tôi nữa, cậu làm thầy kí, thì tôi cũng làm giáo viên, cậu đừng dở lí sự cùn với tôi, không được! Cậu không thấy dư luận các báo đều là muốn chấn hưng nữ quyền, để bênh vực cho chữ bình đẳng đó ư! Nam nữ đồng quyền, con trai cũng là người, con gái cũng là người. Đàn ông các anh chỉ dùng cường quyền mà áp công lý thôi!
PHÚ: – “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, tôi lấy lẽ phải mà cắt nghĩa cho mợ hay, thì mợ cứ dở những câu vô lí mà cãi lại, mợ nói đến tự do, bình đẳng, nữ quyền mà thực không hiểu chi hết cả! Thằng cu li [1] có bình đẳng được với ông quan không? Nghĩa là “có đồng đẳng mới bình đẳng” được…
QUÝ: – Thôi, cậu hủ lắm, cậu ạ! Đời bây giờ văn minh, cậu toàn nói giọng gàn dở! (Thở dài). Rõ nghĩ đến vợ chồng mà chán! Trông thấy vợ chồng người ta mà thèm. Cậu không thấy vợ chồng cô Phán hay sao? Lắm bạc nhiều tiền, ăn sung mặc sướng, tối thứ bảy nào không cùng nhau đi rút bất [2] thì cũng mỗi người một chân tổ tôm [3] đó ư? Thầy Phán đi làm, cô Phán ở nhà muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm, thầy Phán có bao giờ nói nặng lời tới hay không? Thế mà tôi đeo cái áo sa cũ rích này, cầm cái ô mạt hạng này, cậu còn bẻ xuôi, bẻ ngược. Cực nhục quá! (ôm mặt khóc hu hu).
(Trích Tòa án lương tâm, Vũ Đình Long, in trong Tổng tập văn học Việt Nam, tập 24, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000, Tr.82-84)
Phân tích ngắn gọn chủ đề của văn bản trích trong Tòa án lương tâm
– Chủ đề: phê phán một bộ phận thị dân trước Cách mạng vì chạy theo lối sống văn minh, Âu hóa rởm mà đánh mất đi những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc.
– Phân tích:
+ Nhân vật Quý có sự hiểu biết rất ấu trĩ về hai chữ “tự do”. Cô ta đánh đồng tự do với lối sống buông thả, tùy tiện, vô trách nhiệm.
+ Nhân vật Phú, một người có hiểu biết sâu sắc và đúng đắn, muốn giảng giải cho vợ hiểu ra cái đạo lí ở đời, nhưng đành bất lực.
=> Tác giả đề cập đến một thực trạng trong xã hội thành thị Việt Nam trước cách mạng, ở đó, các giá trị đạo đức truyền thống đang bị xuống cấp bởi những kẻ tự cho mình là trí thức, là văn minh, Âu hóa. Qua đó, tác giả cũng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh: cần phải bảo vệ lấy các giá trị đạo đức truyền thống và biết cách tiếp thu những tiến bộ, văn minh phương Tây một cách tỉnh táo, sáng suốt.