Nhà văn Nguyễn Minh Châu rất coi trọng những tác giả viết được truyện ngắn để đời bởi: “Chỉ cần một số ít trang văn xuôi mà họ (các bậc thầy về truyện ngắn) có thể làm nổ tung trong tình cảm và ý nghĩ người đọc những điều rất sâu xa và da diết của con người, khiến người đọc phải nhớ mãi, suy nghĩ mãi, đọc đi đọc lại vẫn không thấy chán”. Viết được một truyện ngắn hay và được độc giả nhớ mãi là điều không dễ dàng. Các nhà văn phải là những người rất tài năng và tâm huyết với đứa con tinh thần của mình. Bên cạnh tài năng thiên bẩm, họ cũng hiểu rất rõ về nghệ thuật tự sự của truyện ngắn. Các nhà văn đã sử dụng điêu luyện nghệ thuật tự sự để viết nên những câu chuyện đặc sắc và không bao giờ bị lãng quên khi đã đọc nó. Một trong những nhà văn Việt Nam mà khi đọc tác phẩm của ông, người ta nhìn thấy trong đó không chỉ là một nội dung có giá trị mà còn thấy được nghệ thuật tự sự đặc sắc, đó là Kim Lân. Bên cạnh truyện ngắn Làng, tác phẩm Vợ nhặt cũng là một tác phẩm được đánh giá cao không chỉ về nội dung mà còn về nghệ thuật tự sự được thể hiện trong đó.
Định nghĩa về thể loại truyện ngắn, Từ điển thuật ngữ văn học do Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội xuất bản đã nêu ra một số đặc điểm chính của thể loại này. Trong đó, các tác giả coi truyện ngắn là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ, nội dung truyện ngắn rất đa dạng, bao trùm hầu hết các phương diện của đời sống. Thêm vào đó, các tác giả cũng chỉ ra yếu tố quan trọng bậc nhất của truyện ngắn là những chi tiết cô đúc, có dung lượng lớn và lối hành văn nhiều ẩn ý, tạo cho tác phẩm chiều sâu chưa nói hết. Truyện ngắn bởi sự giới hạn của dung lượng nên các nhà văn thường đưa trong tác phẩm những gì tinh túy nhất mà mình có. Khi nói đến nghệ thuật tự sự trong một tác phẩm truyện ngắn, chúng ta sẽ thường quan tâm đến tình huống truyện, nhân vật và ngôn ngữ kể chuyện. Một truyện ngắn muốn ghi được dấu ấn mạnh mẽ với độc giả, trở thành những áng văn bất hủ thì rất cần làm tốt cả ba yếu tố trên. Một tình huống truyện mới lạ, nhân vật phải được xây dựng một cách có chiều sâu và hiện thân cho một quan hệ xã hội, ý thức xã hội hoặc trạng thái tồn tại của con người, bên cạnh đó, ngôn ngữ kể chuyện cũng cần có sự lôi cuốn. Và truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân có đầy đủ những yếu tố ấy, bởi vậy mà độc giả mới nhớ về cảnh tượng “một đám cưới giữa muôn vàn đám ma”.
Đối với nghệ thuật truyện ngắn, tạo được một tình huống độc đáo, mới lạ để làm nổi bật chủ đề, nhân vật, tâm trạng là một điều rất quan trọng. Nhà văn Kim Lân đã tạo được một tình huống truyện như vậy trong truyện ngắn “Vợ nhặt”. Cái độc đáo hấp dẫn của tình huống trong tác phẩm là việc Tràng – nhân vật chính của truyện – một anh nông dân nghèo khổ, xấu xí, thô kệch lại “nhặt” được vợ một cách dễ dàng ngay khi nạn đói đang hoành hành khắp nơi, khi mà “người chết như ngả rạ” chỉ bằng lời nói bông đùa và bốn bát bánh đúc. Một tình huống lạ, khác thường nhưng cũng vì thế mà giá trị nhân đạo lại càng được thể hiện mạnh mẽ hơn. Chuyện Tràng bỗng nhiên “nhặt” được vợ khiến mọi người trong xóm ngụ cư, kể cả mẹ Tràng – bà cụ Tứ, đều ngạc nhiên bởi giữa không khí ảm đạm, chết chóc khi mà bản thân mỗi người còn khó có thể tự nuôi được bản thân, thì Tràng lại “cưới” vợ, đi cưu mang một người phụ nữ mới gặp mấy lần. Giá trị nhân đạo của tác phẩm được thể hiện đậm nét ở điểm này. Đó là tình cảm yêu thương đùm lẫn nhau giữa những con người nghèo khổ ngay trên bờ vực của cái chết và tình yêu thương giúp con người có niềm tin, hy vọng, sự lạc quan vào tương lai phía trước. Cùng với đó là tiếng nói lên án sâu sắc tội ác của bọn phát xít Nhật, thực dân Pháp và tay sai đã đẩy nhân dân vào nạn đói khủng khiếp khiến cho giá trị con người trở nên rẻ rúng, không hơn cọng rơm, ngọn cỏ, có thể “nhặt” được nơi đầu đường xó chợ, khiến con người sẵn sàng từ bỏ lòng tự trọng để có cái ăn, để được sống.
Bên cạnh tình huống truyện độc đáo, chúng ta cũng cần bàn đến bút pháp xây dựng nhân vật của nhà văn Kim Lân, đặc biệt là trong việc miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật. Mỗi nhân vật trong Vợ nhặt dù xuất hiện ít hay nhiều nhưng đều giữ một vai trò quan trọng làm nên thành công của toàn thiên truyện.
Trước hết là nhân vật Tràng. Anh là dân ngụ cư. Cũng như bao người khác, không ai biết họ từ nơi nào đến. Tràng nghèo khổ, xấu xí và thô kệch, nếu không phải trong cảnh đói kém lúc bấy giờ, Tràng hẳn sẽ không thể lấy được vợ. Thế nhưng ở Tràng người đọc lại cảm nhận được một tâm hồn lương thiện, một trái tim giàu tình yêu thương. Giữa “cái cảnh tối sầm lại vì đói khát ấy”, khi mà nuôi thân còn chẳng xong, Tràng lại dám “đèo bòng”, dám đưa một người đàn bà theo mình về để nương tựa. Lúc đầu khi người đàn bà theo mình về, Tràng cũng cảm thấy lo lắng, cũng chợn, nghĩ “thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng” nhưng ngay sau đó nỗi lo của Tràng đã biến mất, anh “tặc lưỡi một cái: – Chậc, kệ”. Từ diễn biến tâm lý ấy, người đọc còn cảm nhận được ở Tràng là niềm khao khát hạnh phúc lứa đôi, tình cảm vợ chồng. Bởi vậy trước khi về anh còn “đưa thị vào chợ tỉnh bỏ tiền ra mua cho thị cái thúng còn đựng vài thứ lặt vặt”. Đặc biệt, Kim Lân đã rất tinh tế khi diễn tả tâm lý nhân vật Tràng trước khi có vợ và sau khi có vợ. Tình yêu thương giúp người ta có niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp hơn. Tràng cũng vậy, có vợ Tràng từ người đàn ông hay chơi với đám trẻ con trong xóm mà giờ anh đã trưởng thành hơn. Tràng cảm thấy “một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bấy giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này. Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tử sửa lại căn nhà”.
Cùng với Tràng, nhân vật người vợ nhặt cũng là nhân vật chính của truyện. Qua nhân vật ấy, người đọc hình dung được số phận cùng cực của người dân trong nạn đói ấy. Người vợ nhặt có tên, chỉ được gọi “thị”. Thị cũng có hoàn cảnh sống khổ cực, thậm chí còn khổ cực hơn Tràng. Thị xuất hiện với một chân dung thảm thương “thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”. Người vợ nhặt cũng được chú ý khắc hoạ tính cách. Khi mới gặp Tràng, thị là con người bản năng, đanh đá, bạo dạn tới mức trơ trẽn: mới nghe Tràng hò một câu “Muốn ăn cơm trắng mấy giò này/ Lại đây mà đẩy xe bò với anh, nì”, nghe câu hò có nhắc đến cơm, đến giò tức là có tín hiệu của cái ăn, của sự sống, thị đã “lớn ton chạy lại đẩy xe chở Tràng”. Đến lần gặp thứ hai, thị hiện lên là người đàn bà cong cớn, đanh đá “ở đâu sầm sập chạy đến. Thị đứng trước mặt hắn sưng sỉa nói: “Điêu! Người thế mà điêu”!. Và khi nghe đến được cho ăn thì “hai con mắt trũng hoáy của thị tức thì sáng lên”, khi ăn thị cũng không có dáng vẻ nhẹ nhàng, đoan trang mà ăn vồ vập “cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì. Ăn xong thị cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng”. Nhà văn Kim Lân rất có dụng ý khi đặc tả cách ăn của thị. Nhà văn vừa đồng cảm vừa thương xót cho những con người đói khổ ấy. Trong cái đói, người ta chỉ nghĩ đến làm sao để sống được qua ngày hôm nay, con người khó có thể giữ được phẩm chất của mình. Thế nhưng đấy không phải là tính cách vốn có của thị. Tính cách thật của thị được bộc lộ rõ nét khi thị theo Tràng về làm vợ. Thị cũng là một người đàn bà nhu mì thuần hậu. Thị cũng có dáng vẻ bẽn lẽn, ngại ngùng của một nàng dâu mới về. Và trên hết, thị cũng là một người phụ nữ có tấm lòng nhân ái. Khi về nhà Tràng, thị nhận ra Tràng cũng nghèo hèn không kém nhưng thị không chê bai mà còn thông cảm cho hoàn cảnh của hai mẹ con Tràng. Thị chấp nhận số phận của mình và ý thức về trách nhiệm của mình. Thị trở thành người vợ đảm đang, tần tảo. Thị thức dậy sớm, lộ dọn dẹp nhà cửa, quét tước sân vườn sạch sẽ. Cũng Tràng, tình thương cũng khiến thị thay đổi, và Tràng cũng chính là người nhận ra điều đó: “Tràng nom thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu đúng mực không có vẻ gì chao chát chỏng lỏn như mấy lần Tràng gặp ở ngoài tỉnh”.
Cuối cùng là nhân vật bà cụ Tứ. Nhân vật này chủ yếu hiện diện qua tâm trạng. Nhờ khai thác thế giới nội tâm này, Kim Lân đã hoàn thiện dược bức tranh đời sống cơ khổ của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám một cách khách quan, đậm nét đấy nghĩa tình. Thể hiện cảm động tấm lòng yêu thương, đùm bọc lẫn nhau và niềm khao khát hạnh phúc của những người nghèo khổ, Kim Lân chủ yếu hưởng vẻ đẹp nhân bản ấy ở nhân vật bà cụ Tứ, mẹ của Tràng và là người thừa nhận người đàn bà theo con trai mình về nhà. Chỉ xuất hiện vào khoảng nửa cuối của thiên truyện nhưng bà cụ Tứ là nhân vật quan trọng của tác phẩm. Qua bà, tình người hiện lên cảm động hơn, chân thành hơn và vì thế mà sức tố cáo xã hội tàn nhẫn, tuy gián tiếp những sâu sắc hơn.
Bà cụ Tứ là người mẹ nghèo khổ thương con như bao người mẹ Việt Nam. Bà cụ Tứ xuất hiện lúc anh Tràng đưa vợ về. Đúng hơn là khi Tràng đưa vợ về một lúc lâu thì cụ Tử mới về. Cách kể này tạo sự hồi hộp cho người đọc. Ta không biết liệu cụ có đồng ý nhận người vợ nhật ấy không. Vẻ bồn chồn của Tràng và sự căng thẳng của người đàn bà càng cho thấy vai trò quyết định của cụ Tứ đối với hạnh phúc của hai người. Khi gặp người đàn bà xa lạ, nghe thị chào bằng u, bà cụ Tứ hiểu ra “biết bao nhiêu cơ sự”. Không chỉ cảm thông cho các con mà cụ còn tự trách bản thân: “Chao ôi, người ta dựng vợ gã chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì… Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt… Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không”. Không chỉ là người mẹ thương con, một con người giàu lòng nhân ái, bà còn là một người có niềm tin vào tương lại. Bà cụ cũng truyền niềm tin ấy cho Tràng và thị. Bà cùng thị dọn dẹp nhà cửa và trong “bữa ăn ngày đói trông thật thảm hại. Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo” và trong mùi vị đắng chát của món chè khoán ấy, người mẹ già chỉ toàn nói về những điều tươi sáng trong tương lai.
Không chỉ nhờ hai yếu tố trên, ngôn ngữ kể chuyện là yếu tố thu hút người đọc. Nhà văn Kim Lân là một người con của đồng quê, những sáng tác của ông tập trung về đề tài nông thôn, phản ánh vẻ đẹp tâm hồn, sinh hoạt lành mạnh của người dân cực nhọc, nghèo khổ. Có lẽ vì vậy mà ngôn ngữ kể chuyện của nhà văn vô cùng giản dị, gần gũi và dễ hiểu. Tác giả đã dùng những ngôn từ ấy để phản ánh chân hiện thực một cách chân thật nhất, tái hiện những quan sát tinh tế của mình.
Vợ nhặt có thể coi là một trong những truyện ngắn mẫu mực của văn học hiện thực Việt Nam không chỉ về nội dung mà còn về nghệ thuật. Chính những yếu tố nghệ thuật đặc sắc từ tình huống, nhân vật, đến ngôn ngữ, giọng điệu đã giúp nhà văn truyền tại trọn vẹn nhất những thông điệp của mình.
Qua truyện ngắn Vợ nhặt, người đọc có thể khẳng định được tài năng trong sán tác truyện ngắn và nhân cách của nhà văn Kim Lân. Kim Lân là nhà văn của những cảnh đời lao khổ, của đời sống nông thôn. Văn ông thấm đẫm tình yêu thương dành cho những người dưới đáy xã hội và luôn hi vọng một sự đổi cho họ. Cùng với đó, thông qua những sự kiện, con người nhỏ bé trong cuộc sống thường nhật, Kim Lân còn đem đến những vấn đề nhân sinh sâu sắc.