Phân tích nhân vật Dế mèn trong đoạn trích Dế mèn bênh vực kẻ yếu

5/5 - (1 bình chọn)

Xuất xứ đoạn trích Dế mèn bênh vực kẻ yếu

Đoạn trích Dế mèn bênh vực kẻ yếu được trích trong tuyển tập Dế mèn phiêu lưu kí ra đời năm 1941 của nhà văn Tô Hoài.

Nội dung của đoạn trích Dế mèn bênh vực kẻ yếu

Một hôm, Dế Mèn đi qua vùng cỏ xước xanh dài, thì cậu chợt nghe thấy tiếng khóc tỉ tê. Hóa ra, khi đi vài bước nữa, cậu mới thấy chị Nhà Trò đang khóc lóc ở đó. Nhìn thân hình chị nhỏ nhắn, mỏng manh, yếu đuối, cậu cảm thấy thương hại cho chị. Khi biết câu chuyện mà chị kể. Dế Mèn liền an ủi chị và hứa sẽ bảo vệ chị. Khi đến chỗ mai phục của bọn nhện, Dế Mèn liền gọi chủ đàn ra để nói chuyện. Cậu liền quay phắt lưng, phóng càng đạp phanh phách ra oai, làm chủ đàn vô cùng sợ hãi, chúng liền đập đầu xuống đất xin tha. Dế Mèn đã lên tiếng bảo vệ chị nhà trò, cuối cùng, chúng đã gỡ các giăng tơ và trả lại sự bình yên cho chị Nhà Trò.

Phân tích nhân vật Dế mèn trong đoạn trích Dế mèn bênh vực kẻ yếu
Phân tích nhân vật Dế mèn trong đoạn trích Dế mèn bênh vực kẻ yếu

Phân tích nhân vật Dế mèn trong Dế mèn bênh vực kẻ yếu

Được mệnh danh là nhà văn của mọi lứa tuổi, đặc biệt là thiếu nhi, nhà văn Tô Hoài đã để lại cho đời nhiều tác phẩm giá trị với hơn 200 đầu sách trải dài trên nhiều đề tài. Trong đó, cuốn sách “Dế mèn phiêu lưu kí” là tác phẩm đưa tên tuổi của ông đến gần nhất với thế hệ măng non của đất nước, như một cuốn lưu bút để lại cho tuổi thơ của mỗi người. Bằng giọng văn gần gũi, Tô Hoài đã vẽ nên một cuộc hành trình xuôi ngược, nhiều cay đắng, nhưng từ đó, nhân vật chính – Dế mèn đã rút được nhiều kinh nghiệm và trưởng thành trên con đường tìm ra bản ngã của chính bản thân mình. Tuy ban đầu có kiêu căng, hống hách, nhưng về sau, những hành động của Dế mèn làm sáng lên những tấm gương nghĩa hiệp, những hành động quả cảm và anh dũng, để lại những ấn tượng đẹp trong lòng những bạn đọc gần xa. Đoạn trích “Dế mèn bênh vực kẻ yếu” chỉ là một trong rất nhiều tình huống thể hiện phẩm chất anh hùng của Dế mèn, tuy nhỏ bé nhưng rất đáng yêu và đáng trân trọng.

Dế mèn rất giàu tình yêu thương và trắc ẩn đối với những số phận xung quanh mình. Khi đi qua bụi cỏ xước, thấy tiếng khóc thút thít và hình ảnh chị Nhà trò “gục đầu bên tảng đá cuội”, nó bèn lân la đến hỏi chuyện. Đối với những kẻ vô tâm, hờ hững và bàng quan với thế giới xung quanh, chắc hẳn họ đã bỏ đi để tránh “mua dây buộc mình”. Nhưng trái lại, Dế mèn lại bày tỏ sự thương cảm và quan tâm đến gần con vật có phần bất hạnh ấy và lân la hỏi chuyện. Hình ảnh chị Nhà trò bé nhỏ có “đôi cánh ngắn chùn chùn”, “đã bé nhỏ lại còn gầy yếu” đã làm dâng lên trong lòng Dế mèn sự thương cảm sâu sắc. Dế mèn càng cảm thương trước số phận của chị Nhà trò, khi “mẹ mất”, “sống thui thủi”, “ốm yếu quá lên làm không đủ ăn”, lại còn bị bọn nhện đòi nợ, truy lùng gắt gao. Bọn nhện khi thì đánh đập, khi đòi vặt chân, sự sống của chị đang bị đe dọa một cách nghiêm trọng. Dế mèn đã quyết định đi tìm lại công lý, bênh vực Nhà trò- kẻ yếu thế hơn. Đây là sự thương cảm xuất phát từ chí khí anh hùng, sự thương người và giàu lòng trắc ẩn của chú ta.

Cử chỉ “xòe cả hai cẳng ra” như hình ảnh dũng sĩ xòe hai cây kiếm để bảo vệ dân lành. Câu nói “em đừng sợ, hãy về cùng với tôi đây Đứa độc ác không thể cậy khỏe ăn hiếp kẻ yếu” vang lên đầy tình thương, đó là sự thấu cảm, là sự chở che không phải ai cũng dám nói. Tiếng khẳng định của Dế mèn vang lên như một bài hịch, khẳng định lời tuyên chiến với lũ nhện cậy đông, cậy mạnh để hiếp đáp kẻ yếu thế hơn mình.

Trận địa mai phục của bọn nhện như thiên la địa võng. Chúng nó “chăng từ bên nọ sang bên kia biết bao nhiêu là tơ nhện”, những con vật nhỏ qua đây chỉ có đường chết, khó lòng thoát nổi. Chúa trùm nhà nhện hiện lên với tính cách chua ngoa, nặc nô, đanh đá. Đi kèm mụ là hai vệ sĩ khỏe mạnh đi kèm, mụ như không sợ trời, không sợ đất. Trên trận địa còn bao nhiêu tên nhện độc đang lấp ló , chỉ đợi tên nhện Gộc ra tín hiệu là ra tay ôm chặt lấy con mồi. “Chúng đứng im như đá mà coi vẻ hung dữ”, hình ảnh của những con vật đáng sợ này như một thách thức lớn đặt trên vai Dế mèn, liệu chú ta có dám dũng cảm vượt qua?

Danh xưng “ta” của Dế mèn cất lên một cách dõng dạc, hùng hồn. Vừa thấy mụ nhện, Dế mèn đã “quay phắt lưng, đạp phanh phách”. Đây là món võ gia truyền nhà dế, vừa để chứng tỏ sức mạnh, vừa để thị uy trước mặt lũ ăn hiếp kẻ yếu này. Qua chi tiết này, Tô Hoài đã khéo léo tái hiện trong đầu độc giả một chú dế cường tráng, có đôi càng khỏe mạnh, đang độ tuổi thiếu niên. Với phẩm chất biết hy sinh, biết vì người yếu thế hơn, Dế mèn đã để lại nhiều ấn tượng tốt trong lòng bạn đọc.. Và không ngờ, mụ dế lại sợ đến co rúm người lại, dập đầu xuống đất lia lịa để xin tha. Tóm lấy cơ hội ấy, Dế mèn đã vạch tội lũ gian ác, đã “béo múp” lại còn tham lam một tí tẹo nợ từ đời nào. Chú ta cấm lũ nhện không được đòi nợ Nhà trò nữa, như một lời phán xử của một vị quan tới những kẻ ác. Tức thì quân tướng lũ nhện “sợ hãi cùng dạ ran”, chúng vội vàng “phá hết các dây tơ chăng lối”. Và con đường về tổ Nhà Trò “quang hẳn”. Chị Nhà Trò đã thoát nạn một cách tài tình.

Qua đoạn trích này, ta càng thấy khâm phục và tán dương tài năng của Dế mèn. Là một chàng thanh niên trẻ, có những phẩm chất tốt đẹp, biết thấu cảm, thương cho những thân phận yếu thế hơn mình, rất giỏi và hào hiệp. Một chi tiết nữa đáng khen cho Dế mèn, là dù có “võ công” cao cường, thân thể cường tráng, bệ vệ, nhưng nó đã không dùng sức mạnh của mình để hiếp đáp người vô tội, kém thế. Dế Mèn đã hết lòng bênh vực chị Nhà trò, đúng là một hiệp sĩ giữa cuộc đời thực. Với lời văn, ngôn ngữ mộc mạc cùng lối nhân hóa tài tình, Tô Hoài đã đem lại một hình ảnh Dế mèn gần gũi, hết sức thân thuộc với tuổi thơ. Qua hình ảnh này, độc giả, đặc biệt là các bạn nhỏ sẽ có cho mình những bài học sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình đối với con người yếu thế hơn mình trong xã hội.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *