Phân tích nhân vật người Cha trong câu chuyện Miếng bánh mì cháy

Qua Phân tích nhân vật cha trong câu chuyện Chiếc bánh mì cháy người đọc sẽ thấy rõ được động viên, quan tâm và chia sẻ giữa những thành viên trong gia đình là điều cần thiết. Điều đó giúp tình cảm gia đình thêm khăng khít hơn

Dàn ý phân tích nhân vật cha trong câu chuyện Chiếc bánh mì cháy

1, Mở bài.

– Giới thiệu nhân vật, tác phẩm.

– Khái quát đặc điểm nhân vật: người cha ấm áp, nhân hậu và có cách giáo dục con thông minh, khôn khéo.

2, Thân bài.

– Bối cảnh xuất hiện của nhân vật.

– Phân tích những đặc điểm của nhân vật:

+ Người cha nhân hậu, ấm áp, tử tế, luôn dành tình yêu thương cho những người thân yêu trong gia đình.

+ Người cha có cách giáo dục con khéo léo, tinh tế.

– Nghệ thuật xây dựng nhân vật: nhân vật được xây dựng qua những chi tiết miêu tả lời nói, hành động, được đặt vào một tình huống đặc biệt để bộc lộ phẩm chất.

– Xây dựng nhân vật tác giả ca ngợi những người cha, người đàn ông là trụ cột gia đình.

3, Kết bài.

– Khẳng định vẻ đẹp phẩm chất của nhân vật.

– Liên hệ bản thân.

Phân tích nhân vật cha trong câu chuyện Chiếc bánh mì cháy

Có những mẩu truyện ngắn đơn giản, khai thác từ những tình huống rất đời thường nhưng đằng sau đó là biết bao nhiêu câu chuyện ý nghĩa về cuộc sống. Chiếc bánh mì cháy là một mẩu truyện như thế. Người cha trong văn bản Chiếc bánh mì cháy đã được tác giả tập trung khai thác, xây dựng bằng một vài chi tiết rất đắt giá. Qua đó nhân vật đã bộc lộ những phẩm chất, tính cách và đã để lại những dấu ấn đậm nét trong lòng người đọc.

Chiếc bánh mì cháy là một truyện ngắn khai thác dựa trên bối cảnh rất đời thường. Các chi tiết có thể xuất hiện ở bất cứ gia đình nào. Thế nhưng dưới bàn tay tài hoa của tác giả những chi tiết ấy lại trở nên vô cùng đắt giá. Tác phẩm xoay quanh ba nhân vật đều là một thành viên trong gia đình đó là người cha, người mẹ và đứa con. Mỗi nhân vật đều có những màu sắc riêng, trong đó người cha đặc biệt gây ấn tượng bởi có cách giáo dục con khôn khéo, có tấm lòng nhân hậu, có tình yêu thương tha thiết, cái đầu lạnh và một trái tim ấm nóng. Nhân vật người cha đã được đặt vào một tình huống có vấn đề để qua đó nhân vật tự bộc lộ những phẩm chất, tính cách của mình.

Phân tích nhân vật cha trong văn bản Chiếc bánh mì cháy

Trong một bữa cơm như thường ngày của gia đình, vì sơ suất nên người mẹ vô tình làm cháy miếng bánh mì. Thay vì giận dỗi, quát mắng hay khó chịu với vợ người cha coi như có chuyện gì xảy ra, thậm chí còn vui vẻ thưởng thức những lát bánh mình cháy. Bữa cơm vẫn diễn ra bình thường, không khí gia đình vẫn rất vui vẻ mặc dù người mẹ luôn cảm thấy hối hận vì những miếng bánh mì cháy.

Trước hết người cha gây ấn tượng với người đọc bởi ông ấy là một người đàn ông rất nhân hậu ấm áp, luôn thông cảm và thấu hiểu với những nỗi vất vả và khó khăn của vợ. Ông biết sau một ngày làm việc vất vả vợ lại phải chuẩn bị những bữa cơm cho mình nên ông rất thấu hiểu với vợ. Chỉ vì một phút sơ suất chiếc bánh mì cháy khét nhưng ông không trách vợ, không cáu kỉnh và khó chịu. Miếng bánh mì cháy đâu có là gì so với những sự hy sinh mà vợ đã dành cho gia đình. Bởi thế ông vẫn xem như không có chuyện gì, vui vẻ thưởng thức bữa ăn, lại còn trấn an vợ bằng những lời lẽ đầy yêu thương “Em à, anh thích bánh mì cháy mà” Thật ra ai cũng hiểu đó là những lời nói dối của ông, chả ai thích ăn bánh mì cháy cả, nhất là khi nó còn cháy đen như than, đắng làm sao nuốt nổi. Nhưng ông vẫn rất điềm tĩnh trấn an vợ để vợ không cảm thấy sợ hãi, hối hận với những lát bánh mì cháy. Lời nói dối ấy xuất phát từ trái tim, từ tình yêu thương tha thiết, từ sự cảm thông sâu sắc của người đàn ông dành cho người phụ nữ của mình. Cuộc sống gia đình đâu cần những lời nói hoa mĩ không có giá trị, thứ để giữ cho tình cảm bền lâu chính là sự quan tâm, yêu thương, san sẻ và nhất là thông cảm với những sai lầm của đối phương.

Không chỉ có vậy người cha còn gây ấn tượng nhờ cách giáo dục con thông minh, khôn khéo. Cách cư xử với vợ của người cha trên bàn ăn đã khiến đứa con thắc mắc. Nó tự đặt câu hỏi trong đầu sao cha không nóng giận, sao cha vẫn thưởng thức miếng bánh mì cháy một cách ngon lành đến vậy? Đến tối đi ngủ, cha lặng lẽ lại gần con giảng giải cho con nghe “Mẹ con đã làm việc rất vất vả cả ngày và mẹ rất mệt. Một lát bánh mì cháy chẳng thể làm hại ai con ạ. Nhưng con biết điều gì thực sự gây tổn thương cho người khác không? Những lời chê bai, trách móc cay nghiệt đấy”, điều đó chứng tỏ cha đã có cách giáo dục con thật tinh tế, khôn khéo, nhẹ nhàng dạy cho con những bài học quý giá về cuộc đời.

Xây dựng nhân vật người cha tác giả ca ngợi những người cha, người đàn ông là trụ cột gia đình. Người đàn ông ấy hội tụ đầy đủ những vẻ đẹp phẩm chất tốt đẹp và để lại những ấn tượng đậm nét trong lòng người đọc.

——————————————–

Trên đây là Phân tích nhân vật cha trong câu chuyện Chiếc bánh mì cháy do Trạm văn học sưu tầm. Bằng việc xây dựng nhân vật người cha với những phẩm chất tốt đẹp tác phẩm đã gửi gắm rất nhiều những bài học đắt giá về cuộc sống.