Phân tích tác dụng của tình huống kịch đối với việc thể hiện tính cách nhân vật thị trưởng trong đoạn trích Quan thanh tra

Viết đoạn nghị luận văn học (khoảng 200 chữ) phân tích tác dụng của tình huống kịch đối với việc thể hiện tính cách nhân vật thị trưởng trong đoạn trích Quan thanh tra:

Thị trưởng: Này, Xiêpan Ilich, ông nghe đây! Có một vị quan từ Petecbua đến. Ông đã xếp đặt gì chưa?

Cảnh sát trưởng: Thưa đã, theo như lệnh ông truyền. Tôi đã cho viên cảnh sát Pigôvity cùng bọn phu vệ sinh đi quét sạch hè phố.

[…] Thị trưởng: Nghe đây, ông làm như thế này nhé, thằng đội sếp Pugôvitxim ấy… nó cao lớn, vì vậy cho nó đứng trên cầu ấy để giữ trật tự. Lại còn phải dỡ cho nhanh cái hàng rào cũ, ở gần nhà thằng thợ giày, để ở đấy ít cọc, làm mốc, cho có vẻ đang dự định làm lại. Càng xáo lộn lên bao nhiêu, lại càng tỏ ra mình tích cực hoạt động để cai quản thành phố bấy nhiêu. À, trời ơi, tôi quên mất, cạnh cái hàng rào ấy, rác rưởi chất đầy, có đến bốn mươi xe bốn bánh chứa cũng vừa. Thật là bọn dân khốn kiếp: vừa dựng lên một công trình để kỷ niệm gì ở đâu, hoặc chỉ dựng một cái hàng vào thôi cũng thấy ngay đủ các vật bẩn thỉu từ đâu quăng ra, thánh cũng không biết được! (Thờ dài) Và nếu quan thanh tra có hỏi bọn ông rằng làm việc có mãn nguyện không thì yêu cầu trả lời: “Bẩm quan lớn, chúng tôi mãn nguyện cả ạ!” nhé, và nếu kẻ nào nói rằng chưa được mãn nguyện thì sau này tôi sẽ cho hẳn được mãn nguyện như lời hắn nói… Ôi! Chao ôi! Chao ôi! Bao nhiêu tội lỗi, biết bao nhiêu tội lỗi (cầm nhầm phải cái hộp đựng mũ). Lạy Chúa, xin Ngài phù hộ cho con tai qua nạn khỏi, sau con xin thắp cúng một ngọn nến chưa có kẻ nào từng cúng: con sẽ bắt mỗi thằng lái buôn bịp bợm phải nộp ba pút sáp làm nến. Ôi trời ơi, trời ơi! Piôt Ivannôvich, ta đi đi! (Định đội mũ nhưng lại đội cái hộp bằng giấy các-tông).

(N. Gogol, Quan thanh tra, Vũ Đức Phúc dịch, NXB Lao động – Trung tâm văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2009 – Lớp 5, Hồi 1, tr.28-29)

Tìm hiểu về vở kịch Quan thanh tra và nhân vật thị trưởng

Tìm hiểu về vở kịch Quan thanh tra

Vở Quan thanh tra được sáng tác năm 1835 và xuất bản năm 1836, thể hiện lối viết trào lộng, châm biếm sâu cay của Gogol. Chuyện kịch bắt đầu từ thông tin quan thanh tra ở thủ đô Peterburg sẽ đóng giả thường dân về thị sát một thị trấn nhỏ miền nam nước Nga. Giới quan chức vốn tham nhũng đã quen trở nên hoảng loạn. Trong lúc ngóng đợi họ lại tưởng nhầm một gã công chức nhỏ lang thang đến nghỉ lại ở đây là quan thanh tra vi hành bí mật để tìm hiểu. Bọn quan chức ở đây lo sợ, tìm cách mua chuộc, hối lộ cho quan lớn, đồng thời nhân dịp này tố cáo, nói xấu nhau để tâng công với quan thanh tra.

Tham nhũng, vơ vét của cải, “ăn trên, ngồi chốc”, bóc lột nhân dân, nhưng khi có khả năng bị lộ tẩy, hệ thống quan chức câu kết ấy sẵn sàng giở chiêu trò và thể hiện đầy đủ nhất bản chất đớn hèn, ti tiện. Cái kết cuối vở kịch khi sự thật được phơi bày và lá thư mà gã công chức “quan thanh tra rởm” gửi cho bạn như cái tát giáng xuống, phơi bày tất cả những thối nát của chế độ Nga hoàng trong tiếng cười chua cay.

Tìm hiểu về nhân vật thị trưởng trong vở kịch Quan thanh tra

Nhân vật Thị trưởng có bề ngoài hào nhoáng, có gia đình hạnh phúc nhưng bên trong lại là người lừa bịp, dối trá “ không có một thằng nhà buôn, một thằng thầu khoán nào có thể bịp được tôi, tôi đã lừa được những thằng đểu giả thạo nghề…”

Nhân vật quan thị trưởng là đối tượng của tiếng cười; nhân vật này đều mang những tật xấu đặc trưng, được thể hiện qua các tình huống, hành động kịch và ngôn ngữ trong vở kịch. Những tình huống hài hước và châm biếm trong vở kịch đã tạo ra nhiều tiếng cười cho khán giả.

Phân tích tác dụng của tình huống kịch đối với việc thể hiện tính cách nhân vật thị trưởng trong đoạn trích Quan thanh tra

Mở bài

Giới thiệu vấn đề nghị luận: Tình huống kịch trong đoạn trích như một “thứ nước rửa ảnh” đã góp phần khắc họa rõ nét tính cách của nhân vật viên thị trưởng.

Thân bài

Làm rõ vấn đề nghị luận:

– Tình huống trong hải kịch là tình thế, hoàn cảnh đặc biệt được phát hiện trong cuộc sống đời thường khiến mâu thuẫn, xung đột và thói hư tật xấu, tính cách đáng cười của nhân vật chuyển từ trạng thái tĩnh, tiềm ẩn sang trạng thái động, được bộc lộ.

– Tình huống trong đoạn trích: Thị trưởng (Antôn Antônôvich) nghe tin có một vị quan từ Petecbua tới thành phố để thanh tra. Vì vậy ông thị trưởng đã giao các nhiệm vụ cho viên Cảnh sát trưởng (Xtêpan Ilich) để đối phó.

– Qua tình huống, tính cách của nhân vật thị trưởng được thể hiện sắc nét:

+ Gian dối để tạo uy tín cho bản thân (dỡ hàng rào cũ, để ít cọc, làm mốc, cho có vẻ đang dự định làm lại, xáo lộn để tỏ ra tích cực trong các hoạt động cai quản thành phố; bắt cấp dưới nếu trả lời quan trên phải theo ý của mình,…);

+ Sợ hãi cấp trên, dọa dẫm, đe nẹt cấp dưới (“Ôi/ Chao ôi! Chao ôi! Bao nhiêu tội lỗi, biết bao tội lỗi”; cuống cuồng đội nhầm hộp các-tông tưởng là mũ, đe dọa cấp dưới nếu không làm theo, cầu xin Chúa phù hộ, hứa hẹn “hối lộ” cả Chúa để mong được “tai qua nạn khỏi,…)

Kết bài

Tình huống kịch trong đoạn trích đã làm nổi bật chân dung hài kịch của viên thị trưởng. Qua đó, tác giả thể hiện tiếng cười châm biếm, đả kích thói nhố nhăng, giả dối của tầng lớp quan lại trong một xã hội nhiễu nhương với bộ máy công chức “rặt phường trộm cướp trắng trợn không làm được một việc gì có ích”.