Dàn ý Phân tích tác phẩm Nỗi buồn của chiến tranh
Mở bài: Giới thiệu sơ lược về tác giả Bảo Ninh và tác phẩm Nỗi buồn của chiến tranh
Thân bài:
- Sơ lược về nội dung tác phẩm
- Câu chuyện thể hiện những nỗi đau tinh thần hằn sâu vào cuộc sống của người lính đã đi qua cuộc chiến:
- Không gian: Mùa đông – là thời điểm vàng để con người hoài niệm về quá khứ
- Kiên bắt đầu viết truyện về cuộc đời mình – những câu chuyện không có đầu và không có kết thúc.
- Thể hiện nỗi đau, những kí ức đứt đoạn trong trí nhớ của người đi qua những cuộc chiến. Họ amãi mãi bị ám ảnh bởi nỗi đau tinh thần
- Người ta đọc được tiểu thuyết của Kiên, nhận ra và thấu cảm với nỗi đau đã găm vào cuộc sống của anh
Kết bài: Khẳng định lại nội dung tác phẩm và tài năng của Bảo Ninh
Phân tích tác phẩm Nỗi buồn của chiến tranh
Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau và nỗi ám ảnh mà nó để lại cho những con người ở lại đều không thể xóa nhòa. Vết hẳn những cuộc chiến ghim sâu vào cuộc đời, vào tâm tưởng và kí ức những người đang sống, để lại cho họ những nỗi day dứt trong suốt cuộc đời. Do vậy, những áng văn, câu chuyện kể về chiến tranh trở thành đề tài xuyên suốt trong văn học Việt Nam cho tới ngày nay. Là một nhà văn từng xông pha trận mạc, Bảo Ninh là cây viết chuyên viết về đề tài chiến tranh và muốn “văn của mình mang màu sắc quân đội”. Với quan niệm đề cao sự sáng tạo cá nhân, ông cho rằng mỗi nhà văn phải đi tìm cho mình một thứ mới, thật riêng không lẫn lộn với người khác. “Nỗi buồn chiến tranh” đã ra đời như thế. Tác phẩm đã thể hiện sự trăn trở và lộn lại mảnh đất kí ức để tìm lại một “cái tôi” rất mới.
Câu chuyện mở đầu bằng một không gian mờ mịt và lạnh giá của một đêm đông, Kiên nhìn ra màn mưa xối xả, xám xịt và nhớ đến anh em đồng đội. Những kí ức hãi hùng về bom nổ, đạn rơi như xoáy vào tâm trí người chiến sĩ ấy, anh nhớ về những anh em vào sinh ra tử của mình. Những con người đã bị chiến tranh và bom đạn xóa sổ. Kí ức đau buồn ấy dội về trong tâm tưởng, như thôi thúc anh ngồi xuống bàn, cầm bút. Và thay vì viết thư, thứ cảm giác lạ lùng ấy khiến anh viết một thứ hoàn toàn khác – thiên truyện đầu tiên trong đời. Trạng thái luôn sống với những kí ức xưa cũ đã làm anh cầm bút để ghi chép lại những trải nghiệm của một đoạn đời đặc biệt.
Rời xa khỏi cuộc chiến tranh, Kiên giày vò bản thân mình bằng một cách hoàn toàn khác người: luôn trong trạng thái mơ màng, đăm chiêu, âu sầu. Cuộc đời và tuổi trẻ của anh đã mất hoàn toàn trong chiến tranh. Để giờ đây, thân xác anh vẫn còn ở đây, nhưng sống như một kiếp tạm. Trước sự tươi non của thiên nhiên, bầu trời xanh của tự do, anh cảm thận cuộc sống qua sự âm thầm lặng lẽ: “đi dọc theo lối sỏi nhỏ hai bên um tùm cỏ và hoa”, ngồi im cả giờ nghe gió thổi thầm qua hồ. Sự năng động, hồn nhiên của tuổi trẻ đã bị bỏ lại trong cuộc chiến tranh ấy. Anh hoàn toàn thấy cô quạnh, âu sầu, suy nghĩ trong Kiên giờ đây được phủ một gam màu xám xịt. Hương sắc mùa xuân bao lấy cảnh vật cũng chỉ làm lay động những trái tim đang thổn thức khác. Còn đối với Kiên, con tim ấy đã được chôn cùng với những đồng đội của anh tại chiến trường khốc liệt. Anh thờ ơ, vô cảm trước vẻ đẹp của cuộc sống.
Nhiều tháng trôi qua, cuộc sống tẻ nhạt và mơ hồ của chàng trai trẻ tiếp diễn, những trang truyện cũng dần dày lên theo thời gian. Nhưng, những trang tiểu thuyết ấy cũng ngày một thêm dang dở. Tác phẩm của Kiên là những dòng chảy của ký ức lộn xộn, anh chỉ cắm cúi viết những gì diễn ra trong đầu chứ không hề có dụng ý sắp xếp. Những kí ức đứt gãy làm nên một thiên truyện xiêu vẹo, nhạt nhòa trong dòng chảy của nhân vật chính, không có bến bờ.
Và rồi Kiên lặng lẽ như một cái bóng rời khỏi khu phố. Và lẽ dĩ nhiên, chẳng ai quan tâm đến một cái bóng cả. Mọi người đã quen với cuộc sống như gió trời của Kiên. Tập bản thảo của anh được chị hàng xóm phát hiện, và dần dà, những nỗi buồn của anh được phơi bày qua từng trang viết. Ban đầu, người ta cũng cố lý giải cái cốt truyện lạ lùng của Kiên, nhưng rồi họ đã không còn cố gắng lí giải những trình tự trong bản thảo nữa, vì nó được sắp xép theo lối nhận thức và dòng chảy kí ức riêng của anh ta. Những trang viết có thể trang nào cũng là trang đầu, trang nào cũng có lẽ là trang cuối ấy, đã giúp Kiên sống lại trong dòng kí ức đau thương nhưng huy hoàng, những tháng ngày tuy bất hạnh nhưng chan chứa tình người. Ngày tháng ấy, người ta còn son trẻ, trong trắng và rất chân thành. Chiến tranh đã hút cạn nhựa sống của những người ở lại, để lại trong họ những gốc cây kí ức cằn cỗi không thể tái sinh. Và hiểu được sự thật đau lòng đến trần trụi ấy, cuối cùng, người ta phải thừa nhận “tác phẩm khá cuốn hút”. Việc sắp xếp câu chuyện hoàn toàn dựa vào tâm lí nhân vật và dụng ý của tác giả. Qua đoạn đầu câu chuyện, nhân vật Kiên hiện lên là một người mang chồng chất những nỗi đau, cả ở quá khứ và hiện tại. Anh đã chọn ngoảnh lại và tái hiện quá khứ ddeer phục sinh về tinh thần.
Qua “Nỗi buồn chiến tranh”, chúng ta nhận thấy một vấn đề muôn thuở, đề tài rộng, phản ánh mức độ nguy hiểm và sát thương cho chính những con người trong thời chiến, và cả những con người sau thời chiến. Đó không chỉ là những vết thương về thể xác mà còn là nỗi đau của con người về tinh thần. Do đó, tiểu thuyết mới có thể giúp nhà văn thể hiện dụng ý nghệ thuật trong tác phẩm.
Bảo Ninh đã dùng ngòi bút của mình để vẽ nên tâm trạng giằng xé của Kiên – tượng trưng cho những con người đi qua thời chiến. Đồng thời thể hiện sự đồng cảm và thấu hiểu của nhân vật “tôi”, là lưỡi dao phản ánh những tác hại của chiến tranh cho những con người đã từng đi qua nó. Đó là nỗi đau tinh thần giằng xé và khó nguôi ngoai trong suốt đời người, trở thành vết sẹo luôn rỉ máu mỗi khi nhớ về.