Đề bài: Viết đoạn văn nghị luận phân tích vai trò của một yếu tố tượng trưng trong việc thể hiện nội dung ở bài thơ Những người đàn bà gánh nước sông.
Tìm hiểu về bài thơ Những người đàn bà gánh nước sông
Bài đọc
Những ngón chân xương xẩu, móng dài và đen toẽ ra như móng chân gà mái
Đã năm năm, mười lăm năm, ba mươi năm và nửa đời tôi thấy
Những người đàn bà xuống gánh nước sông
Những bối tóc vỡ xối xả trên lưng áo mềm và ướt
Một bàn tay họ bám vào đầu đòn gánh bé bỏng chơi vơi
Bàn tay kia bám vào mây trắng
Sông gục mặt vào bờ đất lần đi
Những người đàn ông mang cần câu và cơn mơ biển ra khỏi nhà lặng lẽ
Những con cá thiêng quay mặt khóc
Những chiếc phao ngô chết nổi
Những người đàn ông giận dữ, buồn bã và bỏ đi
Đã năm năm, mười lăm năm, ba mươi lăm và nửa đời tôi thấy
Sau những người đàn bà gánh nước sông là lũ trẻ cởi truồng
Chạy theo mẹ và lớn lên
Con gái lại đặt đòn gánh lên vai và xuống bến
Con trai lại vác cần câu và cơn mơ biển ra khỏi nhà lặng lẽ
Và cá thiêng lại quay mặt khóc
Trước những lưỡi câu ngơ ngác lộ mồi.
(Nguyễn Quang Thiều, Những người đàn bà gánh nước sông, NXB Văn học, 1995)
Nội dung: Những người đàn bà gánh nước sông nói về sự lao động bền bỉ không than thở của những người đàn bà trên xứ sở chúng ta đời này qua đời khác. Những người đàn bà gánh nước trong bài thơ trên là những người phụ nữ mang đầy nỗi vất vả, cực nhọc. Họ mỗi ngày đều phải làm công việc nặng nhọc, vượt quá sức chịu đựng của người phụ nữ để mưu sinh mà không có sự giúp đỡ từ những người đàn ông
Phân tích vai trò của một yếu tố tượng trưng trong việc thể hiện nội dung ở bài thơ Những người đàn bà gánh nước sông
Mở bài
Nêu được vấn đề: Trong bài thơ Những người đàn bà gánh nước sông của Nguyễn Quang Thiều có nhiều yếu tố tượng trưng, chúng làm nên sự hấp dẫn, đa nghĩa, hàm súc cho bài thơ.
Thân bài
Chọn một yếu tố tượng trưng trong bài thơ và phân tích vai trò của yếu tố tượng trung đó trong việc thể hiện nội dung bài thơ:
1. Nêu ngắn gọn cách hiểu về yếu tố tượng trưng và lựa chọn yếu tố tượng trưng trong bài thơ. (Gợi ý chọn yếu tố tượng trưng trong bài thơ: Trong văn bản có các hình ảnh thơ mang yếu tố tượng trung sau: hình ảnh những người đàn bà gánh nước sông, hình ảnh người đàn ông mang cần câu và cơn mơ biển ra khỏi nhà lặng lẽ, cặp hình ảnh “đầu đòn gánh bé bỏng chơi vơi” và “mây trắng”; hình ảnh “Cá Thiêng quay mặt khóc”….)
– Gợi ý phân tích, làm rõ ý nghĩa thực, ý nghĩa tượng trưng của từng hình ảnh:
+ Người đàn bà gánh nước sông: người phụ nữ tảo tần, lam lũ (yếu tố tượng trưng có trong cách miêu tả ngoại hình) cả đời gánh nước sông về nhà, về bếp (tượng trưng về công việc, sản phẩm). Đây là hình ảnh người mẹ, người vợ, người chị, người con gái,… gánh cả gánh nặng mưu sinh, lo toan cho gia đình trên vai:
+ Người đàn ông mang cần câu và cơn mơ biển ra khỏi nhà lặng lẽ: người đàn ông khát vọng, nỗ lực nhưng rồi bất lực, lặng lẽ, luẩn quẩn trong giấc mơ mưu sinh luôn thất bại. Đây là một hình ảnh tượng trưng cho sự bất lực của con người trong khát vọng về hạnh phúc vô vọng.
+ Câu thơ “Một bàn tay họ bảm vào đầu đòn gánh bé bỏng chơi vơi / Bàn tay kia bầu vào mây trắng” liên quan đến các cặp phạm trù: bấp bênh và cân bằng, hiện thực và lãng mạn (cuộc mưu sinh vất vả, sự nghiệt ngã của cuộc sống và không thôi hy vọng), đáng thương và đáng quý trọng… Đây là hình ảnh tượng trưng cho niềm khát vọng, sự lạc quan, bay bổng ở con người dù cho cuộc sống vất vả, nhọc nhằn, chông chênh đến nhường nào. Cũng chính phẩm chất tâm hồn ấy đã níu giữ, khiến họ bền bỉ, nhẫn nại chịu đựng và hy sinh cho gia đình, cho cuộc đời….
+ Cá Thiêng quay mặt khóc: “Cá Thiêng” chỉ cơ hội lớn – cùng trường nghĩa với “cơn mơ biển”, “đi câu” (cách thức để có được cơ hội lớn đó), “lộ mỗi” (một cách thức làm sai hoặc kém cỏi). “Cá Thiêng quay mặt khóc”, “phao ngô chết nổi” nghĩa là cơ hội lớn chưa đến bởi cách “câu” sai. Không năm bắt được cơ hội lớn, cơ hội đổi đời là do con người khờ khạo, non nớt, kém cỏi, chưa đủ sức, chưa thể cạnh tranh được với đời. Ở đây, mở rộng trường liên tưởng, có thể nghĩ tới vận mệnh của một con người, vận mệnh một tập thể, cộng đồng…..
2. Phân tích tác dụng của yêu tổ tượng trưng trong việc thể hiện nội dung chủ đề, cảm hứng chủ đạo của bài thơ:
– Nội dung cảm hứng của bài thơ liên quan đến sự lao động bền bỉ, không than thở của những người phụ nữ trên xứ sở chúng ta từ đời này qua đời khác. Cách gọi “những người đàn bà” (bên cạnh “người đàn ông”) nhằm nhấn mạnh đặc trưng giới tính. Những người này mang những đặc trưng tính cách đàn bà muôn đời: đa cam, đa mang, giàu sức chịu đựng, đức hy sinh, vì gánh nặng gia đình trên vai, họ càng trở nên kiên cường, mạnh mẽ. Ý nghĩa trân trọng, ngợi ca đi cùng nội dung cảm hứng thấu hiểu, xót xa:
– Những yếu tố tượng trưng trong bài thơ đều hướng đến một triết lý nhân sinh: Có những nỗi đau thầm lặng đăng sau bề ngoài khô kệch, căn cỗi. Con người càng vất vả, cô đơn càng khát khao được sống, được đổi đời. Càng hiểu ra, càng thêm biết ơn những người mẹ đã tảo tần gánh vác và hy sinh. Khi nhận ra sự thật và chân giá trị, sự cơ cực khiến ta sẽ buồn đau, nhưng cũng khiến ta thêm mạnh mẽ, có động lực, khát vọng vươn lên đổi đời, hạnh phúc….
Kết bài
Khẳng định lại vấn đề nghị luận: Sức sáng tạo, khả năng liên tưởng, tưởng tượng, kết nối sâu xa, lí trí sắc sảo, cảm xúc mạnh mẽ của tác giả đã kiến tạo những hình ảnh thơ tượng trung. Yếu tố tượng trưng trong bài thơ đã thể hiện nỗi đau xót, niềm biết ơn và sức vươn dậy kiên cường trong cảm xúc thơ của tác giả Nguyễn Quang Thiều.