Phân tích vẻ đẹp bài thơ Sân ga chiều em đi của nhà thơ Xuân Quỳnh

Tìm hiểu tác giả Xuân Quỳnh và bài thơ Sân ga chiều em đi

Tác giả Xuân Quỳnh

– Xuân Quỳnh (1942 – 1988), tên đầy đủ là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, là một nữ nhà thơ người Việt Nam, được biết đến với tài năng vượt trội trong nghệ thuật viết thơ. Cô đã để lại dấu ấn sâu sắc trong văn học Việt Nam thông qua những tác phẩm nổi tiếng như “Thuyền và biển,” “Sóng,” “Thơ tình cuối mùa thu,” và “Tiếng gà trưa,” mang trong mình tình cảm sâu lắng và tầm nhìn triết học đầy sáng tạo.

– Sự nghiệp của Xuân Quỳnh khởi đầu từ tháng 2 năm 1955, khi cô được tuyển vào Đoàn Văn công nhân dân Trung ương và nhận được đào tạo để trở thành một diễn viên múa xuất sắc.

– Từ năm 1962 đến 1964, Xuân Quỳnh tham gia khóa học bồi dưỡng những người viết văn trẻ do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Sau khi hoàn thành khóa học này, cô đã làm việc tại các tờ báo uy tín như “Văn nghệ” và “Phụ nữ Việt Nam.” Xuân Quỳnh chính thức trở thành hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 1967, và sau đó, cô được bầu là ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam vào khoá III.

– Năm 1973, Xuân Quỳnh kết hôn với nhà viết kịch và nhà thơ nổi tiếng Lưu Quang Vũ.

– Từ năm 1978 đến khi cô ra đi vào năm 1988, Xuân Quỳnh đã đảm nhận vai trò quan trọng là biên tập viên tại Nhà xuất bản Tác phẩm mới, nơi cô góp phần quan trọng trong việc xuất bản và phổ biến các tác phẩm văn học đáng chú ý.

– Xuân Quỳnh đã ra đi vào ngày 29 tháng 8 năm 1988 trong một vụ tai nạn giao thông đáng tiếc tại cầu Phú Lương, thị xã Hải Dương (nay là thành phố Hải Dương), tỉnh Hải Dương. Cô cùng với chồng Lưu Quang Vũ và con trai Lưu Quỳnh Thơ, mới 13 tuổi, để lại một hố thẹn sâu đậm trong nền văn học Việt Nam, và tình yêu của người hâm mộ dành cho tài năng và tâm hồn của cô vẫn còn đọng mãi.

Bài thơ Sân ga chiều em đi

Bài đọc

Sân ga chiều em đi
Mênh mang màu nắng nhạt
Bụi bay đầy ba lô
Bụi cay xè con mắt

Sân ga chiều em đi
Gạch dưới chân im lặng
Bóng anh in thành tàu
Tóc anh xoà ngang trán

Sân ga chiều em đi
Bàn tay da diết nắm
Vừa thoáng tiếng còi tàu
Lòng đã Nam đã Bắc

Anh thương nơi em qua
Những phố phường nhộn nhịp
Bỡ ngỡ trong ánh đèn
Còn lạ người lạ tiếng

Anh thương nơi em qua
Những sương chiều mưa tối
Dặm đường xa nắng dãi
Chuyến phà con nước dâng

Em xao xuyến trong lòng
Nhớ về nơi ta ở
Mùa thu vàng đường phố
Lá bay đầy lối qua

Ngọn đèn và trang thơ
Tiếng thở đều con nhỏ
Màu hoa trên cửa sổ
Quán nước chè mùa đông

Con tàu và dòng sông
Ra đi rồi trở lại
Hà Nội ơi Hà Nội
Sân ga chiều em đi

Nội dung: “Sân ga chiều em đi” là vài thơ nói về một cuộc chia tay giữa người ra đi và người ở lại tại sân ga.

Dàn ý Phân tích vẻ đẹp bài thơ Sân ga chiều em đi của nhà thơ Xuân Quỳnh

Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận

Thân bài: Phân tích nội dung của bài thơ:

– Bài thơ ghi lại cảm xúc của nhân vật trữ tình trong một buổi chiều chia tay ở sân ga.

+ Không gian: sân ga thoáng đãng, nhiều bụi bặm, cảnh vật cũng như hiểu được tâm trạng của con người.

+ Thời gian: buổi chiều

+ Tình cảm, tâm trạng của người đi, kẻ ở:

Tình cảm, cảm xúc người ra đi (em): Bịn rịn, lưu luyến, nhớ mong, lo lắng… Qua đó thể hiện sự yêu thương dịu dàng , trìu mến, trách nhiệm của em đối với anh
Tình cảm cảm xúc của người đưa tiễn (anh): Lo lắng, yêu thương, bịn rịn, bồi hồi. Qua đo thể hiện sự yêu thương của anh dành cho em

Như vậy: Bài thơ “Sân ga chiều em đi”, đã vẽ lên bối cảnh của cuộc chia tay trên sân ga và cũng như khắc họa được tâm trạng của cả người ra đi lẫn người ở lại. Đo là cảm xúc bồi hồi, luyến lưu, tạo nên một bầu không khí ngập tràn nỗi nhớ, dù buồn nhưng vẫn ấm áp nghĩa tình. Qua bài thơ, giúp người đọc trân trọng khoảnh khắc hạnh phúc, sự yêu thương trong cuộc đời

*Nghệ thuật

– Thể thơ: 5 chữ

– Cấu tứ: Từ cuộc chia tay tại sân ga của người đi và kẻ ở với những âu lo, yêu thương bịn rịn, nhà thơ đã tạo nên bài thơ nhẹ nhàng sâu lắng.

– Hình ảnh: Hình ảnh mang nghĩa, mang tâm trạng như: gạch dưới chân im lặng, bàn tay nắm bàn tay, sân ga…

– Ngôn ngữ thơ: Giản dị, ngọt ngào, chân thành thể hiện cảm xúc tự nhiên, nồng nàn của con người trong cuộc chia tay.

Phân tích vẻ đẹp bài thơ Sân ga chiều em đi của nhà thơ Xuân Quỳnh

Người ta thường nói:”Không có gì phức tạp và khó hiểu hơn nội tâm của con người.”. Quả thực là như vậy, mỗi người tồn tại đều mang trong mình một màu sắc riêng lẻ, chính vì vậy cảm xúc của mỗi cá thể cũng sẽ có phần khác biệt. Tuy rằng đa dạng về sắc thái cảm xúc nhưng văn học nghệ thuật lại tìm thấy cái đẹp ở nó – những yếu tố thẩm mỹ của văn học luôn gắn chặt với bản chất bên trong của sự vật. Đã có rất nhiều thi sĩ sử dụng cảm xúc vui tươi, hay buồn bã làm chất liệu cho bài thơ của mình. Đặc biệt hơn, cảm xúc bồi hồi, bịn rịn, luyến lưu cũng luôn là nền cảm xúc chủ đạo cho những dòng thơ trữ tình, lãng mạn. Khi nhắc tới chất liệu cảm xúc ấy ta không thể nào không nghĩ ngay đến nhà thơ Xuân Quỳnh – “Nữ hoàng của thi ca tình yêu”, cùng với bài thơ “Sân ga chiều em đi” đã thể hiện rất chi tiết thông qua bối cảnh chia tay tại sân ga vàng nắng:

“Sân ga chiều em đi
Mênh mang màu nắng nhạt
Bụi bay đầy ba lô
Bụi cay xè con mắt.

Sân ga chiều em đi
Gạch dưới chân im lặng
Bóng anh in thành tàu
Tóc anh xòa ngang trán.

Sân ga chiều em đi
Bàn tay da diết nắm
Vừa thoáng tiếng còi tàu
Lòng đã Nam đã Bắc.

Anh thương nơi em qua
Những phố phường nhộn nhịp
Bỡ ngỡ trong ánh đèn
Còn lạ người lạ tiếng.

Anh thương nơi em qua
Những sương chiều mưa tới
Dặm đường xa nắng dãi
Chuyến phà con nước dâng.

Em xao xuyến trong lòng
Nhớ về nơi ta ở
Mùa thu vàng đường phố
Lá bay đầy lối qua.

Ngọn đèn và trang thơ
Tiếng thở đều con nhỏ
Màu hoa trên cửa sổ
Quán nước chè mùa đông.

Con tàu và dòng sông
Ra đi rồi trở lại
Hà Nội ơi Hà Nội
Sân ga chiều em đi.”

Bài thơ “Sân ga chiều em đi” được Xuân Quỳnh viết vào năm 1976, với hoàn cảnh sáng tác khá đặc biệt. Nhan đề bài thơ “Sân ga chiều em đi” một phần nào đã nói lên được bối cảnh của bài thơ: một cuộc chia tay giữa người ra đi và người ở lại tại sân ga. Mặc dù chủ đề tiễn biệt tại sân ga được rất nhiều nhà thơ sử dụng. Song, thơ Xuân Quỳnh lại mang một màu sắc rất khác. Có lẽ bởi vì bà đã dồn hết cảm xúc thật của mình vào hồn thơ, do tính chất của công việc nên Xuân Quỳnh rất thường xuyên đi xa nhà. Vì vậy, “Sân ga chiều em đi” là một bài thơ tả thực về chuyến đi của nhà thơ.
Mở đầu bài thơ, tác giả đã vẽ ra bối cảnh chia ly cùng với cảm xúc bồi hồi và gam màu dịu dàng:

“Sân ga chiều em đi
Mênh mang màu nắng nhạt
Bụi bay đầy ba lô
Bụi cay xè con mắt.”

Buổi chia ly hiện ra với khung cảnh sân ga đầy bụi bặm, chưa phát triển hiện đại, bao phủ lấy nó là những tia nắng nhạt. Bối cảnh thoáng đãng, dịu dàng cùng nắng và gió là vậy, nhưng vẫn không sao làm dịu đi cái cảm xúc vấn vương trong lòng người ra đi và người ở lại. Ngược lại, nắng nhẹ là tâm trạng trở nên mênh mang hơn, khiến người ta muốn đắm chìm trong cảm xúc của chính mình. Bên cạnh đó, điệp từ “bụi” ở hai câu thơ cuối như gợi ra trước mắt sẽ là một chặng đường rất gian nan, vất vả. Chiếc “Ba lô” là hành trang để tác giả lên đường làm công việc, thoắt ẩn sau hình ảnh ấy ta có thể thấy điểm tương đồng như bóng dáng của một người chiến sĩ lên đường ra trận vậy.

Phân tích vẻ đẹp bài thơ Sân ga chiều em đi của nhà thơ Xuân Quỳnh

Không gian thoáng đãng ấy dường như hiểu được nỗi buồn của cuộc chia ly nên cũng trở nên im lặng lạ thường, khiến cho cảm xúc luyến lưu được đẩy lên cao hơn:

“Sân ga chiều em đi
Gạch dưới chân im lặng
Bóng anh in thành tàu
Tóc anh xòa ngang trán.”

Ở khổ thơ thứ hai, hình ảnh người đưa tiễn đã được lộ ra, đó chính là “anh”. Chân dung ấy hiện ra với cách miêu tả rất lãng mạn của nhà thơ “Tóc anh xòa ngang trán”. Anh là người tiễn đưa, anh biết hôm nay em sẽ đi xa nên mang trong lòng trào dâng nỗi niềm lo lắng, đến nỗi “Gạch dưới chân im lặng”. Không gian phần nào cô đọng lại, tĩnh lặng hơn như một lời tiễn biệt dành cho em. Anh biết hôm nay em đi, không gian cũng vì vậy thấu hiểu được nỗi lòng và hòa quyện vào cảm xúc của anh. Để rồi “Bóng anh in thành tàu”, một chi tiết được khắc họa lãng mạn khiến cho người đọc cũng phải ấm lòng. “Bóng anh in thành tàu”, dù anh sẽ không cùng em đi đến chặng đường phía trước, anh không thể cùng em gặp gỡ chân trời mới nhưng anh vẫn sẽ luôn dõi theo bước chân em, hình ảnh ấy như muốn nói lên nhân vật anh sẽ ở nhà trong coi việc, để ủng hộ em đến với công việc của mình. Ôi! Thật ngưỡng mộ biết bao tình yêu ấy. Khổ thơ như một lời động viên của người ở lại, bên cạnh đó cũng mang lại cho người ra đi sự yên tâm không kém.
Chuyện gì đến cũng sẽ đến, tiếng còi tàu đã vang lên như hồi chuông báo hiệu cho cuộc chia ly bắt đầu:

“Sân ga chiều em đi
Bàn tay da diết nắm
Vừa thoáng tiếng còi tàu
Lòng đã Nam đã Bắc.”

Có phải chăng một khi bạn đã luyến tiếc điều gì, thì bao nhiêu thời gian để nói lời tạm biệt cũng sẽ không đủ? Đúng là vậy, khoảng thời gian để ôm nhau lần cuối, để nắm bàn tay sao mà trôi nhanh quá. Mới thoáng đưa em đến sân ga, vậy mà bây giờ còi tàu đã kêu lên như thầm nói đã đến lúc từ biệt. Nếu khổ trước không gian im lặng hòa lòng mình với nỗi bồi hồi, luyến lưu thì khổ ba đây, tiếng còi tàu ấy như đẩy nỗi nhớ da diết ấy đến vượt bậc. Mọi thứ xung quanh dường như mờ đi, để nỗi nhớ trở nên rõ rệt hơn, mãnh liệt hơn. Dù em chưa lên tàu nhưng nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ gia đình đã dấy lên từng hồi sóng trong lòng tác giả. Phải chăng cái nỗi nhớ ấy nhiều đến nỗi khiến người ra đi lẫn người ở lại nghẹn cả lời, chỉ còn cách nắm lấy bàn tay nhau cũng đã đủ truyền tải tình yêu thương sâu đậm “Bàn tay da diết nắm”. Chi tiết cuối khổ thơ “Lòng đã Nam đã Bắc” khắc họa rõ nét sự chia xa, đồng thời bộc lộ cảm xúc vấn vương mạnh mẽ ở cả người ra đi và người ở lại.
Trong bài “Những bóng người trên sân ga” nhà thơ Nguyễn Bính đã viết:

“Có lần tôi thấy một người yêu
Tiễn một người yêu một buổi chiều
Ở một ga nào xa vắng lắm
Họ cầm tay họ bóng xiêu xiêu.”

Và:

“Có lần tôi thấy vợ chồng ai
Thèn thẹn chia tay bóng chạy dài
Chị mở khăn giầu anh thắt lại:
“Mình về nuôi lấy mẹ, mình ơi!”

Nếu Xuân Quỳnh đặt cảm xúc của bản thân mình vào chính hồn thơ của bài thơ, thì Nguyễn Bính như là một người đứng ở phía ngoài câu chuyện để cảm nhận cuộc chia ly này. Đối với ông, sân ga là nơi bắt đầu của những cuộc chia ly, là nơi hội tụ những cảm xúc buồn, luyến lưu khó tả. Như vậy, những nỗi nhớ nhung mà Xuân Quỳnh đã khắc họa lên thật sự rất chân thật, là cảm xúc mà ai trong chúng ta vẫn luôn thấu hiểu và cảm thông.
Hai khổ thơ tiếp theo đây, Xuân Quỳnh đã ngừng miêu tả bối cảnh cũng như cảm xúc lúc chia ly. Tác giả chủ yếu đánh mạnh nói về tâm trạng của nhân vật “anh” – người chồng ở lại:

“Anh thương nơi em qua
Những phố phường nhộn nhịp
Bỡ ngỡ trong ánh đèn
Còn lạ người lạ tiếng.

Anh thương nơi em qua
Những sương chiều mưa tối
Dặm đường xa nắng dãi
Chuyến phà con nước dâng.”

Người thi sĩ dường như hiểu thấu được tâm trạng của chồng mình, đó là tâm trạng lo lắng, thấu hiểu cho phận con gái chân yếu tay mềm phải đi xa nơi đất khách quê người, hết mình cho công việc, cho Tổ quốc. Nhưng với “Những sương chiều mưa tối”, “Dặm đường xa nắng dãi”, lỡ em mệt, em bệnh rồi kiệt sức thì sao? Và chưa hết, với “Những phố phường nhộn nhịp”, để rồi “Bỡ ngỡ trong ánh đèn”, ai sẽ chăm sóc cho em đây? Liệu em có thể tự mình lo liệu hết mọi việc không? Anh ở nhà cũng sốt ruột lắm chứ! Thông qua sự quan tâm của người chồng, ta có thể cảm nhận được thơ tình của Xuân Quỳnh luôn làm trái tim người đọc trở nên xao xuyến bởi nét ấm áp và lãng mạn quá đỗi ngọt ngào.

Và rồi khổ cuối cùng của bài thơ, nhà thơ tập trung dành hết tâm tư của mình – tâm tư của người ra đi khi đã ngồi yên trên đoàn tàu lăn bánh:

“Con tàu và dòng sông
Ra đi rồi trở lại
Hà Nội ơi Hà Nội
Sân ga chiều em đi.”

Nếu tâm trạng của người ở lại là lo lắng cho người đi xa, thì người đi xa lại có cảm xúc vượt hơn thế nữa. Trong lòng họ vừa hòa trộn cảm giác nhớ nhung, cảm giác bâng khuâng khi rời xa tổ ấm, và hơn hết là cảm giác hồi hộp không biết có những gì đang chờ đợi mình nơi vùng đất xa xôi kia. Dù nhà thơ tự an ủi với bản thân rằng:”Con tàu và dòng sông”, “ra đi rồi trở lại”, chuyến tàu đưa ta đi rồi cũng sẽ đưa ta quay về nơi bắt đầu hành trình. Thế mà nỗi nhớ ấy vẫn dấy lên đau đáu, để rồi nhà thơ thốt lên:”Hà Nội ơi Hà Nội”. Câu thơ ấy mang đậm chất biểu cảm trong tâm trạng của Xuân Quỳnh, thể hiện rất rõ nét tình yêu thương bà dành cho quê nhà. Phải nói rằng câu thơ “Sân ga chiều em đi” được lặp lại tận bốn lần trong bài thơ. Vì sao lại như vậy? Ý của Xuân Quỳnh ở đây muốn nhấn mạnh cái cảm giác bâng khuâng khi phải xa nhà, đồng thời xen lẫn vào đấy là sự háo hức, hồi hộp của bà vì sắp đến một chốn mới lạ. Bài thơ mở đầu bằng “Sân ga chiều em đi” và chốt hạ bằng “Sân ga chiều em đi” như tạo ra một cấu trúc mở, đóng rất hài hòa, tinh tế của mạch thơ.

Thông qua bài thơ “Sân ga chiều em đi”, ta có thể cảm nhận rõ nét bối cảnh của cuộc chia tay trên sân ga và cũng như thấu hiểu được tâm trạng của cả người ra đi lẫn người ở lại. Không xa lạ mấy với chúng ta, đó là cảm xúc bồi hồi, luyến lưu, tạo nên một bầu không khí ngập tràn nỗi nhớ, dù buồn bã nhưng vẫn ấm áp nghĩa tình. “Sân ga chiều em đi”, đúng như nhan đề của nó, nhà thơ ra đi vào một biểu chiều nắng nhẹ, nếu ta ngẫm sâu hơn, buổi chiều là thời khắc của bữa cơm sum họp gia đình. Ấy vậy mà bà đã phải đi xa, xa rời tổ ấm vì một lí tưởng cao đẹp hơn – đó là vì Tổ quốc, vì công việc. Ngoài ra, bài thơ tạo cho người đọc một niềm tin vững chắc hơn về sự hạnh phúc. Bởi vì chính tác giả muốn gửi gắm, chia sẻ câu chuyện của mình, đó là dù bà đi xa tại nơi sân ga bình yên, nhưng ở đó vẫn là mái nhà ấm áp chời đợi bà về sum vầy.

Tóm lại, bài thơ như một lời ca ngợi về tình yêu, song song với nó đồng thời Xuân Quỳnh cũng muốn nhắc nhở về nghĩa vụ của công dân đối với đất nước. Quả thật, bà là Nữ hoàng của dòng thơ tình. Ngôn từ, hình ảnh Xuân Quỳnh sử dụng trong bài thơ vừa không chỉ rất tinh tế mà còn vô cùng lãng mạn, khiến trái tim của các bạn đọc trở nên xao xuyến. Dường như, ai dù chưa biết yêu nhưng một khi đã đọc phải thơ Xuân Quỳnh chắc hẳn sẽ muốn thử cảm giác yêu ngay! Thơ Xuân Quỳnh, cụ thể qua bài “Sân ga chiều em đi” vừa mang chất hiện thực, chất lãng mạn, khiến người đọc cảm thấy rất gần gũi với hồn thơ của bà.