Đoạn trích Kim Trọng trở lại vườn Thúy miêu tả khung cảnh thiên nhiên và tâm trạng của chàng Kim khi quay lại vườn đã hoang tàn không một bóng người. Dưới đây là bài Phân tích vẻ đẹp (nội dung và nghệ thuật) của đoạn thơ Kim Trọng trở lại vườn Thúy để hiểu được tâm trạng của con người.
Đề bài: Phân tích vẻ đẹp của đoạn thơ Kim Trọng trở lại vườn Thúy
Từ ngày muôn dặm phù tang
Nửa năm ở đất Liêu Dương lại nhà
Vội sang vườn Thúy dò la
Nhìn xem phong cảnh nay đà khác xưa
Đầy vườn cỏ mọc, lau thưa
Song trăng quạnh quẽ, vách mưa rã rời
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông
Xập xè én liệng lầu không
Cỏ lan mặt đất, rêu phong dấu giày
Cuối tường gai góc mọc đầy
Đi về, này những lối này năm xưa
Chung quanh lặng ngắt như tờ
Nỗi niềm tâm sự bây giờ hỏi ai?
Dàn ý Phân tích vẻ đẹp của đoạn thơ Kim Trọng trở lại vườn Thúy
Mở bài
– Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Du, tác phẩm Truyện Kiều, vị trí của đoạn trích (tâm trạng của chàng Kim khi trở lại vườn Thuý, thấy cảnh cũ hoang tàn, người xưa vắng bóng).
– Nêu vấn đề cần nghị luận: Phân tích vẻ đẹp (gồm nội dung và nghệ thuật) của đoạn thơ: “Từ ngày muôn dặm phù tang .. Nỗi niềm tâm sự bây giờ hỏi ai?
Thân bài
– Phân tích nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ theo một trình tự phù hợp:
+ Hai câu đầu: Là lời dẫn dắt đi vào câu chuyện, tâm trạng mong ngóng khi mới bước chân vào vườn Thúy – nơi mà Kim Kiều đã từng ước hẹn, trao hi vọng về một tương lai hạnh phúc của 2 người.
+ Khung cảnh vườn Thúy nay đã hoang tàn, lạnh lẽo, chỉ còn mình chàng Kim. Chú ý các chi tiết miêu tả bức tranh thiên nhiên, phép đối, liệt kê trong các câu thơ Nhìn xem phong cảnh nay đà khác xưa. Đầy vườn cỏ mọc, lau thưa,/ Song trăng quanh quẽ, vách mưa rã rời…; Sập sè én liệng lầu không/ Cỏ lau mặt đất rêu phong dấu giày./ Cuối tường gai góc mọc đầy.
+ Kim Trọng buồn đau, tiếc nuối, xót xa, hoài niệm về quá khứ hạnh phúc của 2 người. Bút pháp tả cạnh ngụ tình được Nguyễn Du vận dụng miêu tả thật rõ nét tâm trạng của Kim Trọng. Ví dụ: hình ảnh “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”, những hoài niệm quá khứ (rêu phong dấu giày, Đi về này những lối này năm xưa!), câu hỏi tu từ (Nỗi niềm tâm sự bây giờ hỏi ai?),…
– Khái quát chủ đề và đặc sắc nghệ thuật của đoạn trích:
+ Nội dung: Khắc hoạ bức tranh tâm cảnh của Kim Trọng khi trở lại vườn Thuý, tác giả đã bộc lộ sự xót xa, thương cảm, cất tiếng khóc cho mối tình trong sáng, đẹp đẽ của Kim Trọng và Thuý Kiều bởi những oan trái, bất công giáng xuống, khiến con người phải chịu cảnh chia li, tang thương dâu bể.
+ Nghệ thuật: Đoạn trích là một trong những mẫu mực của nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, sử dụng thành công các phép đối, điển cổ, ngôn ngữ kết hợp giữa lời của người kể chuyện ở ngôi thứ ba và điểm nhìn nương vào bên trong nhân vật Kim Trọng để thể hiện sâu sắc đời sống nội tâm nhân vật.
Kết bài
Cảm nhận, đánh giá về nội dung, nghệ thuật của đoạn trích và giá trị nhân văn mà tác giả muốn gửi gắm.
Phân tích vẻ đẹp của đoạn thơ Kim Trọng trở lại vườn Thúy
Truyện Kiều là một tác phẩm văn học kiệt tác của nền văn học trung đại nói riêng, của nền văn học Việt Nam nói chung, truyện Kiều xoay quanh cuộc đời và số phận của người con gái tài sắc nhưng bất hạnh Thúy Kiều, đọc truyện ta không khỏi xót xa trước số phận đẩy đưa, thăng trầm biến cố của nàng Kiều, Nguyễn Du đã có những đoạn thơ miêu tả rất hay về tâm trạng của Thúy Kiều trước những biến cố ấy, tâm trạng ấy thực đến mức khiến những người độc giả cũng xúc động, nghẹn ngào. Nhưng không chỉ ở nhân vật trung tâm là nàng Kiều, mà ngay cả những nhân vật khác của Truyện Kiều, nhà thơ Nguyễn Du cũng đặc tả được tâm trạng điển hình dù chỉ qua những đoạn thơ ngắn ngủi, thoáng qua. Và một trong số những nhân vật được diễn tả thành công về tâm trạng đó chính là Kim Trọng, thể hiện rõ nhất qua trích đoạn “Kim Trọng trở lại vườn thúy”.
Đoạn trích “Kim Trọng trở lại vườn thúy” là một trích đoạn của Truyện Kiều, viết về nhân vật Kim Trọng sau khi về quê chịu tang chú, làm tròn bổn phận của một người con, làm tròn chữ “hiếu” thì đã quay lại vườn thúy, nơi hẹn thề, đính ước của chàng với Thúy Kiều trong đêm trăng hôm nào. Nhưng con người của chàng vẫn vậy, tình cảm nồng cháy của chàng dành cho Thúy Kiều vẫn vẹn nguyên nhưng cảnh vật nay đã khác xưa. Thời gian nửa năm Kim Trọng rời đi tuy không dài nhưng đủ để làm đổi thay mọi vật.
“Từ ngày muôn dặm phù tang
Nửa năm ở đất Liêu Dương lại nhà
Vội sang vườn thúy dò la
Nhìn xem phong cảnh, nay đà khác xưa”
Kim Trọng và Thúy Kiều gặp nhau trong ngày hội mùa xuân, trong khung cảnh tươi đẹp của tiết thanh minh, đôi trai tài gái sắc này không chỉ có duyên hội ngộ mà còn bén duyên, nảy tình với nhau. Giữa hai người đã nảy nở một tình yêu đẹp đẽ, nồng nhiệt mà không kém phần đắm say. Và cũng vì tình yêu ấy mà nàng Kiều đã đi ngược lại với mọi nề lối phong kiến, thân con gái “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”, vượt qua bao chướng ngại để đến gặp Kim Trọng, ở đây thì hai người không chỉ trò chuyện, tâm tình mà còn diễn ra buổi đính ước đầy thiêng liêng. Nơi vườn thúy, dưới ánh trăng sáng rọi, hai người đã làm lễ thề nguyền, đính ước, đó là lời thề nguyền hướng về hạnh phúc, thắt chặt tình cảm của lứa đôi.
Khi tình yêu đang vào giai đoạn “chín”, tươi đẹp nhất thì cũng là lúc mà Kim Trọng nghe tin dữ từ quê, chú của chàng mất, và theo đạo của người con thì Kim Trọng phải về quê chịu tang chú, cuộc chia li này cả Thúy Kiều và Kim Trọng đều không thể lường trước được là lần gặp mặt cuối cùng, bởi sau đó những biến cố xảy đến, hai người bị chia li, dù tha thiết muốn nhưng cũng không thể trùng phùng. Và sau những ngày chịu tang chú “Từ ngày muôn dặm phù tang” đến ngày quay trở lại chốn xưa cũng thấm thoắt nửa năm “Nửa năm ở đất Liêu Dương”, trong khoảng thời gian ấy Kim Trọng chưa một phút giây nào thôi nhớ nhung nàng Kiều, vì vậy mà ngay khi mãn hạn tang chú thì Kim Trọng đã ngay lập tức trở về, quay lại vườn thúy. Nhưng khoảng thời gian ấy đã vô tình đổi thay mọi thứ “Nhìn xem phong cảnh nay đà khác xưa”.
“Đầy vườn cỏ mọc lau thưa
Song trăng quạnh quẽ, vách mưa rã rời
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”.
Khung cảnh đổi khác nơi vườn thúy làm Kim Trọng không khỏi ngỡ ngàng, khung cảnh thi vị, lãng mạn của đêm thề nguyền đâu còn, khung cảnh trước mắt chỉ còn là một sự hoang tàn, trống vắng đến đau lòng. “Đầy vườn cỏ mọc lau thưa”, thời gian trôi qua, vườn thúy dường như thiếu vắng đi bóng dáng của con người mà hoang tàn, đổ phế, vì không có người qua kẻ lại, cũng không có người cắt tỉa, trông nom nên vườn thúy mọc đầy cỏ lau. Khung cảnh mất đi cảnh sắc vốn có, ánh trăng năm nào chứng kiến cảnh thề nguyền đầy cảm động cũng đổi khác, không còn là những tia sáng rực rỡ, làm cho người ta ấm lòng, hạnh phúc nữa mà trở nên quạnh quẽ, vô tình “Song trăng quạnh quẽ”.
Vầng trăng là chứng nhân cho tình yêu của Kim Trọng và Thúy Kiều thì nay cũng hoang tàn, quạnh quẽ làm cho lòng người hoang mang, cùng với đó là những dự cảm chẳng lành về tình duyên đôi lứa. Không chỉ có sự điêu tàn của cảnh vật, sự tịch mịch, quạnh quẽ của vầng trăng mà không gian của vườn thúy còn trở lên u ám hơn bởi những cơn mưa “vách mưa rã rời”, đây có thể là cảnh thực mà Kim Trọng đã chứng kiến, nhưng đây cũng có thể là những giọt mưa trong lòng, biểu trưng cho sự mất mát, đau khổ không tên của chàng. Nếu hiểu theo nghĩa thứ nhất, ta có thể thấy sự xót thương, đồng cảm của thiên nhiên, đất trời với mối tình đẹp nhưng bị cắt chia của Kim Trọng và Thúy Kiều.
Còn nếu hiểu theo nghĩa thứ hai ta lại thấy xót xa trước tấm lòng thủy chung của chàng Kim, vì tình yêu với Thúy Kiều chưa bao giờ thôi khắc khoải trong trái tim chàng Kim, thậm chí ngày càng lớn lên thì hiện thực phũ phàng trước mắt khiến Kim Trọng ngỡ ngàng trong đau khổ vì chốn xưa vẫn còn nhưng người thương bây giờ ở nơi nao? “Trước sau nào thấy bóng người”, sự trở về lần này Kim Trọng không chỉ mang theo những nhớ thương, tình yêu say đắm với nàng Kiều mà còn ấp ủ những dự định tốt đẹp, viễn cảnh hạnh phúc trong tương lai, nhưng chợt thấy hoang mang, bất an khi không thấy bóng dáng người thương. Cùng với đó là sự hoài niệm về kí ức tươi đẹp của lứa đôi “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”.
Và với bút pháp tả cảnh ngụ tình thì bức tranh tâm trạng của nhân vật Kim Trọng được đặt khong khung cảnh trầm buồn của thiên nhiên, của đất trời, những cánh én chao liệng, bay trong không gian không còn gợi ra cảm xúc bồi hồi, vui sướng như như khi xưa nữa “Xập xòe én liệng giường không”, bởi bây giờ tâm trạng của con người đã khác xưa, u uất bởi mối tình chia li, sầu muộn, vì vậy sự xuất hiện của cánh én trong câu thơ này chỉ gợi ra cái trống trải, muộn phiền. “Cỏ lan mặt đất rêu phong dấu giày”, khung cảnh bị những cành cỏ lau làm cho hoang tàn, mặt đất bám màu rêu phong còn lòng người thì bị thực tại làm cho đau đớn khôn nguôi, ở đây cảnh vật và lòng người có sự đồng điệu, làm nổi bật lẫn nhau.
“Chung quanh lặng ngắt như tờ
Nỗi niềm tâm sự bây giờ hỏi ai?”
Khung cảnh hoang tàn, sự thiếu vắng của bóng dáng người thương càng làm cho cảnh vật vốn đượm buồn lại càng trở nên tịch mịch đến đáng sợ, vì mọi thứ xung quanh lặng ngắt, không một tiếng động, không một dấu hiệu của sự hân hoan, mừng vui như những gì chàng Kim nghĩ “Chung quanh lặng ngắt như tờ”, sự im lặng này thật đáng sợ, bởi nó làm tăng sự bất an, đau khổ trong trái tim của chàng trai si tình. Ôm ấp bao nhiêu nỗi niềm, tình cảm muốn nói với nàng Kiều, nhưng vào giây phút này, chàng Kim chỉ có thể tự giữ cho mình, thiết tha muốn nhưng đâu có thể tâm sự được cùng ai “Nỗi niềm tâm sự bây giờ hỏi ai?”, vì vậy mà nỗi buồn càng đậm đặc, tâm trạng càng trở nên u uẩn.
Qua đoạn trích “Kim Trọng trở lại vườn thúy” ta thấy được bóng dáng của một con người si tình, cùng tình yêu tha thiết, mãnh liệt của chàng Kim dành cho Thúy Kiều, nhưng đáng thương thay, tình cảm ấy chưa có dịp dãi bày đã bị bỏ ngỏ bởi tình duyên dang dở của hai người, mang theo bao nhiêu hi vọng nhưng thực tại phũ phàng đã làm cho chàng Kim rơi vào bi kịch của sự đau khổ. Tình cảm ấy, cảnh ngộ ấy của chàng Kim thật khiến người đọc cảm thấy xúc động, bồi hồi.