Nhắc đến Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi từng khẳng định: “Đây là nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp, cái thật. Là người sinh ra để tôn thờ Nghệ Thuật với hai chữ viết hoa”. Quả thực là như vậy khi phong cách sáng tác của Nguyễn Tuân luôn đề cao tính nghệ thuật và phẩm chất nghệ sĩ của từng nhân vật trong trang văn của mình, có thể kể đến như truyện ngắn “Chữ người tử tù”. Đây là tác phẩm mang vẻ đẹp nghệ thuật độc đáo của nhà văn khi viết về hai con người với hai số phận khác nhau nhưng lại đồng điệu trong phương diện nghệ thuật.
Truyện ngắn “Chữ người tử tù” được sáng tác trước Cách mạng, lần đầu xuất hiện trên tạp chí Tao Đàn năm 1939. Thiên truyện này ban đầu có tên là “Dòng chữ cuối cùng” về sau đổi thành “Chữ người tử tù” và in trong tập truyện “Vang bóng một thời”. Văn phẩm bày tỏ sự bất đắc chí của Nguyễn Tuân giữa thời buổi Tây Tàu nhố nhăng, bộc bạch nỗi tiếc nuối với những bậc Nho sĩ thuở ấy. Nhân vật chính trong tác phẩm là Huấn Cao, một tử tù bị cho là “ngạo ngược”, đầy nguy hiểm song cực kỳ tài hoa và cuộc gặp gỡ đầy kì lạ của ông với viên quản ngục mến mộ tài năng của mình.
Là nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp, Nguyễn Tuân đã xây dựng một thế giới riêng với những con người riêng. Đó là hình ảnh một kẻ tử tù đang sắp sửa phải lên đoạn đầu đài lại hội tụ trong mình tài năng, khí phách và thiên lương trong sáng – Huấn Cao nổi tiếng với tài năng viết chữ nhanh và đẹp, là con người đang đếm từng ngày chờ cái chết vẫn hiên ngang, không chút run sợ. Điều này thể hiện qua chi tiết ông không thèm đếm xỉa đến viên quản ngục và lính canh, điềm nhiên “rỗ gông” trước cửa đề lao mở rộng cho đến hình tượng tên tử tù sống đường hoàng, đĩnh đạc trong nhà lao tỉnh Sơn, vẫn thản nhiên nhận rượu thịt và sự biệt đãi của viên quản ngục. Ngược lại, sự xuất hiện như tia sáng le lói trên bầu trời nhà lao tỉnh Sơn, viên quản ngục là một người đã quen với cuộc sống đầy rẫy mưu mô, tàn nhẫn và tội ác nhưng lại mang trong mình thú vui tao nhã của người xưa – thú chơi chữ. Đây là nhân vật đặc biệt khiến nhà văn dành những câu từ đẹp đẽ để ca ngợi “mặt nước ao xuân bằng lặng, kín đáo và êm nhẹ”, “là thanh âm trong trẻo chen vào giữa bản đàn mà nhạc luật đều đã hỗn loạn, xô bồ”, “là người có tâm điền tốt”. Viên quản ngục tôn thờ Huấn Cao, tôn trọng tài năng, khí phách và khao khát một ngày kia được sở hữu đôi câu đối do chính tay Huấn Cao viết. Hơn hết, viên quản ngục đã bất chấp mọi luật lệ và dành sự biệt đãi cho Huấn Cao và những đồng chí của ông. Quả thực là con người lương thiện, dũng cảm theo đuổi đam mê chơi chữ – hiện thân của giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hóa dân tộc.
Nguyễn Tuân say mê những tính cách phi thường, những tình cảm mãnh liệt và luôn tạo ra những cuộc gặp gỡ lạ lùng, đặc biệt. Ở “Chữ người tử tù”, nhà văn đã chú tâm đi vào xây dựng cuộc tương ngộ đầy lạ lùng, đặc biệt như thế. Là một kẻ phản nghịch chống lại triều đình, Huấn Cao đang sống những ngày cuối cùng trước khi bị xử chém và ngược lại với ông, viên quản ngục là người chịu trách nhiệm thực thi và giữ gìn luật pháp của triều đình phong kiến. Gặp nhau trong chính nhà ngục nơi Huấn Cao bị giam giữ, cũng là nơi viên quản ngục thực thi trách nhiệm của một bề tôi, kẻ tử tù nổi tiếng là người viết chữ đẹp, người coi tù lại là người đam mê cái đẹp, từ lâu đã mến mộ và khao khát có được chữ của kẻ tử tù để treo trong nhà. Nhưng trong suy nghĩ của kẻ tử tù Huấn Cao chưa bao giờ xuất hiện ý nghĩ mình sẽ cho chữ viên quản ngục và kẻ coi tù cũng chưa từng nghĩ đến cơ hội được diện kiến người nghệ sĩ mà mình ngưỡng mộ, được tận mắt chứng kiến nét chữ viết tặng cho mình. Đó thực sự là cuộc gặp gỡ của những cung bậc cảm xúc, của mối quan hệ vừa đối chọi, vừa hòa hợp: đối chọi trên bình diện xã hội nhưng hòa hợp trên bình diện sáng tạo nghệ thuật.
Cảnh cho chữ trong “Chữ người tử tù” là cảnh cuối cùng của truyện và được xem là cảnh tượng xưa nay chưa từng có. Là nhà văn suốt đời cống hiến cho cái đẹp, Nguyễn Tuân đã dồn hết bút lực để tạo nên tuyệt phẩm này bằng bút pháp đối lập, tương phản của chủ nghĩa lãng mạn. Khung cảnh ấy diễn ra vào đêm cuối cùng trước khi Huấn Cao phải ra pháp trường lĩnh án. Bao trùm lên cả trại giam tỉnh Sơn là cái tối, mùi phân chuột, phân gián len lỏi vào ô cửa nhà tù trong một buồng tối chật hẹp. Ở nơi gian phòng tăm tối giam giữ Huấn Cao có cái u ám của chế độ xã hội lúc bấy giờ, khiến những anh hùng như ông phải đứng lên chống lại triều đình mà ông căm ghét, khinh bỉ. Chỉ đến khi Huấn Cao cất bút, giữa không gian trập trùng bóng tối là một khung cảnh rực sáng đến chói lòa, “không gian tỏa như đám cháy nhà” từ “ánh sáng đỏ rực của bó đuốc tẩm dầu”. Sau khi viết xong bức châm, dường như nguồn sáng ấy vẫn còn giữ nguyên độ nóng khi “lửa đóm cháy rừng rực, lửa rụng xuống nền đất ẩm phòng giam, tàn lửa tắt nghe xèo xèo”. Ánh sáng đã ngự trị suốt cảnh cho chữ và là phông nền chất liệu để hình ảnh con người xuất hiện. Đẩy nhân vật đẹp nhất đời văn của mình vào một tình thế hết sức éo le, song chính vì thế mà nhân cách và tấm lòng con người ngày càng được tỏa sáng dưới ngòi bút tài hoa ấy. Dù xung quanh có tăm tối, mờ mịt thì nét mực đen trên tấm lụa bạch ấy vẫn là “phiến lụa óng”, hiện thân của cái đẹp, trong sáng, trinh bạch qua con mắt của những người yêu nghệ thuật. Trên tấm lụa ấy nổi bật “những nét chữ vuông tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão của một đời con người”. Được đắm mình trong mùi thơm của hồ, chậu mực, hương thơm ấy xua tan đi sự hôi hám vốn có nơi phòng giam người tử tù. Đó cũng chính là biểu tượng của vẻ đẹp, cái tinh khiết tỏa sáng nơi nhơ bẩn, phàm tục.
Từ góc độ của người có niềm say mê cái đẹp, mong muốn vẻ đẹp nghệ thuật phải được ở đúng nơi nó thuộc về, Nguyễn Tuân đã thông qua Huấn Cao để đưa ra lời khuyên đối với viên quản ngục. Khi viết xong nét chữ, Huấn Cao còn ban cho quản ngục những lời di huấn thiêng liêng về đạo lý làm người. Ông khuyên hắn ta “nên thay chốn ở đi, thầy hãy tìm về quê đã rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ”. Điều ấy cho thấy người nghệ sĩ mong mỏi vị ngục quan được sống trong môi trường đúng với tâm thiện lương của mình. Điều này đã khiến “Ngục quan cảm động, vái người tử tù một vái, chắp tay nói một câu mà nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Đó là nước mắt của sự thành tâm, kính phục, như đóa sen thơm giữa bùn lầy nơi con người quản ngục. Cái đẹp đã đưa tâm hồn con người gần nhau hơn, khiến người ta nhận ra đúng nơi mình cần thuộc về, tránh xa khỏi chốn ngục tù cạm bẫy.
Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan cho rằng: “Đọc văn Nguyễn Tuân bao giờ người ta cũng thấy một hứng thú đặc biệt: sự thâm tầm trong ý nghĩ, sự lọc lõi trong quan sát và sự hành văn một cách hoàn toàn Việt Nam”. Cái hứng thú đặc biệt ấy không chỉ toát lên từ tác phẩm mà còn toát lên từ hình thức nghệ thuật độc đáo. Vận dụng bút pháp tương phản để dựng lên sự đối lập giữa ánh sáng và bóng tối, qua đó tô đậm sự thắng thế của cái đẹp trong hoàn cảnh ngục tù tăm tối. Cách sử dụng từ ngữ, tình huống đối lập chính là những yếu tố góp phần hình thành nên sự thành công của tác phẩm. Bên cạnh đó, để tái hiện lại không gian xưa cũ và cổ kính, trang trọng, nhà văn đã sử dụng nhiều từ hán – việt như: vàng son, hoa trân, phiến trát, nhất sinh, tâm điền, trung đường, quyền thế, tung hoành…Dưới ngòi bút tài hoa khi sử dụng ngôn từ giàu sức gợi hình, Nguyễn Tuân đã làm nổi bật lên màu sắc điện ảnh trong cảnh cho chữ. Đồng thời, nghệ thuật ngôn từ đặc sắc đã giúp cho tác giả có thể phác họa một cách sống động nhân vật Huấn Cao – người nghệ sĩ tài hoa về cái đẹp bậc nhất. Từ đó thể hiện thái độ trân trọng, kính cẩn của nhà văn trước nét đẹp truyền thống của dân tộc ta và phẩm chất tốt đẹp của người nghệ sĩ từ bao đời nay.
Nhìn sự vật ở phương diện thẩm mỹ, nhìn con người ở phương diện tài hoa nghệ sĩ, Nguyễn Tuân đã truyền tải những nét tinh túy nhất của nghệ thuật qua truyện ngắn “Chữ người tử tù”. Nhân vật hiện lên trong bối cảnh tầm thường nhưng lại là những con người đam mê cái đẹp và có tâm hồn hướng thiện. Nghệ thuật là cái đẹp, người theo đuổi cái đẹp là người nghệ sĩ chân chính. Nhà văn bằng sự say mê và tâm huyết đã đưa thiên truyện chứa đựng giá trị của một thời vàng son trở thành một trong những tác phẩm có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến các thế hệ sau này.
>>> Tham khảo: Top 15 Cách viết từng đoạn trong bài văn phân tích (hay nhất)