Nhân vật chính Xuân tóc đỏ trong tác phẩm Sổ đỏ của nhà văn hiện thực tài năng Vũ Trọng Phụng đã để lại dấu ấn vô cùng đặc biệt trong lòng người đọc với lời thoại, hành động, thái độ phản ánh mặt tối con người trong xã hội thời bấy giờ.
Dàn bài phân tích Xuân tóc đỏ cứu quốc
Mở bài: Khái lược về tác giả Vũ Trọng Phụng và tác phẩm Xuân Tóc Đỏ cứu quốc
Thân bài:
– Sơ lược về bối cảnh diễn ra tình huống của đoạn trích, tóm tắt ý chính: hoàn cảnh diễn ra trận tennis và khả năng tương kế tựu kế của Xuân đã giúp “cứu nước”
– Sự việc xảy ra trong truyện:
+ Xuân được lựa chọn để tranh tài với quán quân nước Xiêm do quán quân mùa trước đều đang phê pha vì thuốc phiện, khung cảnh thi đấu hỗn hoạn
+ Xuân tóc đỏ dẫn trước 2 ván với tỉ số cách biệt, trận đấu được đẩy lên cao trào với cơn thịnh nộ của vua Xiêm, hoàn cảnh câu chuyện khắ họa rõ nét tình hình căng thẳng của chính trị lúc bấy giờ
+ Quan chức thấy tình hình rối loạn, phải rời khán đài để nhờ ông Văn Minh báo Xuân phải thua trong trận đấu này, tránh cho bách tính bạn núi xương, sông máu => thể hiện sự hèn kém và thiển cận của nhiều quan chức bấy giờ
+ Xuân tóc đỏ để thua trận đấu. Hắn la ó để giả vờ bày tỏ sự tiếc nuối => nhanh chóng trở thành biểu tượng sứ giả của hòa bình
– Cách từ chối danh vọng đối ngược với mong muốn thực sự của hắn khiến tấn bi hài trong xã hội đều được phản ánh thú vị.
– Nhận xét về thực trạng xã hội được tái hiện trong đoạn trích
– Nghệ thuật trào phúng thể hiện trong các câu nói mỉa, trong từng hành động của các nhân vật
– Nhận xét về phong cách hiện thực của Vũ Trọng Phụng
Kết bài: Khẳng định lại giá trị nội dung, nghệ thuật và tài năng của Vũ Trọng Phụng
Phân tích Xuân tóc đỏ cứu quốc – Mẫu 1
Nhắc đến văn học thời kì đầu thế kỉ 20, người ta sẽ nghĩ ngay đến những cây bút trào phúng, tố cáo những mặt trái của xã hội. Nổi bật trong đó là Vũ Trọng Phụng – ông vua phóng sự đất Bắc, tác phẩm của ông đã đóng nhiều công sức trong việc hiện đại hóa văn xuôi quốc ngữ. Tuy thời gian cầm bút rất ngắn, nhưng các tác phẩm của ông đều để lại tiếng vang lớn trong nền văn học Việt Nam, tiêu biểu nhu truyện ngắn Chống nạng lên đường, Giông tố,… Với giọng văn trào phúng, châm biếm xã hội, ông đã lên án, tố cáo những mặt trái của xã hội và những thối nát trong bộ máy chính quyền thời điểm đó. Đoạn trích “Xuân Tóc Đỏ cứu quốc” là một trong số những tác phẩm như thế.
Đầu tiên phải kể đến hoàn cảnh diễn ra câu chuyện. Đoạn trích được mô tả trong một tình huống rất ngặt nghèo: Vua Xiêm đến Bắc Kì! Câu chuyện tưởng chừng như chỉ là ngoại giao bình thường của các quốc gia thì lại trở thành ván cờ chính trị trên sân tennis. Xuân Tóc Đỏ – nhân vật chính trong câu chuyện đăng ký tham gia quần vợt và dùng mọi thủ đoạn để vào chung kết. Trước tình thế “phải thua” để đổi lấy hòa bình cho dân tộc, Xuân Tóc Đỏ đã thua một cách rất vẻ vang, là cơ hội khoác lên mình danh nghĩa “hy sinh vì nghĩa lớn”. Sau sự việc này và qua lời bịp bợm của ông Minh, Xuân Tóc Đỏ đã được mọi người tung hô là anh hùng cứu quốc và nhận nhiều giải thưởng cao quý.
Câu chuyện được mở ra trong bối cảnh vua Xiêm sang nước ta và yêu cầu tổ chức một giải thi đấu tennis. Trong khi còn có những con người chưa đủ ăn đủ mặc, ta lại thấy lấp ló hình dáng của những mặt trái rất “thể thao” của xã hội thời đó: người hâm mộ vì đến chậm không mua được vé tỏ ra phẫn uất và chết rất thể thao, nghĩa là tự tử từ từ bằng giấm thanh, hút vào phổi. Họ dùng cách này để quên đi sự tiếc nuối khi không được vào sân chứng kiến thi đấu. Tác giả đã thể hiện thái độ đầy mỉa mai trước phản ứng thái quá của một bộ phận người hâm mộ.
Trận đấu bắt đầu được đẩy lên tới cao trào khi Xuân Tóc Đỏ chiến thắng quán quân Xiêm với những tỉ số đáng ghi nhận. Nhưng, đúng lúc đó, cơn giận của vua Xiêm cũng bắt đầu. Ngài “lôi trong túi áo ra cái bản đồ Ấn Ðộ Chi Na do chính phủ Xiêm vẽ lại, tức là bản đồ nước Xiêm cũ có bờ cõi ở núi Hoành Sơn. Ngài ngắm nghía cái bản đồ mà không nhìn ra cuộc đấu nữa”. Vậy là cuộc đấu mang tinh thần thể thao đã thành mối đe dọa chính trị không cần che dấu. Vũ Trọng Phụng đã khắc họa tình hình căng thẳng, phức tạp của chính trị thời điểm đó bằng những từ ngữ thể hiện cảm xúc mạnh mẽ.
Đối diện với tình thế có vẻ nguy cấp, vị thượng quan của Chính phủ đã mời riêng Văn Minh ra một góc để “nhờ” Xuân Tóc Đỏ thua. Từ một ván đấu thể thao, từ hành động nhỏ của Vua Xiêm mà quan lớn của một đất nước lại cun cút lo sợ, nhận phần thua về mình. Cuộc đối thoại mang màu sắc bi hài vẽ nên hình ảnh cả một hệ thống vua quan hèn kém, thiển cận lúc bấy giờ.
Sau khi nhận được “mật thư”, Xuân Tóc Đỏ giả vờ la ó để tỏ ra tiếc nuối cái cúp chiến thắng vừa tuột khỏi tầm tay. Sự phản ứng thái quá và có phần giả dối này đã khiến hắn càng được trọng dụng trong mắt các “ông lớn”. Với bài hùng biện đầy ngạo nghễ và những lí do hết sức cao cả, Xuân nhanh chóng trở thành biểu tượng hòa bình và hữu nghị của hai đất nước. Cách xưng hô ta – mi với dân chúng, như một vị quan lại đang diễn thuyết, Xuân đã thành công trong việc đánh tráo khái niệm, dùng những giá trị thiêng liêng để ghép cho hành động của mình.Thật nực cười khi một trận thua tennis lại được gán cho cái danh xưng “cứu nước”, và nghiễm nhiên người thua trong cuộc thi ấy lại được gắn mác như một vị anh hùng dân tộc! Hắn và người nhà của hắn được nhận một loạt bằng khen, huy chương, hậu đãi chỉ vì hắn đã cao thượng mà thua một cách rất anh hùng. Một tấn khôi hài trong xã hội được phản ánh một cách thú vị, vạch trần bản chất xã hội thối nát, phô trương và phông bạt lúc bấy giờ.
Xã hội Việt Nam thời đó được tái hiện trong tình trạng bị điều hướng và dắt mũi bởi những tiêu chuẩn kệch cỡm, lệch lạc. Con người khó phân biệt đúng – sai khi ngày ngày phải tiếp xúc với những thông tin sai lệch hàng ngày, khi những câu chuyện nực cười vẫn hay xảy ra xung quanh họ mà dần dần họ phải coi là chuyện “nó phải thế”. Môi trường ấy đã tạo nên điều kiện thuận lợi cho những kẻ xảo trá và ranh ma như Xuân Tóc Đỏ, Văn Minh, bà Phó Đoan,… lộng hành và làm trò bịp bợm. Những kẻ vô học lại trở thành tiêu chuẩn và hình tượng của xã hội, là biểu tượng của vĩ nhân.
Vũ Trọng Phụng đã thành công trong việc khắc họa sự thật trong xã hội dưới ngòi bút của mình. Ông đã nhìn thẳng vào đời thực, dũng cảm mổ xẻ những hành động và sự việc suy đồi để phơi bày thực trạng của xã hội. Thời điểm này, cuộc đời là một tấn bi kịch mà kẻ đạo diễn chính là đồng tiền quyết định số mệnh, có thể là số mệnh của con người, có thể là số mệnh của một quốc gia. Sự thật cuộc sống được bóc trần một cách nhem nhuốc bằng tông giọng trào phúng, mỉa mai của một nhà văn đại tài.
Trích đoạn “Xuân Tóc Đỏ cứu quốc” là tiếng cười trào phúng với nhiều tình tiết thú vị và châm biếm. Sự hài hước trong đoạn trích được thể hiện từ ngôn ngữ trào phúng, sự việc trào phúng, chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc. Đoạn trích đã cho ta thấy sự phê phán xã hội suy đồi và bộ máy chính quyền thối nát bấy giờ, bịp dân một cách trắng trợn. Số đỏ nói chung và Xuân Tóc Đỏ cứu quốc nói riêng khẳng định tài năng của cây bút Vũ Trọng Phụng đồng thời khéo léo phê phán, bóc trần những mặt xấu xa nhất của xã hội vào những năm 30 của thế kỉ 20.
Phân tích Xuân tóc đỏ cứu quốc – Mẫu 2
Trước những tình thế ngặt nghèo, kết quả của tình huống trong trích đoạn Xuân tóc đỏ cứu quốc có một pha lật ngược đầy bất ngờ. Từ đó, hình ảnh Xuân tóc đỏ với tính cách láu cá, gian xảo ngày càng được khắc họa nổi bật.
Với những mánh khóe, Xuân nhanh chóng tiến sâu vào vòng trong và trở thành đối thủ tranh tài của quán quân quần vợt nước Xiêm. Trận đấu được diễn ra tại Sân quần Rollandes Vareau với khung cảnh hỗn loạn.
Một vài người “phẫn uất và chết một cách rất thể thao” phải dùng thuốc phiện để lãng quên đi sự tiếc nuối khi không thể mua được vé. Tác giả thể hiện thái độ đầy mỉa mai trước phản ứng thái quá của một bộ phận người hâm mộ.
Trận đấu được đẩy lên cao trào với cơn thịnh nộ của vua Xiên trước nguy cơ chiến thắng của Xuân Tóc đỏ. Sử dụng những từ ngữ thể hiện cảm xúc mạnh mẽ giúp khắc họa rõ nét tình hình căng thẳng và sự phức tạp của nền chính trị lúc bấy giờ.
Để cứu vãn tình hình, quan chức đã nhanh chóng bỏ khán đài, tìm ông bầu Văn Minh để thương lượng nhường thắng nhằm “tránh cho bách tính lương dân cái nạn núi xương, sông máu”. Cuộc đối thoại mang màu sắc khôi hài làm nổi bật lối suy nghĩ hèn nhát, thiển cận của một số quan chức bấy giờ.
Với cách tương kế tựu kế của Xuân tóc đỏ, hắn la ó ầm í nhằm tỏ ra sự thất vọng tràn trề khi để tuột mất chiến thắng. Xuân nhanh chóng trở thành biểu tượng hòa bình và tình hữu nghị hai quốc gia.
Với bài hùng biện đầy ngạo nghễ trước công chúng, với cách xưng hô ta – mi, hỡi công chúng,.. Với nghệ thuật diễn thuyết thành thạo, Xuân thành công trong việc đánh tráo khái niệm, dùng những giá trị thiêng liêng để gán ghép cho hành động của mình.
Đồng thời, cách tỏ ra cao thượng khi liên tục từ chối danh vọng của Xuân đối nghịch với những ham muốn của hắn tạo ra sự kịch cỡn và hài hước. Một tấn bi hài trong xã hội đều được phản ánh một cách thú vị, vạch trần bản chất xã hội phô trương, thối nát thời điểm bấy giờ.