Tổng hợp những điểm giống và khác nhau về hình tượng người lính trong bài Đồng chí và Bài thơ về tiểu đội xe không kính do Tramvanhoc sưu tầm và biên soạn
So sánh đánh giá hình tượng người lính trong bài Đồng chí và Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Giống nhau
– Về nội dung hình tượng. Hai bài thơ Đồng chí (Chính Hữu) và Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật) đều xây dựng hình tượng người lính với những phẩm chất đáng tự hào của anh bộ đội Cụ Hồ, đó là lí tưởng cao cả, tinh thần chiến đấu, hy sinh quên mình, là tình cảm đồng đội ấm áp chan hòa, niềm lạc quan, ý chí vượt qua mọi khó khăn gian khổ (“Súng bên súng, đầu sát bên đầu/ Đêm rét chung chặn thành đôi tri kỷ” – Đồng chí; “Không có kính, rồi xe không có đèn Không có mui xe, thùng xe có xước/ Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/ Chỉ cần trong xe có một trái tim” – Bài thơ về tiểu đội xe không kính).
– Về nghệ thuật thể hiện hình tượng. Hai bài thơ đều có sự kết hợp giữa chất tự sự và trữ tình khi thể hiện chân dung người lính, đem đến cho người đọc những cảm nhận chân thực về cuộc sống của người lính nơi chiến trường, đồng thời qua đó sáng lên những phẩm chất cao đẹp của họ.
Khác nhau
Khác nhau | Bài thơ Đồng chí | Bài thơ về tiểu đội xe không kính |
Điểm riêng trong nội dung hình tượng người lính | Là những trải nghiệm cụ thể về tình đồng chí, đồng đội, dựa trên cơ sở cùng chung cảnh ngộ và lí tưởng chiến đấu, được thể hiện tự nhiên, bình dị mà sâu sắc, góp phần tạo nên sức mạnh và vẻ đẹp tinh thần của người lính cách mạng | Khắc họa nổi bật hình tượng người lính lái xe Trường Sơn trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước với tư thế hiên ngang, tinh thần lạc quan, dũng cảm bất chấp khó khăn nguy hiểm và ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam. |
Điểm riêng trong nghệ thuật thể hiện hình tượng người lính | Thể hiện chân dung người lính qua những chi tiết, hình ảnh, ngôn ngữ giản dị, chân thực, cô đọng, những hình ảnh đẹp, lãng mạn, giàu sức biểu cảm (Đầu súng trăng treo) | Xây dựng hình ảnh độc đáo của những chiếc xe không kính ra mặt trận, giàu chất liệu sinh động về cuộc sống nơi chiến trường, ngôn ngữ giàu tính khẩu ngữ, tự nhiên, khỏe khoắn của những người lính trẻ. |
Bình luận, đánh giá
– Lí giải về những điểm tương đồng và khác biệt của hai bài thơ: Hai bài thơ được sáng tác từ góc nhìn của chính những người lính viết về đồng đội của mình, do vậy đem đến cho người đọc những cảm nhận chân thực về hình tượng người lính trong hai cuộc kháng chiến. Mặt khác, mỗi bài thơ mang đậm dấu ấn thời đại và dấu ấn riêng trong cách nhìn, cách cảm của mỗi nhà thơ, tạo nên giọng điệu riêng độc đáo, hấp dẫn của từng bài thơ
– Giá trị của mỗi bài thơ khi viết về hình tượng người lính: Hai bài thơ đã tạo dựng được chân dung người lính trong những giai đoạn lịch sử của dân tộc; thể hiện những giọng điệu phong phú trong thơ ca của dân tộc khi viết về người lính.
– Ý nghĩa của việc tiếp nhận hai bài thơ từ góc độ so sánh: Cho người đọc cái nhìn đa chiều về hình tượng người lính, góp phần đem lại những giá trị sống cho bản thân trong bối cảnh mới
Nghị luận So sánh đánh giá hình tượng người lính trong bài Đồng chí và Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Trong công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm để bảo vệ chủ quyền, độc lập dân tộc, hình ảnh những người chiến sĩ – người lính luôn là bức tượng đài đi vào lòng người với phẩm chất, tư thế cao quý, thiêng liêng và đẹp đẽ. Bởi vậy, đề tài người lính đã xuất hiện trong các tác phẩm văn học qua cảm hứng ngợi ca. Điều này đã được thể hiện rõ thông qua hai tác phẩm “Đồng chí” của Chính Hữu và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật.
“Đồng chí” của Chính Hữu là một trong những tác phẩm ra đời sớm nhất và hay nhất trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Ra đời vào năm 1948, sau khi tác giả Chính Hữu tham gia chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947, tác phẩm đã khắc họa một cách chân thực, sinh động tình đồng chí gắn bó thiêng liêng của những người lính. Bằng ngôn ngữ thơ gần gũi, tác giả đã lí giải cơ sở hình thành tình đồng chí thông qua hoàn cảnh xuất thân và lí tưởng chiến đấu:
“Quê hương anh nước mặn, đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ
Đồng chí!”
Trong công cuộc kháng chiến mang tính toàn dân, toàn diện, người nông dân sẵn sàng rời bỏ những gì thân thuộc nhất để đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tình nguyện đứng trong hàng ngũ và trở thành những người nông dân mặc áo lính. Tác giả đã vận dụng thành công các thành ngữ dân gian để khắc họa, tô đậm sự tương đồng về cảnh ngộ và hoàn cảnh xuất thân của họ. Đó cũng chính là nền tảng để tạo nên sự đồng cảm giai cấp và tạo dựng cơ sở vững chắc để hình thành tình cảm đồng chí, đồng đội đoàn kết, gắn bó. Nếu như trước đây, họ là những người xa lạ “Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau” thì giờ đây, họ gặp gỡ nhau bởi sự tương đồng về lí tưởng chiến đấu bảo vệ dân tộc. Trải qua những gian khổ, khắc nghiệt của cuộc chiến, những người nông dân vốn xa lạ bỗng trở thành “tri kỉ” – những người bạn tâm giao gắn bó qua sự thấu hiểu, đồng cảm và sẻ chia. Chính những yếu tố đó đã tạo nên tinh thần vượt qua mọi khó khăn bằng tinh thần đồng cam cộng khổ:
“Súng bên súng đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”
Dù đến từ những phương trời xa lạ nhưng họ gặp gỡ nhau ở điểm chung về trái tim yêu nước và lí tưởng chiến đấu, bảo vệ dân tộc. Nếu như hình ảnh “Súng bên súng” gợi lên sự tương đồng về lí tưởng, nhiệm vụ chiến đấu thì cách nói hoán dụ “đầu sát bên đầu” mang ý nghĩa tượng trưng sâu sắc diễn tả ý chí quyết tâm đánh đuổi thực dân Pháp của những người nông dân mặc áo lính. Đó là những điểm tựa tinh thần nâng đỡ tinh thần đồng đội, bồi đắp tình cảm “tri kỉ” của người lính trong những năm tháng mưa bom bão đạn. Bức chân dung người lính còn được phác họa trong sự quyện hòa giữa chất hiện thực và cảm hứng lãng mạn thông qua hình ảnh “Đầu súng trăng treo” độc đáo.
Giữa những đêm hành quân trong không gian “rừng hoang sương muối”, những người lính cầm chắc tay súng với tư thế chủ động, hiên ngang, vầng trăng như hạ thấp treo trên đầu mũi súng. Nếu như “súng” là biểu tượng cho sự tàn khốc của chiến tranh thì “trăng” là hình ảnh tượng trưng của hòa bình và chất lãng mạn. Bởi vậy, “đầu súng trăng treo” đã tạo nên những cảm nhận độc đáo về chiến tranh và hòa bình, chất hiện thực quyện hòa chất lãng mạn, góp phần làm nổi bật vẻ đẹp thi sĩ trong tâm hồn những người lính. Như vậy, qua bài thơ “Đồng chí”, tác giả Chính Hữu đã ngợi ca tình cảm đồng chí, đồng đội gắn bó thiêng liêng cao đẹp giữa những người lính cách mạng, tạo nên bức chân dung giản dị, chân thực về hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ.
Nếu “Đồng chí” được sáng tác trong thời kì kháng chiến chống Pháp thì “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” ra đời vào năm 1969- thời điểm công cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta đang diễn ra vô cùng ác liệt. Trong tác phẩm, vẻ đẹp của người chiến sĩ được tác giả Phạm Tiến Duật tái hiện thông qua sự song hành, sóng đôi giữa hình ảnh những chiếc xe không kính và người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn. Bằng giọng điệu tự nhiên, tinh nghịch và ngôn ngữ đậm chất đời thường, nhà thơ đã đưa vào diễn đàn văn học Việt Nam hình ảnh những chiếc xe không kính độc đáo:
“Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi”
Qua việc sử dụng điệp từ “không” và lối nói khẩu ngữ, tác giả đã tái hiện một cách chân thực hình ảnh những chiếc xe không kính – biểu tượng cho sự tàn phá khốc liệt của bom đạn kẻ thù, đồng thời gợi nên sự gian truân, hiểm nguy trên đường ra mặt trận. Trong bối cảnh đó, hình ảnh người lính xuất hiện với tư thế hiên ngang:
“Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”
Tác giả đã vận dụng biện pháp đảo ngữ, đưa từ “ung dung” lên đầu câu thơ để nhấn mạnh phong thái điềm tĩnh trước những lửa đạn bom rơi. Điệp từ “nhìn” được nhắc lại ba lần gợi lên âm điệu ngân vang, diễn tả cái nhìn đầy khoáng đạt trước thiên nhiên, đất trời bao la của người lính lái xe. Qua khung cửa xe, họ ung dung đối diện với sự khắc nghiệt, tàn khốc của cuộc chiến:“gió vào xoa mắt đắng”, “sao trời”, “cánh chim” đột ngột như “sa”, “ùa” vào buồng lái. Họ chấp nhận những gian khổ bằng tinh thần coi thường, bất chấp mọi hiểm nguy:
“Không có kính, ừ thì có bụi,
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.
Không có kính, ừ thì ướt áo
Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.”
Điệp cấu trúc câu “Không có… ừ thì” kết hợp với việc sử dụng kết cấu phủ định “Chưa có” đã làm nổi bật tinh thần lạc quan, sự ngang tàn, dũng cảm của người lính trước mọi khó khăn, gian khổ. Đồng thời, bài thơ còn khắc họa vẻ đẹp của tình đồng chí, đồng đội của những người lính lái xe: “Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới – Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi”. Hình ảnh chân thực đã gợi ra sự đồng cảm, sẻ chia sâu sắc giữa những người lính. Tình cảm gắn bó giữa họ được tạo nên bởi điểm chung về lí tưởng, mục đích chiến đấu:
“Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim”
Cách nói hình ảnh “vì miền Nam phía trước” đã thể hiện niềm tin, tinh thần lạc quan của người lính về sự chiến thắng của nhân dân ta trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng thời, hình ảnh hoán dụ “một trái tim” đã làm nổi bật “trái tim cầm lái” luôn rực cháy ngọn lửa yêu nước và tinh thần chiến đấu bất khuất, kiên cường của người lính. Như vậy, qua hai tác phẩm, chúng ta có thể thấy được vẻ đẹp chung của những người lính về lí tưởng chiến đấu, ý chí quyết tâm giải phóng dân tộc cùng tinh thần dũng cảm, yêu nước mãnh liệt, đồng thời, họ đều sử dụng sức mạnh của tình đồng chí, đồng đội để vượt qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt.Tuy nhiên, trong mỗi một thi phẩm, vẻ đẹp người lính lại được khám phá ở một phương diện riêng.
Ở bài thơ “Đồng chí”, tác giả Chính Hữu khắc họa vẻ đẹp của người nông dân mặc áo lính thông qua sự mộc mạc, chân chất và sự quyện hòa giữa chất hiện thực – lãng mạn; còn trong tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, Phạm Tiến Duật đem đến bức chân dung người chiến sĩ lái xe trẻ trung, sôi nổi, ngang tàn qua cái nhìn đậm chất hiện thực về cuộc chiến tranh kháng chiến chống Mĩ của dân tộc.
Qua những gì đã phân tích, chúng ta có thể khẳng định rằng “Đồng chí” và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” đều khám phá, tái hiện và xây dựng thành công bức chân dung của những người lính với những vẻ đẹp, phẩm chất đáng quý, đáng trân trọng.