Tác giả Đoàn Giỏi (cuộc đời, sự nghiệp, phong cách sáng tác, nhận định)

Là nhà văn đi đầu trong sự phát triển của văn học Nam Bộ, nhà văn Đoàn Giỏi được coi là một đầu tàu cần mẫn với sự nghiệp của mình. Hãy cùng Trạm văn học tìm hiểu thông tin về Tác giả Đoàn Giỏi (cuộc đời, sự nghiệp, phong cách sáng tác, nhận định) nhé!

Tiểu sử

Tác giả Đoàn Giỏi (cuộc đời, sự nghiệp, phong cách sáng tác, nhận định)

– Tên thật: Đoàn Văn Hòa.

– Bút danh khác: Nguyễn Hoài, Nguyễn Phú Lễ, Huyền Tư.

– Sinh ngày 17 tháng 5 năm 1925 – Mất ngày 2 tháng 4 năm 1989.

– Quê quán: xã Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (hiện nay được đổi thành xã Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).

– Xuất thân từ một gia đình địa chủ giàu có.

– Những năm 1939-1940 đã từng theo học tại trường Mỹ thuật Gia Định.

– Cách mạng tháng Tám thành công và toàn quốc kháng chiến bùng nổ, gia đình ông đã tự nguyện hiến toàn bộ nhà cửa, ruộng đất cho chính quyền Việt Minh. Trong đó có cả trụ sở Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành ngày nay.

Sự nghiệp

– Năm 1945, ông bắt đầu tham gia cách mạng.

– Năm 1947, làm Trưởng công an phụ trách 10 xã của huyện Châu Thành.

– Năm 1949, làm Phó trưởng Ty thông tin Rạch Giá.

– Giai đoạn những năm 1949 – 1954, ông tham gia công tác tại Chi hội Văn nghệ Nam Bộ, viết bài đăng trên tạp chí Lá Lúa và tạp chí Văn nghệ Miền Nam.

– Sau năm 1954, ông tập kết ra Bắc.

– Năm 1955, ông chuyển sang sáng tác và biên tập sách báo. Lúc này, ông tham gia công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi sau đó tham gia Hội Văn nghệ Việt Nam.

– Ông cũng tham gia Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa I, II, III.

– Sau năm 1975, ông trở về miền Nam, công tác tại Hội Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh và tiếp tục sáng tác.

Tác phẩm

Truyện dài:

+ Đường về gia hương (1948)

+ Cá bống mú (1956)

+ Đất rừng phương Nam (1957)

+ Cuộc truy tầm kho vũ khí (1962)

Truyện ngắn:

+ Nhớ cố hương” (1943)

+ Hoa hướng dương (1960)

Truyện ký:

+ Ngọn tầm vông (1956)

+ Trần Văn Ơn (1955)

+ Từ đất Tiền Giang

+ Người thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày

+ Đèn tôi bay về Lục Hồ Chí Minh

+ Sông nước Cà Mau

Ký:

+ Khí hùng đất nước (1948)

+ Những dòng chữ máu Nam Kỳ 1976 (1975)

+ Trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ

+ Cây đước Cà Mau

+ Tết Nguyên Đán ở Nam Bộ

Kịch thơ:

+ Người Nam thà chết không hàng (1947)

+ Chiến sĩ Tháp Mười (1949)

Thơ:

+ Bến nước mười hai

+ Truyện thằng Cồi

+ Giữ vững niềm tin (1954)

Biên khảo:

+ Những chuyện lạ về cá (1981)

+ Tê giác giữa ngàn xanh (1982)

Phong cách sáng tác

– Sự thân thuộc, dân dã của thiên nhiên, con người Nam Bộ đã được tác giả đưa đến gần với độc giả trên khắp cả nước. Cảm xúc xúc động, yêu thương, nâng niu trìu mến như được hiện thực hóa qua từng câu chữ trong các tác phẩm. Đất rừng, con người, cuộc sống nơi đây đã dần trở thành thân thuộc, đáng yêu đối với đông đảo độc giả, không chỉ riêng với độc giả nhỏ tuổi. Thấm đượm trong tác phẩm chính là từng hơi thở của sông nước, của cảnh vật và của cả những câu chuyện cả thực cả kỳ bí của thiên nhiên Nam bộ hoang sơ. Không chỉ có tình yêu nồng nàn với quê hương nơi mình sinh ra và lớn lên, đó còn là sự tinh tế, tỉ mẩn qua góc nhìn của tác giả đối với mọi sự vật, sự việc xảy ra xung quanh mình. Những tác phẩm của ông còn là sự bất bình, là tiếng nói lên án mạnh mẽ những tội ác mà chiến tranh gây ra cho con người lúc bấy giờ.

Nhận định, đánh giá

+ Nhà văn Anh Đức: “Với một đời văn trên bốn mươi năm, nhà văn Đoàn Giỏi đã để lại cho đời những dòng đẹp đẽ, đậm sắc thái và đầy sinh thú về quê hương, đất nước, con người ở vùng đất Nam bộ thân yêu của Tổ quốc ta. Văn của nhà văn Đoàn Giỏi vừa mang chất trữ tình lại vừa mang tính chất lạ kỳ, sôi động”.

+ Nhà thơ Chế Lan Viên: “Văn của Đoàn Giỏi luôn ngồn ngộn nguồn tư liệu và vốn sống mà tác giả chắt lọc. Là một nhà văn chịu khó tìm tòi nghiên cứu mọi chuyện một cách ngọn ngành, nên trang viết của ông thường rất góc cạnh, gồ ghề nhưng cũng đậm đặc chân tình như quê hương ông, miền đất hoang sơ và hào phóng miền Tây Nam bộ. Đoàn Giỏi là một trong những người đầu tiên truyền bá ngôn ngữ Nam bộ hiện đại qua những tác phẩm của mình”.

+ Nhà thơ Hữu Thỉnh: “Đoàn Giỏi đã cống hiến toàn bộ sự nghiệp của mình cho văn học thiếu nhi, nhưng ông bước qua được nhiều định kiến. Ông viết cho thiếu nhi nhưng người lớn đọc cũng rất say mê. Ông viết tiểu thuyết và đã trở thành kịch bản phim rất tuyệt vời. Ông nhận đặt hàng nhưng không gò bó gì cả, hoàn toàn phóng túng, cởi mở để trút toàn bộ tài năng lên trang giấy, say mê vô cùng”.

+ Nhà văn Anh Đức: “Thật tôi chưa từng thấy ở nước ta có một nhà văn nào như anh, say mê yêu mến thiên nhiên động vật, đến độ có cả một kho tư liệu ghi chép tỉ mỉ, đủ sức để viết dài dài loại truyện này.”.

+ Nhà thơ Hữu Thỉnh: “Đoàn Giỏi là một ví dụ đẹp đẽ cho câu nói: Ai yêu tuổi thơ, người đó được cả một thế giới”.