Tìm hiểu tác giả Lưu Quang Vũ – một nhà thơ, nhà viết kịch tài năng của nền văn học Việt Nam về cuộc đời, sự nghiệp, phong cách sáng tác, nhận định và một vài các tác phẩm tiêu biểu.
Tiểu sử
– Lưu Quang Vũ (17/4/1948 – 29/8/1988) là nhà thơ, nhà văn, nhà soạn kịch người Việt Nam.
– Quê quán: sinh tại xã Thiệu Cơ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ nhưng quê gốc lại ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.
– Gia đình:
+ Cha là nhà viết kịch Lưu Quang Thuận và mẹ là bà Vũ Thị Khánh.
+ Quang Vũ kết hôn 2 lần, lần thứ nhất với diễn viên điện ảnh Tố Uyên năm 1969. Hai người li hôn năm 1972. Ông kết hôn lần thứ hai với nữ thi sĩ Xuân Quỳnh năm 1973.
+ Em gái Lưu Quang Vũ là Lưu Khánh Thơ hiện đang công tác tại tòa soạn Tạp chí Nghiên cứu Văn học của Viện Văn học.
+ Em trai là Lưu Quang Hiệp, từng là hiệu trưởng Trường Đại học Thể dục Thể thao 1.
+ Em trai là Lưu Quang Định hiện đang là tổng biên tập báo Nông thôn ngày nay.
+ Lưu Quang Vũ và Tố Uyên có một con trai tên là Lưu Minh Vũ, hiện đang công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam.
+ Lưu Quang Vũ với Xuân Quỳnh có với nhau một con trai đặt tên là Lưu Quỳnh Thơ, tên ở nhà là Mí. Lưu Quỳnh Thơ sau đó mất lúc 13 tuổi cùng với cha mẹ trong vụ tai nạn năm 1988
– Giữa lúc tài năng đang vào độ chín, Lưu Quang Vũ qua đời trong một tai nạn ô tô trên quốc lộ số 5 tại Hải Dương, cùng với người bạn đời là nhà thơ Xuân Quỳnh và con trai Lưu Quỳnh Thơ.
Sự nghiệp
– Từ 1965 đến 1970 ông nhập ngũ, phục vụ trong Quân chủng Phòng không-Không quân. Đây là thời kỳ thơ Lưu Quang Vũ bắt đầu nở rộ.
– Từ năm 1970 đến 1978: xuất ngũ và làm đủ mọi nghề để mưu sinh, làm ở Xưởng Cao su Đường sắt do Tạ Đình Đề làm Giám đốc, làm hợp đồng cho nhà xuất bản Giải phóng, chấm công trong một đội cầu đường, vẽ pa-nô, áp-phích,…
– Từ 1978 đến 1988: Lưu Quang Vũ làm biên tập viên Tạp chí Sân khấu, bắt đầu sáng tác kịch nói với vở kịch đầu tay Sống mãi tuổi 17 viết lại theo kịch bản của Vũ Duy Kỳ.
Tác phẩm
– Thơ:
+ Hương cây (1968 – in cùng Bằng Việt trong tập Hương cây – Bếp lửa), 20 bài thơ
+ Mây trắng của đời tôi (1989), 30 bài thơ
+ Bầy ong trong đêm sâu (1993), 40 bài thơ
+ Gửi tới các anh (1998)
+ Di cảo (2008), 29 bài thơ
+ Những bông hoa không chết (2008), 35 bài thơ
+ Nhiều bài thơ khác chưa được in thành tập.
– Văn:
+ Mùa hè đang đến (truyện, 1983)
+ Người kép đóng hổ (truyện, 1984)
+ Một vùng mặt trận (truyện vừa)
– Chèo: Nàng Sita (1982) – tác phẩm vốn được viết bởi nhà soạn kịch Lưu Quang Thuận, bố của Lưu Quang Vũ. Ông Lưu Quang Thuận mất khi tác phẩm chưa hoàn thành và Lưu Quang Vũ đã hoàn thiện, nhưng vẫn đề tên tác giả là Lưu Quang Thuận.
– Kịch:
+ Sống mãi tuổi 17
+ Hẹn ngày trở lại
+ Nếu anh không đốt lửa
+ Hồn Trương Ba da hàng thịt (1981)
+ Lời thề thứ 9
+ Khoảnh khắc và vô tận
+ Bệnh sĩ (1988)
+ Chữ cuối
+ Tôi và chúng ta (1984)
+ Người tốt nhà số 5
+ Ngọc Hân công chúa
+ Linh hồn của đá
+ Ông vua hóa hổ
+ Vắng mặt trong hồ sơ
+ Chiếc ô công lý
+ Ông không phải là bố tôi
+ Điều không thể mất
+ Ai là thủ phạm
+ Chuyện tình bên dòng sông thu
+ Tin ở hoa hồng (1986)
+ Hoa cúc xanh trên đầm lầy
+ Lời nói dối cuối cùng
+ Nguồn sáng trong đời
+ Mùa hạ cuối cùng
+ Người trong cõi nhớ (1982)
+ Ngọc Hân công chúa (1984)
+ Chim Sâm cầm không chết (tác phẩm chưa hoàn thành thì Lưu Quang Vũ qua đời)
– Tiểu luận, phê bình: Diễn viên và sân khấu (cùng viết với Vương Trí Nhàn và Xuân Quỳnh, 1979)
Giải thưởng
– Lưu Quang Vũ ược truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 (2000) về nghệ thuật sân khấu.
Phong cách sáng tác
– Thơ ca của ông không chỉ bay bổng mà còn thể hiện khao khát được hòa vào cuộc sống, rất giàu cảm xúc và mang một màu sắc riêng biệt, hồn thơ của ông luôn mang đến cho người đọc những rung động, cảm xúc, suy tư trước những nỗi niềm trăn trở.
– Các vở kịch và tác phẩm của Lưu Quang Vũ đều mang tính nhân văn, để lại những bài học sâu sắc về con người, về cuộc đời bởi vì Lưu Quang Vũ đã phải trải qua những tháng ngày lao đao vất vả, về cuộc sống không ổn định, gia đình tan vỡ, không việc làm chiến tranh, xã hội có nhiều tiêu cực,…
– Nổi bật trong sự nghiệp sáng tác của Lưu Quang Vũ có vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt, tác phẩm nói về bi kịch cuộc đời của Trương Ba, khao khát được sống là chính mình khi phải sống dựa nhờ trên thân xác hàng thịt.
Nhận định
– Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: “Cảm hứng bi thương về đất nước, nhân dân đã cho Vũ có được những bài thơ hay lay động sâu sắc để lại giá trị lâu dài (Đất nước đàn bầu, Việt Nam ơi, Người cùng tôi, Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, Sông Hồng, Năm 1954, Khâm Thiên, Hồ sơ mùa hạ 1972…) Mảng thơ này của Vũ biệt ra một cõi, không ai sánh được. Đó là một đỉnh cao của thơ Việt Nam thời chiến và đỉnh đó mang tên Lưu Quang Vũ lẻ loi và chất ngất. ”
– NSƯT Đào Quang: “Tâm nguyện và đích cuối cùng mà Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm trong tác phẩm của mình là tinh thần công dân trước cuộc sống xã hội, những giá trị đạo đức về hạnh phúc, cách đối nhân xử thế trong cơ chế đầy biến động. Những điều này có giá trị vĩnh cửu”.
– Nhà phê bình văn học Ngô Thảo: “Tính dự báo được cấy sâu trong nhiều kịch bản về những đề tài khác nhau, góp phần làm cho kịch Lưu Quang Vũ có sức sống bền lâu. Mỗi lần đọc lại, xem lại, chúng ta đều phát hiện ra những quặng tinh thần mà tác giả gửi gắm”.