Nguyễn Dữ là một cái tên nổi bật của văn học nước nhà thời kì Trung Đại. Những tác phẩm của ông cho tới tận bây giờ vẫn mang nhiều những bài học đắt giá trong đó. Hãy cùng Trạm văn học cùng tìm hiểu những thông tin về Tác giả Nguyễn Dữ (cuộc đời, sự nghiệp, phong cách sáng tác, nhận định) nhé!
Tiểu sử
– Hiện vẫn chưa rõ năm sinh, năm mất của ông.
– Quê quán: xã Đỗ Tùng, huyện Trường Tân (hiện nay là xã Phạm Kha, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương).
– Ông là con trai cả Tiến sĩ Nguyễn Tường Phiêu ( người từng đỗ tiến sĩ dưới thời vua Lê Thánh Tông).
– Tương truyền rằng ông là học trò của Tuyết Giang Phu Tử Nguyễn Bỉnh Khiêm và là bạn học của Phùng Khắc Khoan. Từ đó chúng ta suy đoán được thời kì ông sinh sống là vào khoảng thế kỷ 16.
– Ngay từ khi còn nhỏ Nguyễn Dữ đã bộc lộ sự chăm học, học nhiều nhớ rộng. Ông từng ôm ấp lý tưởng lấy văn chương để nối nghiệp nhà.
Sự nghiệp
– Ông thi đậu chức Hương tiến (tức Cử nhân), rồi về làm quan dưới triều nhà Mạc.
– Sau này khi nhà Lê nắm lại quyền trị vì vương quốc, ông trở lại làm quan Tri huyện Thanh Tuyền (nay là xã Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc).
– Sau một năm làm quan dưới triều nhà Lê, ông bất mãn với thời cuộc nên ông xin cáo quan hồi hương với lí do là phải chăm sóc, phụng dưỡng mẹ già cho tròn đạo hiếu.
– Được chấp thuận, ông về sống tại núi rừng Thanh Hóa, tránh xa nơi thành thị xa hoa, ồn ã.
– Về ở ẩn tại núi rừng Thanh Hóa được mấy năm thì ông từ giã cõi trần.
Tác phẩm
– Sáng tác duy nhất của ông là tác phẩm Truyền kỳ mạn lục (Ghi chép tản mạn những truyện kì lạ được lưu truyền). Tác phẩm này theo các nhà nghiên cứu được cho là sáng tác trong khoảng thời gian Nguyễn Dữ ở ẩn tại Thanh Hóa. Tác phẩm bao gồm 20 truyện, đều được viết bằng chữ Hán, theo thể loại tản văn. Xen lẫn trong đó là thể loại biền văn và thơ ca. Trong đó nổi bật nhất là “Chuyện chức phán sự ở đền Tản Viên” hay quen thuộc hơn với tên gọi “Chuyện người con gái Nam Xương”. Ở cuối mỗi câu truyện (trừ câu truyện thứ 19 là “Kim hoa thi thoại ký”) thì đều có lời bình của tác giả hoặc của một người có cùng quan điểm của tác giả. Tác phẩm được các tác giả cùng thời đánh giá là “thiên cổ kì bút”.
Phong cách sáng tác
– Tác phẩm của ông không chỉ đơn thuần là ghi chép lại những câu truyện kì lạ trong dân gian trên khắp đất nước. Qua những tác phẩm đó còn thể hiện được quan điểm chính trị, thái độ nhân sinh đối với các vấn đề trong cuộc sống, cũng như là những lý tưởng về đạo đức sống của Nguyễn Dữ. Ông mong muốn người dân được sống trong một xã hội yên bình, thịnh vượng, đầy hạnh phúc và ấm no. Ở nơi đấy mối quan hệ giữa con người với con người sẽ được nâng cao, sẽ được mọi người quý trọng.
– Tác phẩm của Nguyễn Dữ mang đậm tính hiện thực khi phản ánh rõ nét sự bất công của xã hội phong kiến. Ông đã phơi bày chế độ nam quyền độc đoán, nơi người phụ nữ phải chịu nhiều oan khuất, như hình ảnh Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương. Đồng thời, tác phẩm cũng lên án mạnh mẽ những cuộc chiến tranh phi nghĩa, nguyên nhân dẫn đến những bi kịch tan nát của gia đình và xã hội. Qua đó, Nguyễn Dữ không chỉ tố cáo hiện thực mà còn thể hiện lòng trắc ẩn và nhân đạo sâu sắc với những số phận nhỏ bé trong xã hội.
– Nguyễn Dữ đặc biệt chú trọng đến việc ca ngợi vẻ đẹp và phẩm chất của người phụ nữ. Các nhân vật nữ trong tác phẩm của ông thường được khắc họa với đức hạnh thủy chung, tài năng và tấm lòng cao đẹp. Tuy nhiên, họ cũng là nạn nhân của những bất công xã hội, phải chịu nhiều đau khổ và oan ức. Từ đó, Nguyễn Dữ bày tỏ niềm cảm thương sâu sắc và ước vọng về một cuộc sống công bằng, hạnh phúc hơn cho những người phụ nữ bất hạnh.
– Phong cách sáng tác của Nguyễn Dữ còn nổi bật với tư tưởng “lánh đục về trong,” phản ánh sự lựa chọn của tầng lớp trí thức ẩn dật thời bấy giờ. Ông dùng văn chương như một cách để bày tỏ quan điểm sống, gửi gắm tâm tư và lý tưởng về đạo đức nhân hậu, lòng thủy chung, cũng như niềm tự hào về văn hóa và nhân tài của đất Việt. Điều này thể hiện rõ qua việc ông đề cao giá trị nhân văn và tinh thần dân tộc trong từng câu chuyện.
– Giá trị hiện thực và nhân đạo trong Truyền kỳ mạn lục đã đưa tác phẩm trở thành một tuyệt phẩm không chỉ trong văn học Việt Nam mà còn trong các nền văn học đồng văn. Tác phẩm được dịch ra nhiều ngôn ngữ và nhận được đánh giá cao từ các học giả đương thời. Đặc biệt, Tiến sĩ Vũ Khâm Lân đã gọi đây là “thiên cổ kỳ bút”, minh chứng cho sức ảnh hưởng sâu rộng và giá trị trường tồn của tác phẩm trong dòng chảy văn học.
=> Phong cách sáng tác của Nguyễn Dữ là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hiện thực và kỳ ảo, giữa giá trị nhân đạo và tinh thần dân tộc. Với Truyền kỳ mạn lục, ông không chỉ để lại một di sản văn học vô giá mà còn khẳng định tài năng, tư tưởng sâu sắc của mình, làm rạng danh nền văn học trung đại Việt Nam.