Tác giả Tế Hanh (Cuộc đời, sự nghiệp, phong cách sáng tạo, nhận định)

Bình chọn

Chúng ta đã từng ít nhất một lần nghe thấy tên “Tế Hanh” vang lên xung quanh, có thể là trong đời sống thường nhật, trên lớp học, hay nhìn thấy trên những trang bìa đầy màu sắc sáng tạo. Đó tên của một trong những nhà thơ nổi tiếng của phong trào thơ mới, với chất thơ đặc biệt mang bản sắc riêng, ông đã ghi được dấu ấn trong lòng biết bao người đọc. Hãy cùng với Trạm văn học tham khảo bài viết tìm hiểu về Tác giả Tế Hanh (Cuộc đời, sự nghiệp, phong cách sáng tạo, nhận định) nhé!

Cuộc đời

– Tế Hanh (20/06/1921-2009), tên khai sinh là Trần Tế Hanh, là một nhà thơ Việt Nam thời tiền chiến.

– Sinh ra tại làng Đông Yên, phủ Bình Sơn ( nay là xã Bình Dương, Bình Sơn, Quảng Ngãi)

– Thửa nhỏ ông học ở trường làng, trường huyện. Đến năm 15 tuổi tức là năm 1936, ông theo học tại trường Khải Định (Quốc học Huế).

– Năm 1945 tham gia sôi nổi vào phong trào cách mạng, tham gia công tác văn hóa, văn nghệ tại Huế, Đà Nẵng

– Sau năm 1954, ông giữ nhiều chức vụ quan trọng tại Hội nhà văn Việt Nam.

– Ngày 16 tháng 7 năm 2009 tại Hà Nội ông mất tại nhà riêng sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật.

Sự nghiệp

– Năm 1938, 17 tuổi, ông viết bài thơ đầu tiên: “Những ngày nghỉ học” sau khi được nhà thơ Huy Cận chỉ dạy, sáng tác.

– Ông tiếp tục sáng tác tập hợp thành tập thơ Nghẹn ngào

– Năm 1941, Tế Hanh và thơ của ông (“Quê hương”, “Lời con đường quê”, “Vu vơ”, “Ao ước”) được nhà thơ Hoài Thanh và Hoài Chân giới thiệu trong cuốn Thi nhân Việt Nam (xuất bản năm 1942).

– Tháng 8 năm 1945, Tế Hanh tham gia vào Việt Minh, công tác văn hóa, giáo dục ở Huế, Đà Nẵng; và từng là Ủy viên giáo dục trong ủy ban lâm thời thành phố Đà Nẵng, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công

– Từ năm 1949 cho đến năm 1954, ông ở trong Ban phụ trách Chi hội Văn nghệ Liên khu V.

– Sau Hiệp định Genève năm 1954, ông tập kết ra Bắc, công tác ở Hội Văn nghệ.

– Năm 1957, Hội nhà văn Việt Nam được thành lập, Tế Hanh tham gia vào Ban Biên tập tuần báo Văn của Hội, ông còn là Ủy viên chấp hành và Ban thường vụ

– Thơ:

+ Những ngày nghỉ học (1938)

+ Nghẹn ngào (1939), 47 nhà thơ đã rút bài thơ “Quê hương” sang tập “Hoa Niên”(1945)

+ Hoa niên (1945)

+ Tập thơ tìm lại (1945)

+ Hoa mùa thi (1948)

+ Nhân dân một lòng (1952)

+ Gửi miền Bắc (1955)

+ Lòng miền Nam (1956): 20 bài thơ

+ Tiếng sóng (1960): 15 bài thơ

+ Bài thơ tháng bảy (1962)

+ Hai nửa yêu thương (1967)

+ Khúc ca mới (1967), 44 bài thơ

+ Đi suốt bài ca (1970)

+ Câu chuyện quê hương (1973)

+ Theo nhịp tháng ngày (1974)

+ Giữa những ngày xuân (1976)

+ Con đường và dòng sông (1980)

+ Bài ca sự sống (1985)

+ Tuyển tập Tế Hanh, tập I (1987)

+ Thơ Tế Hanh (1989)

+ Vườn xưa (1992)

+ Giữa anh và em (1992)

+ Em chờ anh (1993)

+ Tuyển tập Tế Hanh, tập II (1997)

+ Nhớ con sông quê hương

– Thơ thiếu nhi:

+ Chuyện em bé cười ra đồng tiền (1960)

+ Những tấm bản đồ (1965)

+ Thơ viết cho con (1974)

+ Tiếng sáo, tiếng đàn, tiếng hát (1983): thơ thiếu nhi

– Phê bình văn học:

+ Tập tiểu luận phê bình thơ và cuộc sống mới (1961)

Phong cách sáng tác

Là một bông hoa nở muộn trên vườn hoa thi đàn văn học Việt Nam, Tế Hanh đã đem đến cho người đọc, người chiêm nghiệm các tác phẩm của mình bằng phong cách sáng tác đặc biệt, trong trẻo, mộc mạc, nhẹ nhàng đậm chất chân quê giản bị, bình yên. Thơ ông rất giàu hình ảnh, màu sắc, thể hiện nên cảm xúc, suy tư về tình yêu thương, sự trân trọng dành cho quê hương, vùng đất nơi mình được sinh ra, lớn lên. Với cái nhìn đa chiều cùng một tâm hồn nghệ thuật, cái đẹp của thiên nhiên, con người luôn quẩn quanh trong tâm trí ông, một con người hết sức tinh tế, nhạy cảm nhưng lại biến chuyển gửi hồn mình vào từng dòng thơ để cho người đọc gián tiếp nhìn thấy hình ảnh mà đôi mắt tinh tường của con người yêu quê hương da diết ấy. Và tình yêu quê hương cháy bỏng da diết trong từng trang thơ, thông qua thủ pháp nghệ thuật đã gợi mở cho độc giả biết bao suy tư, liên tưởng về tình cảm, nhận thức của chính bản thân mình.

Giải thưởng

– Giải thưởng văn học Tự lực văn đoàn (năm 1939)

– Giải thưởng Phạm Văn Đồng do Hội Văn nghệ Liên khu V tặng.

– Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật đợt I năm 1996

Nhận định

Nhà phê bình văn học Hoài Thanh và Hoài Chân: “Tế Hanh là một người tinh lắm, Tế Hanh đã ghi được đôi nét rất thần tình về cảnh sinh hoạt chốn quê hương. Người nghe thấy được cả những điều không hình sắc, không thanh âm như mảnh hồn làng, trên cánh buồm giương, như tiếng hát của hương đồng quyến rũ, con đường quê nho nhỏ. Thơ Tế Hanh đưa ta vào một thế giới rất gần gũi…”

Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn: “Trong thơ Việt Nam tiền chiến, ông chưa bao giờ tạo được một sự hấp dẫn lạ lùng như Hàn Mặc Tử hoặc Nguyễn Bính, cũng không có lúc nào làm chủ thi đàn như Thế Lữ hoặc Xuân Diệu. Nhưng ông vẫn có chỗ của mình. Tập ‘Nghẹn ngào’ từng được giải thưởng Tự Lực văn đoàn. Từ sau 1945, ông vẫn làm thơ đều đều, những tập thơ mỏng mảnh, giọng thơ không có gì bốc lên nồng nhiệt, nhưng được cái tình cảm hồn nhiên, và tập nào cũng có một ít bài đáng nhớ, khiến cho ngay sau Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu người ta nghĩ ngay đến Tế Hanh”

Nhà văn Nhất Linh: “Tế Hanh có rất nhiều hứa hẹn trở nên một thi sĩ có tài, ông có một linh hồn rất phong phú, có những rung động rất sâu sắc; và để diễn tả tâm hồn, ông có đủ nghệ thuật và cách đặt tìm câu chữ

Hoài Thanh : “Tế Hanh sở dĩ nhìn đời một cách sâu sắc như thế là vì người có sẵn một tâm hồn tha thiết.”

Nhà thơ Chế Lan Viên: “Dù anh viết khá hay về biển, biển trong bão dữ, nghĩ đến anh, tôi vẫn nghĩ đến cái êm đềm của những dòng sông. Chim anh viết hay, không phải hải âu mà là chim én. Anh có thể tả mùa hè rực rỡ nhưng hình như anh xúc động nhất mùa thu… Nếu vào trong khu vườn, Xuân Diệu sẽ ngoạm vào các trái hồng lẫn trái xanh, Huy Cận lắng nghe chất nhựa trên cành, người nào đó sẽ hì hục tìm thơ trong bộ rễ âm thầm, còn với Hanh thì màu xanh của lá cũng đủ cho anh hạnh phúc”

Nhà thơ, dịch giả Bằng Việt: “Tế Hanh dịch thơ rất tài hoa, và nhiều bài thơ dịch của anh đã trở thành những bản dịch mẫu mực, khó ai vượt qua nổi”