Nhà thơ Thanh Thảo – một hồn thơ đặc biệt trong diễn đàn văn học Việt Nam. Thơ ông mang đến một màu sắc tươi mới chứa đựng những hình ảnh, cảm xúc, mang tính triết lý sâu sắc, đưa người đọc đến với sự liên tưởng, tưởng tượng, sáng tạo để hình dung ra một bức tranh với tầng ý nghĩa trọn vẹn. Hãy cùng Trạm văn học đến với bài viết tham khảo Tác giả Thanh Thảo (Tiểu sử, sự nghiệp, tác phẩm, phong cách sáng tác, nhận định) nhé!
Tiểu sử
– Nhà thơ Thanh Thảo (16/2/1946), tên khai sinh là Hồ Thành Công
– Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.
– Học Khoa Ngữ văn của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, sau khi tốt nghiệp ông đã vào chiến trường miền Nam làm báo và sáng tác văn học.
– Năm 1998, trong ngày tưởng niệm 30 năm Thảm sát Mỹ Lai, Thanh Thảo đã trao tặng học bổng cho các em học sinh nghèo tại làng Tư Cung, xã Tịnh Khê, Quảng Ngãi để ngăn trẻ em nghèo bỏ học cho đến bây giờ
Sự nghiệp
– Sau năm 1975, ông chuyên hoạt động văn học nghệ thuật.
– Hiện nay ông là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ngãi, phó chủ tịch Hội đồng thơ Hội nhà văn Việt Nam.
– Thanh Thảo vẫn tiếp tục làm thơ và đồng thời viết báo, tiểu luận phê bình và nhiều thể loại khác, nhưng đóng góp quan trọng và đặc sắc nhất của ông vẫn là thơ ca.
Tác phẩm
– Thơ, trường ca:
+ Trẻ con ở Sơn Mỹ (trường ca, 1975-1978) gồm 7 cảnh
+ Những người đi tới biển (trường ca, 1977) gồm 3 chương
+ Những nghĩa sĩ Cần Giuộc (trường ca, 1978-1980) gồm 6 phần
+ Dấu chân qua trảng cỏ (tập thơ, 1978)
+ Bùng nổ của mùa xuân (trường ca, 1980-1981)
+ Đêm trên cát (trường ca, 1982)
+ Trò chuyện với nhân vật của mình (trường ca, 1983)
+ Cỏ vẫn mọc (trường ca, 1983)
+ Khối vuông Rubic (trường ca, 1984)
+ Khối vuông Rubic (tập thơ, 1985)
+ Tàu sắp vào ga (tập thơ, 1986)
+ Bạch đàn gởi bạch dương (tập thơ, 1987)
+ Từ một đến một trăm (tập thơ, 1988)
+ Những ngọn sóng mặt trời (trường ca, 1994)
+ Thanh Thảo 1 2 3 (tập thơ, 2007)
+ Thanh Thảo 70 (tuyển tập thơ, 2008)
+ Trường ca Mêtrô (trường ca, 2009)
+ Trường ca chân đất (2012)…
– Tiểu luận phê bình:
+ Ngón thứ sáu của bàn tay (tiểu luận phê bình, 1995)
+ Mãi mãi là bí mật (tiểu luận phê bình, 2004)
+ Trò chuyện với dòng sông (tiểu luận phê bình, 2009)
Giải thưởng
– Thanh Thảo đã nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1979
– Giải thưởng Ban Văn học Quốc phòng An nình, Hội Nhà văn Việt Nam năm 1995
– Giải thưởng Nhà nước (đợt 1) về văn học nghệ thuật năm 2001
– Giải thưởng Văn học Đông Nam Á năm 2014.
Phong cách sáng tác
Là một trong những nhà thơ ở thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Thanh Thảo đã thể hiện góc nhìn bao quát, nhận thức sâu sắc của bản thân đối với hoàn cảnh hiện thực đất nước, khắc họa nên bức tranh chân dung của những người lính kiên cường, dũng mãnh, bất khuất. Thêu lên một bức tranh thơ ca với thẩm mỹ mới lạ và giọng điệu sắc sảo, trầm bổng, đầy chất suy tư, lắng đọng. Ông sử dụng thơ một cách linh hoạt, phóng khoáng, có sức biểu đạt phong phú, đa dạng, giàu xúc cảm, ý tứ xâu xa, liên tưởng tượng tưởng sinh động, bất ngờ. Những điều đó đã đưa trang sách tâm hồn của nhà thơ Thanh Thảo đến với thế hế trẻ sau này về vấn đề thời cuộc nơi xã hội khủng hoảng, thay đổi lúc bấy giờ, và cách kết nối, truyền đạt bài học, tầng ý nghĩa cao cả mang tính triết lý, thay đổi nhận thức của người đọc.
Nhận định, đánh giá
– Nhà thơ Thanh Thảo:
+ Tôi viết báo và làm được gì suốt 30 năm qua, chính là nhờ… thơ. Tôi mang ơn thơ suốt đời. Đừng bao giờ nghĩ người ta chỉ có thể chết vì thơ. Người ta cũng có thể sống lại nhờ thơ đấy. Xét riêng, thơ chẳng là gì nhưng cũng có thể là tất cả.
+ Với tôi, thơ phải hiện đại, bởi chúng ta đang sống thời hiện đại, nhưng muôn đời, thơ vẫn là chuyện rút gan rút ruột mình ra mà thôi. Thơ phải chính là số phận của người làm thơ.
+ Muôn đời, thơ vẫn là chuyện rút gan rút ruột mình mà thôi. Thơ phải chính là số phận của người làm thơ
+ Thơ là chữ nghĩa cũng không là chữ nghĩa, là ý thức mà không phải ý thức, là vô thức mà không hẳn vô thức. Thơ đúng nghĩa là sự bộc lộ tận cùng của nhà thơ
– Ở cuối cuốn tiểu luận – phê bình “Ngón thứ sáu của bàn tay”, nhà thơ Nguyễn Đỗ cho rằng: Điều mà Thanh Thảo có được trong tập sách này – cái thành công nhất – chính là anh đã được sáng tác, anh viết tiểu luận như là một hối thúc bên trong, giống khi làm thơ