Văn chương là nơi mở ra một chân trời mới, giúp con người khắc ghi lại những dòng cảm xúc, suy tư cùng một tâm hồn đa sầu đa cảm, hướng đến nhiều điều về thế giới xung quanh, từ sự quen thuộc nhất cho đến cái xa lạ, to lớn. Và nhà văn, nhà báo Vũ Bằng đã mang đến cho đọc giả Việt Nam những điều mới lạ trong truyền thống văn hóa, thiên nhiên, con người mà không phải bất kì ai cũng biết. Cùng Trạm văn học tham khảo bài viết thông tin về Tác giả Vũ Bằng (Tiểu sử, sự nghiệp, tác phẩm, phong cách sáng tác, nhận định) nhé!
Tiểu sử
– Vũ Bằng (3 tháng 6 năm 1913 – 7 tháng 4 năm 1984), tên đầy đủ là Vũ Đăng Bằng là một nhà văn, nhà báo của Việt Nam
– Quê gốc ở làng Lương Ngọc, Bình Giang, Hải Dương. Sinh sống và làm việc ở Hà Nội
-Vũ Bằng lớn lên trong một gia đình nho giáo có sáu anh chị em, cha mất sớm, Vũ Bằng ở với mẹ là chủ một tiệm bán sách ở phố Hàng Gai (Hà Nội), nên cuộc sống không quá thiếu thốn, khó khăn.
– Năm 1935, ông lập gia đình với bà Nguyễn Thị Quỳ, người Bắc Ninh.
– Mặc cho người mẹ cản ngăn, muốn ông du học Pháp để làm bác sĩ y khoa, Vũ Bằng quyết chí theo nghiệp văn chương. Đến khi in được vài truyện ngắn và tiểu thuyết, ông sa vào lãnh vực ăn chơi vào loại khét tiếng. Khoảng năm 1934 đến năm 1935, Vũ Bằng nghiện thuốc phiện rất nặng. Nhưng nhờ người cô ruột và nhờ vợ là Nguyễn Thị Quỳ thường xuyên săn sóc, khuyên nhủ, cộng với sự quyết tâm của bản thân nên ông đã cai được thuốc.
– Cuối năm 1946, Vũ Bằng cùng gia đình tản cư ra vùng kháng chiến.
Sự nghiệp
– Năm 16 tuổi ông đã đăng được truyện lên báo, sau đó ông lao vào nghề văn, nghề báo với tất cả niềm say mê, chứ không phải vì mưu sinh.
– Năm 17 tuổi (1931), ông xuất bản tác phẩm đầu tay Lọ Văn.
– Ngay từ thập niên 30, 40, khi Vũ Bằng còn rất trẻ, ông đã là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật và cộng tác với nhiều tờ báo ở Hà Nội, Sài Gòn..
– Sau năm 1954, Vũ Bằng vào Sài Gòn tiếp tục viết văn, làm báo. ông làm việc tại Việt Tấn Xã và cộng tác với nhiều tờ báo.
Tác phẩm
– Tiểu thuyết:
+ Lọ văn (tập văn trào phúng, 1931)
+ Một mình trong đêm tối ( 1937)
+ Truyện hai người (1940)
+ Tội ác và hối hận (940)
+ Chớp bể mưa nguồn (1941)
+ Để cho chàng khỏi khổ (1941)
+ Bèo nước (1944)
+ Mộc hoa vương (1953)
+ Ăn tết thủy tiên (1956)
+ Khảo về tiểu thuyết (biên khảo, 1969)
+ Những cây cười tiền chiến (1971)
+ Bóng ma nhà mệ Hoát (1973)
+ Nước mắt người tình (1973)
+ Tuyển tập Vũ Bằng (3 tập, Nhà xuất bản Văn học, 2000)
+ Những kẻ gieo gió (2 tập, Nhà xuất bản Văn học, 2003)
+ Vũ Bằng toàn tập (4 tập, Nhà xuất bản Văn học, 2006)
+ Vũ Bằng, Các tác phẩm mới tìm thấy (Lại Nguyên Ân sưu tầm. Nhà xuất bản. Văn hóa Sài Gòn, 2010)
+ Hà Nội trong cơn lốc (Nhà xuất bản Phụ Nữ, 2010)
+ Văn Hóa… Gỡ (Nhà xuất bản Phụ Nữ, 2012).
– Truyện:
+ Ba truyện mổ bụng (tập truyện, 1941)
+ Mê chữ (tập truyện, 1970)
+ Nhà văn lắm chuyện (1971)
– Truyện thiếu nhi:
+ Quých và Quác (truyện thiếu nhi, 1941)
– Ký:
+ Cai (hồi ký, 1944)
+ Miếng ngon Hà Nội (1960)
+ Miếng lạ miền Nam (1969)
+ Bốn mươi năm nói láo (hồi ký, 1969)
+ Thương nhớ mười hai (bút ký, 1972)
+ Người làm mả vợ (tập truyện ký, 1973)
Giải thưởng
– Được truy tặng huân chương nhà nước
– Ngày 13 tháng 2 năm 2007, Vũ Bằng được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Phong cách sáng tác
Vũ Bằng không chỉ biết đến với tư cách là một nhà báo mà còn là một nhà văn. Từng dòng chữ trên trang sách văn chương của Vũ Bằng đều bộc lộ được về con người ông, một người đan ông với trái tim nhạy cảm, tinh tế với đời, tha thiết, tìm tòi cái đẹp để ngợi ca vang danh nó, đồng thời rạch ròi phản ánh cái xấu ra ngoài ánh sáng. Văn Vũ Bằng luôn hướng đến tình yêu quê hương, đất nước, về con người Việt Nam và cảnh sắc, văn hóa truyền thống. Tất cả đều được tạo nên từ sự kết hợp giữa một trái tim, tâm hồn nhạy cảm, tinh tế và vốn hóa dồi dào, chắt chiu từ sự hiểu biết, sưu tầm, tích lũy, mang đậm màu sắc trữ tình, làm nên những tác phẩm chỉ có ở riêng nhà văn Vũ Bằng.
Nhận định và đánh giá
– Nhà văn Vũ Ngọc Phan: Tiểu thuyết của Vũ Bằng rất gần với tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan về lối tả cảnh và nhân vật, dù là họ ở vào cảnh nghèo khổ hay cảnh giàu sang, bao giờ Vũ Bằng cũng tả bằng ngọn bút dí dỏm, nhạo đời hơi đá hoạt kê một chút; còn về cảnh, ông chỉ tả sơ sơ; ông chú trọng cả vào hành vi ấy là động tác của cuốn tiểu thuyết và gây nên những cảnh riêng biệt cho nhân vật…
– Nhà văn Tô Hoài: Những năm ấy Nam Cao đương ở với tôi trên Nghĩa Đô. Chúng tôi mải mê đọc Vũ Bằng… Nếu nhà nghiên cứu văn học nào lưu tâm đến những truyện ngắn Vũ Bằng thời kỳ ấy với truyện ngắn của Nam Cao và những truyện ngắn “Bụi ô tô”, “Một đêm sáng giăng suông”… của tôi trên báo Hà Nội Tân văn có thể dễ dàng nhận thấy hai ngòi bút này hơi hướng Vũ Bằng. Chính chúng tôi vẫn thường thành tâm tự nhận xét ảnh hưởng ấy với anh ấy…
– Thi sĩ Nguyễn Vỹ: Anh có lối tả chân thật đặc biệt và trào phúng chuyên môn, có khi rất nhẹ nhàng khả ái như Alphonse Daudet, có khi cầu kỳ lý thú như Courteline. Tôi không nói Vũ Bằng là một văn hào, nhưng chắc chắn anh là một nhà văn Việt Nam độc đáo trên lĩnh vực tả chân trào phúng, trước kia và bây giờ.
– Nhà văn Võ Phiến trong tác phẩm Văn Học Miền Nam: Vũ Bằng có lúc tay nầy một tờ báo của Vũ Đình Long, tay kia một tờ khác của Nguyễn Doãn Vượng; có lúc một mình trông nom cả ba tờ báo ở Sài Gòn là Đồng Nai, Sài Gòn Mai và Tiếng Dân; lại có lúc vừa viết cho Dân Chúng, làm tổng thư ký báo Tin Điện, lại vừa hợp tác với người thứ ba làm báo Vịt Vịt…
– Trong Từ điển văn học (bộ mới): Văn hồi ký của ông là loại văn trữ tình, giàu chất thơ, hướng vào biểu hiện nội tâm, hướng về phong cảnh thiên nhiên bốn mùa xứ sở. Các câu văn tràn đầy cảm xúc, cảm giác tinh tế. Cùng với Thương nhớ mười hai, Miếng ngon Hà Nội…đã góp phần định hình kiểu hồi ký trữ tình độc đáo. Có thể xem đây là một đóng góp quan trọng của Vũ Bằng vào thể ký nói riêng và nền văn học hiện đại nói chung