Vũ Quần Phương – một nhà thơ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đã tạo dấu ấn đặc biệt trong lòng các nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình, và cả đọc giả bởi những suy tư, trí tưởng tượng sâu sắc, giàu trí tuệ trong từng câu thơ. Hãy cùng Trạm văn học tham khảo bài viết về Tác giả Vũ Quần Phương (Tiểu sử, sự nghiệp, tác phẩm, phong cách sáng tác, nhận định) nhé!
Tiểu sử
– Vũ Quần Phương (8/9/1940) tên thật là Vũ Ngọc Chúc, là nhà thơ, nhà báo và nhà phê bình văn học.
– Bút danh khác của ông: Ngọc Vũ, Phương Viết.
– Quê cha của ông tại Hải Hậu, Nam Định trong khi ông sinh ra ở quê mẹ Từ Liêm, Hà Nội. Bố ông mất khi ông 6 tuổi, mẹ ông cũng mất sớm. Lớn lên khi 16 tuổi ông rời quê Hải Hậu đi trọ học ở trung tâm Hà Nội
– Nhà toán học Vũ Hà Văn là con trai của ông.
– Vũ Quần Phương học tại đại học Y khoa, tốt nghiệp năm 1965.
Sự nghiệp
– Ông tốt nghiệp Đại học Y khoa rồi làm bác sĩ 2 năm trước khi chuyển sang làm thơ, nhà phê bình văn học.
– Từ 1972, ông chuyển ngành về công tác tại Ban văn học Đài tiếng nói Việt Nam.
– Năm1984, làm biên tập viên NXB Văn học
– Nguyên Chủ tịch Hội văn nghệ Hà Nội, Tổng biên tập báo Người Hà Nội.
– Hiện nay ông là nguyên Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà Văn Việt Nam, Phó Tổng biên tập tạp chí Văn chương Việt Nam bằng tiếng Pháp.
– Đại biểu Quốc hội khóa IX
Tác phẩm
– Cỏ mùa xuân (1966)
– Hoa trong cây (1977)
– Những điều cùng đến (tập thơ, 1983), 22 bài thơ
– Đợi (1988)
– Vầng trăng trong xe bò (tập thơ, 1988)
– Vết thời gian (tập thơ, 1996)
– Quên chữ… quên câu (tập thơ, 2000)
– Giấy mênh mông trắng (tập thơ, 2003), 56 bài thơ
– Chỗ ấy sóng… (tập thơ, 2008), 65 bài thơ
Giải thưởng
– Ông được nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.
Phong cách sáng tác
Nhà thơ Vũ Quần Phương vốn có điểm xuất phát là ngành y, ông dành cả thời thanh xuân, tuổi trẻ cho việc học ở trường đại học Y Hà Nội, nhưng từ sự tình cờ, cuộc đời sự nghiệp của nhà thơ đã rẽ sang một hướng khác, theo tiếng gọi của tâm hồn thi ca. Thơ của ông rất đỗi đặc biệt, với học thức uyên thâm, nó giàu trí tuệ, sâu sắc, kết hợp với ngôn từ bình dị nhưng thâm thúy, đầy ý vị, đã đẩy người đọc vào một không gian phải chiêm nghiệm, đánh giá về lẽ đời, tình người, vấn đề diễn ra trong cuộc sống. Từ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Vũ Quần Phương vẫn có một lối đi thể hiện chất riêng của bản thân mình, tựa như bao nhà thơ, nhà văn khác, ông đều hướng đến khát vọng hòa bình, tự do, song khác ở chỗ, nhà thơ lại suy tư về chiến tranh ở những khoảng lặng của chiến trường mà không phải bề nổi. Vũ Quân Phương lấy người lao động, lấy cảnh vật, lấy hơi thở đời sống để bộc lộ cái tôi trữ tình, cái cảm xúc cá nhân, chân thành, giản dị, dễ hiểu, là thước đo những giá trị đạo đức, cổ vũ, truyền tải ý niệm về tinh thần lạc quan, trân trọng cuộc sống, bài học ý nghĩa cho đời.
Nhận định, đánh giá
– Trần Đăng Khoa: May sao, sau Hoài Thanh, chúng ta lại có Vũ Quần Phương. Bình thơ, đặc biệt là thơ đương đại, không ai viết hay hơn Vũ Quần Phương
– Vũ Quần Phương : Văn tả thật ít lời mà cảnh hiện ra như vẽ, không chỉ bóng dáng ông đồ mà cả cái tiêu điều của xã hội qua mắt ông đồ.
– Lời bình của Hoàng Dân: Không thể phủ nhận giá trị của đạo đức, nhưng cũng không thể chống lại qui luật khách quan – Đây chính là chỗ thử thách của nghệ thuật. Vũ Quần Phương đã xử lí tình huống gay cấn này bằng nghệ thuật thật tài tình và đầy tính nhân văn. Cũng cần phải nói thêm rằng, nếu ai đó phải chờ đợi một người yêu ra trận đến nỗi không thể chờ được nữa thì nỗi đau của sự buộc phải thay lòng đổi dạ sẽ thấm thía đến chừng nào?!
– Nhà thơ Tuyết Nga: Hóa ra lâu nay chúng ta nghĩ rằng khó đưa thơ đến với bạn đọc vì chúng ta chỉ nhìn toàn cảnh mà không chú trọng cái cụ thể.
Có thể bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất, như giới thiệu một câu thơ hay, một bài thơ hay, như cách nhà thơ Vũ Quần Phương vẫn làm- cũng là một cách đóng góp cho thơ.
– Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ (Nxb GD, số 8, tháng 8/2005): “Thuộc lớp nhà thơ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, Vũ Quần Phương đã tìm được cho mình một tiếng nói riêng. Qua những thi phẩm của ông có thể nhận thấy một tiếng thơ sâu lắng, suy tư. Những vần thơ của Vũ Quần Phương không “kêu”, lời thơ không “điệu đàng”, không thật “góc cạnh” mà thường hết sức mềm mại, nhuần nhuyễn, giàu nhạc tính, có sức ngân vang trong lòng người đọc… Nhưng tứ thơ của ông hấp dẫn người đọc bởi những phát hiện mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp về cuộc đời”
– Nguyễn Thị Lan: Như một khúc nhạc dịu êm, âm hưởng của những câu thơ anh gieo vào lòng ta một nỗi buồn da diết, một nỗi buồn làm trong lại hồn người. Sự cộng hưởng của tâm hồn nhà thơ và tâm hồn người đọc làm cho thơ anh thật đằm và sâu
– Trịnh Thanh Sơn: “Tập thơ kết tinh bao nhiêu trải nghiệm, những nông nỗi cuộc đời. Dấu vết của tháng năm in đậm và xuyên suốt cảm xúc của anh, tạo nên những câu thơ thâm trầm, sâu lắng và đầy dằn vặt
– Minh Phương: Các hiện tượng ngỡ như vụn vặt, ngẫu nhiên của đời sống trong cách chiêm nghiệm của anh được nâng lên thành chân lí, thành phương châm xử thế. Thơ anh nhuần nhuyễn trong giọng thơ giản dị và tứ thơ kiệm lời. Anh thường làm sáng rõ chủ đề bằng cách diễn đạt ngắn gọn, có những phát hiện dễ dàng lại thật sâu sắc và mới mẻ
– Nhà phê bình Lưu Khánh Thơ: Tập thơ giống như một sự thanh lọc tâm hồn. Có sự ăn năn, có sự nuối tiếc pha lẫn lòng kiêu hãnh ngầm về một bóng dáng nào đó, có thể là bóng dáng một nàng thơ. Nó kêu gọi và mong muốn con người sống tốt hơn, sống tử tế hơn. Đó là điều đáng để chúng ta trân trọng và khâm phục
– Trịnh Đình Hùng: Quán xuyến suốt tập thơ mới này của Vũ Quần Phương là tâm sự của người đã bắt đầu bước sang tuổi nhìn lại. Chúng ta gặp trong phần lớn các bài thơ chất suy ngẫm, nghĩ ngợi. Nhưng sức trẻ, sức bật của cảm hứng nghệ thuật và tư tưởng các bài thơ làm nên độ chín và sức hấp dẫn của tập thơ lại là ở cái kiểu chiêm nghiệm. Một cách lật lại tín điều: “Gần mực thì đen/ Gần đèn thì rạng” bằng cách viết thêm: Mực để trước đèn/ Mực sáng? Hay đèn đen?
– Nhà thơ Phạm Khải từng: Là một nhà phê bình thơ có uy tín, lại có điều kiện được tiếp xúc với nhiều đối tượng bạn đọc thông qua các buổi nói chuyện thơ, Vũ Quần Phương đủ lịch lãm để biết điều hòa sao cho cân bằng các yếu tố “tình” và “lý”, “nghĩ” và “cảm” trong quá trình sáng tạo của mình
– Phan Cung Việt : Với 37 bài thơ mà mỗi bài gọn ghẽ như một ca khúc, tập thơ Hoa trong cây là món “quà thơ” đáng nhớ của một nhà thơ trẻ đang mừng đất nước chiến thắng và đầy triển vọng. Nó cũng lắng đọng như từng bài thơ của anh, biểu hiện cố gắng của anh
– Nguyễn Hữu Hồng Minh: Thơ ấy có sức ôm chứa bởi mối giao kết máu thịt với cuộc sống mà nhà thơ trân trọng
– Vũ Quang Minh, Vũ Văn Sỹ: Bên trong cái vỏ ngoài bình lặng của cuộc sống có một mạch ngầm, một dòng chảy nóng ấm với bao nỗi vui – buồn – mừng- giận- hi sinh- chiến thắng. Và cái hương vị ngọt ngào của tình yêu, hạnh phúc chính là đã được kết tinh từ tất cả “những điều cùng đến” ấy _ (Nhà văn Hà Nam Ninh, Viện văn học – Hội văn học nghệ thuật Hà Nam Ninh xuất bản 1985).
– Vũ Duy Thông: Vũ Quần Phương hay nhắc đến CUỘC ĐỜI … Với Vũ Quần Phương, CUỘC ĐỜI là cuộc sống, là nhân dân, là đất nước… cuộc đời còn là LẼ ĐỜI, mang dáng dấp triết học. Thơ Vũ Quần Phương đậm màu sắc triết lí.