Ngữ liệu đọc hiểu bài thơ Áo cũ
Áo cũ rồi, mỗi ngày thêm ngắn
Chỉ đứt sờn màu bạc hai vai
Thương áo cũ như là thương ký ức
Đựng trong hồn cho mắt phải cay cay.
Mẹ vá áo mới biết con chóng lớn
Mẹ không còn nhìn rõ chỉ để xâu kim
Áo con có đường khâu tay mẹ vá
Thương mẹ nhiều con càng yêu áo thêm.
Áo đã ở với con qua mùa qua tháng
Cũ rồi con vẫn quý vẫn thương
Con chẳng nỡ mỗi lần thay áo mới
Áo dài hơn thấy mẹ cũng già hơn.
Hãy biết thương lấy những manh áo cũ
Để càng thương lấy mẹ của ta
Hãy biết thương những gì đã cùng ta sống
Những gì trong năm tháng trôi qua…
(Áo cũ, Lưu Quang Vũ, thơ tình, NXB Văn học, 2002)
Trả lời câu hỏi đọc hiểu bài thơ Áo cũ
Câu 1. Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào?
Thể thơ tự do
Câu 2. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn thơ.
Biểu cảm
Câu 3. Xác định phong cách ngôn ngữ văn bản trên.
Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật
Câu 4. Trong đoạn trích, hình ảnh chiếc áo cũ được tác giả miêu tả như thế nào?
Trong đoạn trích, hình ảnh chiếc áo cũ được tác giả miêu tả:
Áo cũ rồi, mỗi ngày thêm ngắn
Chỉ đứt sờn màu bạc hai vai
Câu 5. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ sau:
“Thương áo cũ như là thương ký ức
Đựng trong hồn cho mắt phải cay cay”.
Biện pháp tu từ:
So sánh: Thương áo cũ – thương ký ức
Tác dụng:
+ Nhấn mạnh: giá trị của tấm áo cũ cũng là một miền kí ức, kỉ niệm về người mẹ, về tình thương của mẹ, sự gắn bó, gần gũi của tấm áo cũ với tác giả.
+ Tăng sức gợi hình, gợi cảm giúp sự diễn đạt trở nên sinh động hơn..
+ Qua phép tu từ so sánh, thể hiện sự yêu thương, trân trọng của tác giả đối với tấm áo cũ, với mẹ, với những gì đã trải qua của quá khứ.
Câu 6. Thông điệp ý nghĩa nhất với anh/chị sau khi đọc văn bản là gì?
Thông điệp có ý nghĩa nhất đối với em là:
“Hãy biết thương những gì đã cùng ta sống
Những gì trong năm tháng trôi qua…”
Từ hai câu thơ trên, em rút ra cho mình một thông điệp là hãy biết thương, trân trọng những gì đang hiện hữu xung quanh ta, hãy trân quý những gì ta mà đang có, những người, những vật đang sống cùng ta. Trân quý hiện tại, sẽ giúp cho chúng ta không khỏi phải hối tiếc khi thời gian trôi qua. Bởi vì, theo thời gian, không gì là mãi mãi. Chúng ta phải biết thương và quý khi đang là hiện tại, đang sống cùng ta. Vậy nên, thương, trân quý hiện tại là một lối sống tốt, thiết thực, rất cần thiết đối với mỗi chúng ta.
Câu 7. Từ đoạn trích, hãy nêu suy nghĩ của anh/chị về giá trị của những điều bình thường giản dị trong cuộc sống
Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, khi khoa học kỹ thuật và công nghệ phát triển một cách nhanh chóng và vượt bậc, con người thường bị cuốn vào guồng quay công việc hối hả, khiến việc biết trân trọng những điều giản dị, bình thường trong cuộc sống trở nên vô cùng quan trọng, dù không phải ai cũng nhận ra giá trị của chúng. Những điều bình thường, giản dị chính là những thứ nhỏ bé, những con người, sự vật đang hiện hữu quanh ta trong cuộc sống hàng ngày. Việc trân quý những điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta biết trân trọng hiện tại. Khi biết trân quý hiện tại và những điều giản đơn xung quanh, chúng ta sẽ cảm nhận cuộc sống một cách nhẹ nhàng hơn, làm cho cuộc sống trở nên ý nghĩa và hạnh phúc hơn bởi chúng ta dành thời gian cho những khoảnh khắc hiện tại, đặc biệt là với những người thân yêu bên cạnh. Điều này cũng giúp chúng ta tránh được những hối tiếc trong tương lai. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người không biết trân trọng hiện tại, chạy theo những thứ phù phiếm, xa hoa và không thực tế, dẫn đến việc bỏ lỡ cơ hội gần gũi với gia đình, bạn bè và tận hưởng cuộc sống. Đến khi nhìn lại, họ mới nhận ra đã đánh mất nhiều thứ quý giá, trong khi thời gian không bao giờ cho phép chúng ta làm lại từ đầu. Vì vậy, việc biết trân trọng những điều bình dị và đơn giản nhất trong cuộc sống là một lối sống cần thiết đối với mỗi
Câu 8. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ nhân hóa trong hai dòng thơ:
Áo đã ở với con qua mùa qua tháng
Cũ rồi con vẫn quý vẫn thương
– Biện pháp tu từ nhân hóa được sử dụng trong hai dòng thơ:
– Biểu hiện: Từ “ở” vốn chỉ hoạt động sống của con người được dùng để nói về sự gắn bó của chiếc áo; từ “quý”, “thương” là tình cảm dành
cho những sự vật có linh hồn đã được sử dụng để thể hiện tình cảm của tác giả với tấm áo.
– Tác dụng:
+ Làm cho chiếc áo vô tri trở thành sinh thể có linh hồn, tình cảm, gắn bó thủy chung với con người, đồng thời khiến câu thơ sinh động, gợi
hình biểu cảm hơn.
+ Từ đó nhấn mạnh tình cảm trân trọng những kỷ vật thiêng liêng của tình mẫu tử.
Câu 9. Nhận xét về tình cảm của tác giả được thể hiện trong bài thơ
– Tình cảm của tác giả trong bài thơ:
+ Tình cảm yêu thương, trân quý dành cho người mẹ. Xót xa khi mẹ ngày càng già đi.
+ Tình cảm trân trọng, nâng niu, cất giữ những kí ức, kỉ niệm trong quá khứ
– Ý nghĩa: những tình cảm đẹp, mang giá trị nhân văn tích cực đối với mỗi con người.
Câu 10. Theo anh chị vì sao con vẫn quý vẫn thương chiếc áo dù đã cũ
Theo em, nhân vật “con” trong bài thơ vẫn yêu thương chiếc áo cũ bởi vì trong đó chứa đựng hình ảnh của người mẹ. Chiếc áo là một phần ký ức về mẹ, gợi lại những kỷ niệm và sự gắn bó của mẹ với chiếc áo. Dù chiếc áo đã cũ, nhưng giá trị của nó không hề phai nhạt. Nhờ chiếc áo, tác giả có thể sống trong ký ức và tình thương của mẹ, và từ đó, tác giả biết trân trọng những năm tháng mẹ đã gắn bó với chiếc áo. Vì thế, trong tâm trí tác giả, “chiếc áo cũ” này được xem như hiện thân của người mẹ mà tác giả vô cùng yêu thương và trân trọng. Cách mà tác giả yêu thương mẹ cũng chính là cách mà tác giả yêu thương và quý trọng chiếc áo cũ ở hiện tại.