Đề bài: Trình bày bài giới thiệu ngắn về một cuốn truyện lịch sử Đêm hội Long Trì
Trình bày bài giới thiệu ngắn về một cuốn truyện lịch sử Đêm hội Long Trì
Tác phẩm Đêm hội Long Trì là một tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Phát hành vào năm 1942, tác phẩm đã gây được nhiều tiếng vang trên văn đàn và nhận được sự yêu mến của công chúng. Đến nay, tiểu thuyết lịch sử Đêm hội Long Trì đã được chuyển thể thành phim, kịch, cải lương, tuồng, chèo,… và trở thành nguồn tham khảo cho nhiều tác phẩm khác.
Đêm hội Long Trì khai thác câu chuyện xoay quanh mối quan hệ giữa chúa Trịnh Sâm và hai chị em Đặng Thị Huệ, Đặng Mậu Lân. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng không chỉ muốn dừng lại ở việc đó mà theo như Giáo sư Hà Minh Đức nhận xét, nhà văn còn muốn “…tìm đến một bàn tay dũng cảm vừa thể hiện tinh thần công lý phù hợp với ý dân, vừa phải hợp với chân lý của lịch sử để trừng trị kẻ tàn bạo.”.
Từ trung tâm là một chuyện tình của cặp nhân vật Bảo Kim và Quỳnh Hoa mà mở rộng sang các mối quan hệ khác như quan hệ thầy trò, bè bạn, cha mẹ – con cái, anh em, vua tôi… trong một cuộc sống rối ren, hỗn loạn, hết cả kỷ cương và đạo lý. Và khi cái ác được đẩy tới tận cùng thú tính của nó qua nhân vật Cậu Giời Đặng Mậu Lân, và phía sau là mưu đồ và thủ đoạn của người đàn bà đẹp Tuyên phi Đặng Thị Huệ, thì cái thiện cũng phải biết cách tập hợp lực lượng và huy động tổng lực sức mạnh của nó để chống đỡ, và cuối cùng là chiến thắng.
Khác với các tác phẩm khác cũng viết về tấn bi kịch trong gia đình chúa Trịnh Sâm với sự can dự người phụ nữa đẹp Đặng Thị Huệ, tiểu thuyết Đêm hội Long Trì có quy mô đề tài và tuyến nhân vật được mở rộng hơn rất nhiều. Ngay ở chương đầu tiểu thuyết, cảnh lễ hội bên hồ Long Trì đã hướng câu chuyện ra ngoài khung cảnh thiên nhiên với nhiều cảnh sinh hoạt đời thường, cảnh người ta đi dự hội, trai thanh gái lịch chen vai khoe sắc đua tài, cảnh người ta bất kể sang hèn sa vào các hàng quán mặc cả, ăn quà với không ít lả lơi, phóng túng và chính trong không khí hội hè dân dã ấy, các nhân vật chính – phụ, lịch sử và hư cấu đã lần lượt xuất hiện. Nhân vật lịch sử như chúa Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm và Tuyên phi Đặng Thị Huệ, nhân vật có thật nhưng với ít nhiều hư cấu như quận mã Đặng Lân và quận chúa Quỳnh Hoa, nhân vật hoàn toàn do tác giả sáng tạo nên như thi sĩ Bảo Kiên cùng nhóm bạn văn nhân của chàng và đặc biệt quan Hộ thành binh mã sứ Nguyễn Mại – người được chúa tin cậy giao trọng trách giữ việc trị an kinh thành. Dựa trên cái nền chắc chắn là chuyện bê bối trong phủ chúa mang nhiều nét bi kịch gia đình mà sử sách đã ghi lại, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã dựng nên bức tranh xã hội thời phong kiến với nhiều vấn đề được đặt ra. Việc tranh ngôi đoạt vị đã dẫn đến kết cục là gia đình nhà chúa rồi cả ngôi vị chúa Trịnh đều tiêu vong. Không những thế, sự an nguy của kinh thành, hay rộng hơn, của đất nước cũng đều chịu chung hệ lụy. Tác phẩm cũng đặt ra vấn đề trách nhiệm của kẻ sĩ và người thi hành công vụ trước cái ác lộng hành.
Tiểu thuyết Đêm hội Long Trì được đăng tải lần đầu tiên trên tạp chí Tri tân năm 1942 – là dấu ấn để nhà văn Nguyễn Huy Tưởng khẳng định tên tuổi của mình trên văn đàn. Với một cốt truyện gọn gàng, chặt chẽ, giàu chất thơ và kịch tính, tuyến nhân vật đa dạng cùng những cảnh sinh hoạt được miêu tả đậm chất điện ảnh,… Đêm hội Long Trì đã được chuyển thể thành chèo, cải lương, điện ảnh, trong đó phim truyện Đêm hội Long Trì được đánh giá là một thành công của điện ảnh Việt Nam.