Đề bài: Viết bài văn kể lại một chuyến đi tham quan Thành Nhà Hồ
*Bài làm
Mùa thu năm trước, chị Hoa – chị gái em đã đạt giải đặc biệt trong một cuộc thi viết về lịch sử. Với số tiền nhận được, chị đã cho em đi du lịch Thanh Hoá – nơi đã giúp chị đạt giải. Trong chuyến du lịch xứ Thanh, em đã được tham quan rất nhiều địa điểm nổi tiếng, trong đó em đặc biệt ấn tượng và yêu thích khu di tích lịch sử Thành Nhà Hồ.
Hôm ấy là một ngày Chủ nhật mùa thu, từ sáng sớm, em cùng các chị (chị gái em và hai người bạn thân của chị) đã bắt taxi đi từ Hà Nội đến Thanh Hoá. Thời gian di chuyển đến khách sạn nơi nghỉ ngơi của chị em em là hơn 3 giờ đồng hồ. Trên xe em rất thích những lúc xe đi qua những cánh đồng lúa. Khi đến khách sạn đã là gần trưa nên các chị quyết định sẽ bắt đầu tham quan vào buổi chiều. Sau khi cất đồ đạc, em được các chị đưa đi ăn trưa. Đều là những người yêu thích lịch sử nên địa điểm đầu tiên các chị lựa chọn đến thăm chính là Thành Nhà Hồ – một trong những Di sản Văn hóa Thế giới của Việt Nam. Thời tiết vào thu nên rất dễ chịu, nắng nhẹ, mây trời trong xanh, không khí mát mẻ, trong lành rất thích hợp cho những chuyến đi ngoài trời. Có lẽ vì vậy mà các chị đã thuê xe máy để đi từ khách sạn đến khu di tích.
Thành Nhà Hồ (hay còn gọi là thành Tây Đô, thành An Tôn, thành Tây Kinh hay thành Tây Giai) thuộc địa phận các thôn Tây Giai, Xuân Giai (xã Vĩnh Tiến), Đông Môn (xã Vĩnh Long), huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, thuộc miền Bắc Việt Nam. Thành Tây Đô được xây vào năm 1397 dưới triều Trần do quyền thần Hồ Quý Ly chỉ huy, người không lâu sau (1400) lập ra nhà Hồ. Trải qua hàng trăm năm, hầu hết công trình kiến trúc bên trong Hoàng thành đã bị phá hủy, vùi lấp hết, song 4 bức tường thành biểu tượng của Thành Nhà Hồ vẫn giữ tương đối nguyên vẹn kiến trúc ban đầu, nổi bật với 4 cổng Nam, Bắc, Đông, Tây. Sở hữu vẻ đẹp cổ kính và là ngôi thành đá hiếm có trên thế giới, Thành nhà Hồ thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Cổng tiền thành nằm ở phía Nam là cổng chính của thành. Cổng tiền bao gồm 3 cửa. Bức tường ở cổng tiền thành cao từ 5-10m tùy vị trí. Cổng tiền thành là nơi được nhiều du khách dừng lại để chụp ảnh vì khung cảnh cổ kính lưu giữ vẻ đẹp của kinh đô thời xưa. Toàn bộ tường thành và bốn cổng chính được xây dựng bằng những phiến đá vôi màu xanh, được đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau mà không cần chất kết dính. Tường Thành Nhà Hồ ngày nay có phần cũ kĩ, đóng đầy lớp rêu phong của thời gian. Các khối đá được đặt chồng lên nhau và đục đẽo tỉ mỉ. Và bằng một phương pháp thần kì nào đó, những tảng đá không có chất dính vẫn vững vàng qua bao thiên tai và những trận chiến khốc liệt.
Đi qua cổng thành đá, mở ra trước mắt em không gian vô cùng thanh bình, đó là những đồng cỏ mênh mông mang nét đẹp mộc mạc, thanh bình của làng quê Việt Nam. Tại khu di tích, em được đến thăm đền Nam Giao, trong đền có Giếng Vua với kiến trúc rất đặc biệt. Ngoài ra còn có Đền thờ nàng Bình Khương nơi thờ nàng Bình Khương phu nhân của Cống sinh Trần Công Sỹ, một trong những người chỉ huy xây dựng tường thành phía đông của thành Tây Đô. Đền có diện tích 600m2, kiến trúc gồm tiền đường và hậu cung. Hiện nay trong đền còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như: Phiến đá – kiêm thần vị thờ nàng Bình Khương, bia đá dựng năm Thành Thái thứ 15 (1903), bia trùng tu miếu Bình Khương dựng năm Bảo Đại thứ 5 (1930). Điểm đến cuối cùng của em trong khu di tích là đình Đồng Môn – cách cổng Đông Thành Nhà Hồ khoảng 150m về phía Đông, thuộc làng Đông Môn, xã Vĩnh Long. Đây là ngôi đình lớn, niên đại thời Nguyễn (thế kỷ 19), và có giá trị nghệ thuật cao. Tại ngôi đình còn lưu giữ một số hiện vật liên quan đến di tích Thành Nhà Hồ và nhiều sinh hoạt truyền thống gắn với ngôi làng cổ của kinh đô xưa.
Chuyến thăm Khu di tích kết thúc bằng rất nhiều tấm ảnh kỉ niệm. Nghe các chị thảo luận về kiến trúc độc đáo của thành và ý nghĩa lịch sử của nơi đây khiến em cảm thấy rất thích thú và thêm yêu lịch sử của quê hương, đất nước.