Đề bài: Viết đoạn văn 200 chữ phân tích, đánh giá tình huống truyện trong văn bản “Hoa Muộn” của tác giả Phan Thị Vàng Anh.
Mẫu 1:
Phan Thị Vàng Anh là một nữ nhà văn đã có những đóng góp quan trọng cho văn học Việt Nam từ thời kỳ Đổi mới, nhất là ở thể loại truyện ngắn. Truyện ngắn của nhà văn thường ngắn gọn, súc tích, sắc sảo và thâm thúy, đem đến cho người đọc đời sống nội tâm phức tạp, nhiều màu sắc của con người đương đại, đặc biệt là ở người trẻ tuổi. Truyện ngắn Hoa muộn với kiểu tình huống tâm trạng đã cho thấy sự cô đơn, buồn chán của những cô gái đã qua tuổi xuân mà vẫn còn bơ vơ, vẫn chưa tìm được cho mình một tâm hồn đồng điệu. Vẫn vườn mai quen thuộc ấy, không gian vẫn còn nguyên vẹn còn thời gian thì chẳng bao giờ ngưng đọng, và tuổi trẻ của Hạc cũng trôi theo thời gian ấy. Mùa xuân đi qua đi thật nhanh và lòng Hạc mỗi lúc một cô đơn và trống trải. Khi Hạc còn trẻ, đã có rất nhiều chàng trai “đến nhặt lá mai cho Hạc”, nhưng rồi trong số ấy, chẳng có ai ở lại với Hạc quá lâu. Và qua mấy mùa mai chẳng còn ai đến nhặt lá mai. Nhìn lại những mùa mai đã qua, chỉ còn thấy ngậm ngùi, xót xa: “Người vô duyên, không giữ được ai quá một năm!”. Sự hoài niệm về những ngày xưa trẻ trung, nhiều người theo đuổi của Hạc là những góc, đoạn trong ý thức, tâm trạng, mạch nghĩ suy của nhân vật, nó như đối lập với thực tại “vườn mai rậm rịt lá” mà chẳng có ai đến nhặt. Lòng Hạc giờ đây là sự trống trải và cái buồn rũ rượi. Mùa xuân đến, mọi người vẫn hồ hởi, mai vườn nhà khác vẫn nở đẹp, chỉ có lòng Hạc cô đơn, buồn bã, chỉ có vườn mai nhà Hạc xanh một màu quạnh hiu. Mùa xuân đất trời vẫn tuần hoàn, xuân đời người lại một đi không trở lại. Tuổi xuân đi, tình yêu cũng theo hết. Không tập trung ở hành động, cử chỉ, kiểu tình huống tâm trạng tập trung thể hiện những trạng thái tâm lý, tình cảm, cảm xúc của nhân vật. Qua những hoài niệm của Hạc về tuổi trẻ nhiều người theo đuổi của mình, đến nỗi buồn, sự trống vắng, cô đơn khi tuổi trẻ đã qua đến cảm giác chán nản, vô cảm trước tình yêu khi đến vào thời “hoa muộn”. Với tình huống tâm trạng, truyện ngắn “Hoa muộn” đã để truyện để lại trong tâm trí người đọc ấn tượng, dư ba về thế giới tinh thần, đời sống tâm hồn phong phú của nhân vật, mà ở đây là những cảm xúc tiếc nuối, buồn bã, trống trải trước sự trôi chảy của thời gian, của mùa xuân và của tuổi trẻ.
Mẫu 2:
“Hoa muộn” – một trong những truyện ngắn đặc sắc của nữ nhà văn Phan Thị Vàng Anh, tác phẩm không chỉ thể hiện phong cách nghệ thuật đặc trưng của nhà văn mà còn cho thấy sự nhạy cảm của nhà văn với cuộc đời, với con người, đặc biệt là với đời sống nội tâm vô cùng phong phú của lớp người trẻ trước những biến đổi của thời đại. Truyện ngắn “Hoa muộn” với kiểu tình huống tâm trạng không tập trung khắc họa ngoại hình hay hành động, cử chỉ của nhân vật mà đi sâu khai thác những trạng thái tâm lí, tình cảm, cảm xúc của nhân vật – Hạc. Đó là sự tự hào, vui sướng khi có nhiều chàng trai lân la tán tỉnh mình của Hạc khi cô còn trẻ “Hạc vêu mặt cười: Nhớ chứ, tôi ghi sổ hết mà!”. Những niềm vui vẻ ấy cũng đi theo thời gian, đi theo những mùa mai rụng lá. Không còn “chú nhỏ” nào đến nhặt lá mai cho Hạc, “khoảng vườn rậm rịt lá mai” và lòng Hạc thì ngổn ngang những cảm xúc. Hạc tiếc nuối về những mối tình ngày xưa ấy và cùng với những hối tiếc ấy là nỗi buồn chán, trăn trở về cuộc đời mình “Năm nay mình đã bao nhiêu tuổi? Vì sao những ngày lễ Tết mình luôn phải nằm nhà?”. Lá mai rụng không ai nhặt thì mai vẫn nở. Chỉ có lòng người là chẳng nở hoa. Thực tại trống trải lấp đầy lòng Hạc. Mùa xuân đến, mọi người vẫn hồ hởi, mai vườn nhà khác vẫn nở đẹp, chỉ có lòng Hạc buồn rũ rượi, chỉ có vườn mai nhà Hạc xanh một màu quạnh hiu. Mùa xuân đất trời vẫn tuần hoàn, xuân đời người lại một đi không trở lại. Tuổi xuân đi, tình yêu cũng theo hết. Hạc đã chẳng còn rung động hay vui thích trước tình yêu “Có mai rồi đấy, mà không thành Tết”. Tác phẩm kết thúc với hình ảnh nắng chiều nhợt nhạt tắt dần trên những ngọn cây để lại cho người đọc bao suy tư, cảm xúc. Tình huống tâm trạng – một kiểu tình huống được sử dụng rất nhiều trong truyện ngắn Việt Nam từ sau năm 1975, với những cách thể hiện hết sức đa dạng, phong phú, cho thấy đời sống nội tâm ngổn ngang, phức tạp, nhiều màu sắc của con người đương đại. “Hoa muộn” của nhà văn Phan Thị Vàng Anh cũng góp phần làm phong phú thêm cho kiểu tình huống tâm trạng ấy. Bằng việc khai thác những tâm tư, tình cảm của Hạc, nhà văn đã lại cho độc giả nhiều suy ngẫm về tuổi trẻ và về tình yêu. Những cảm xúc, tâm tư của Hạc cũng là một trong những cảm xúc, tâm tư của lớp người trẻ trước hiện thực đời sống phức tạp, bề bộn đương thời (cô đơn, chán nản, mất phương hướng,…) mà nhà văn Phan Thị Vàng Anh đã rất tinh tế, nhạy cảm nhìn ra để đưa vào những trang văn đậm chất thơ của mình.