Đề bài: Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày cảm nhận của em về hình ảnh bà má Hậu Giang trong đoạn trích Bà má Hậu Giang
[…..]
Má ngã xuống bên lò bếp đỏ
Thằng giặc kia đứng ngó trừng trừng
Má già nhắm mắt, rưng rưng
“Các con ơi, ở trong rừng U Minh
Má có chết, một mình má chết
Cho các con trừ hết quân Tây!”
Thằng kia bỗng giậm gót giày
Đạp lên đầu má: “Mẹ mày, nói không?”
Lưỡi gươm lạnh toát kề hông
“Các con ơi! Má quyết không khai nào!”
Sức đâu như ngọn sóng trào
Má già đứng dậy, ngó vào thằng Tây
Má hét lớn: “Tụi bay đồ chó!
Cướp nước tao, cắt cổ dân tao!
Tao già không sức cầm dao
Giết bay, có các con tao trăm vùng!
Con tao, gan dạ anh hùng
Như rừng đước mạnh, như rừng chàm thơm!
Đầu năm 1941
(Trích Bà má Hậu Giang, Tố Hữu)
Dàn ý Viết đoạn văn Cảm nhận về hình ảnh bà má Hậu Giang
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích.
– Khái quát hình ảnh bà má Hậu Giang: kiên cường, dũng cảm, hi sinh âm thầm lặng lẽ vì quê hương, đất nước.
– Phân tích nét đặc sắc về nội dung, nghệ thuật:
+ Hình ảnh má:“ngã xuống bên lò bếp đỏ”; “ nhắm mắt rung rưng”
+ Lời nói đanh thép:
“ Má có chết, một mình má chết”/ “Các con ơi! Má quyết không khai nào!”
=> Dù bị tra tấn dã man, má sẵn sàng “ chết một mình” để “ các con trừ hết quân Tây!”, yên tâm chiến đấu.
+ Tiếng hét của má:
“ Tụi bay đồ chó!…-> Lòng căm thù giặc sâu sắc, sẵn sàng đối mặt với kẻ thù, không sợ hi sinh, một lòng một dạ trung thành với cách mạng.
+ Sự phẫn uất tột cùng của má trước kẻ thù: chúng cướp nước, cắt cổ dân.
+ Má tin tưởng vào các con- những chiến sĩ cộng sản kiên cường: tao già, không cầm được dao; giết bay đã có các con tao…
=> Sự kiên cường, bản lĩnh đầy nghị lực của má, phẩm chất cao quí.
– Khái quát nghệ thuật và kết luận: Thể thơ song thất lục bát, có sự kết hợp giữa tự sự, trữ tình và bình luận, giọng điệu vừa cứng cỏi và pha lẫn xót thương….Đoạn thơ đã khắc họa thành công vẻ đẹp của bà má Hậu Giang, một hình ảnh tiêu biểu cho bà mẹ Việt Nam anh hùng. Khiến chúng ta trân trọng, ngưỡng mộ, nể phục, tự hào và biết ơn sâu sắc.
Viết đoạn văn Cảm nhận về hình ảnh bà má Hậu Giang
Người phụ nữ Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng dạt dào và xuyên suốt của các nhà thơ, đặc biệt là trong thơ Tố Hữu. Là một nhà thơ cách mạng nên khi viết về người phụ nữ, Tố Hữu vừa tuyên truyền, cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân, vừa tái hiện những năm tháng kháng chiến gian lao mà hào hùng, vẻ vang của dân tộc và ca ngợi những phẩm chất cao đẹp cũng như khắc ghi công lao to lớn của người phụ nữ đối với cách mạng, với đất nước. Hình ảnh người phụ nữ trong thơ Tố Hữu thấm đượm vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam với những phẩm chất cao quý như nhân hậu, đảm đang, giàu lòng yêu nước nhưng đồng thời tâm hồn họ vẫn được thổi vào luồng gió của thời đại, đó là chủ nghĩa anh hùng cách mạng và lý tưởng cộng sản. Người mẹ trong bài thơ “Bà má Hậu Giang” được xây dựng là hình mẫu điển hình cho người phụ nữ yêu nước trong cuộc kháng chiến chống Pháp với sự hội tụ của nhiều phẩm chất đáng quý: kiên cường, dũng cảm, hi sinh âm thầm lặng lẽ vì quê hương, đất nước,…Hình ảnh “Bà má Hậu Giang” – người mẹ với lòng kiên trung đã nuôi giấu cán bộ, bất chấp hiểm nguy, là hình ảnh nói lên ý chí, niềm tin của đồng bào Nam Bộ sau Khởi nghĩa Nam Kỳ. Lời nói đanh thép của má “Má có chết, một mình má chết”/ “Các con ơi! Má quyết không khai nào!” khiến người đọc nhận ra dù bị tra tấn dã man, má sẵn sàng “ chết một mình” để “ các con trừ hết quân Tây!”, yên tâm chiến đấu. Chi tiết tiếng hét của má “ Tụi bay đồ chó!…” thể hiện rõ nét lòng căm thù giặc sâu sắc, sẵn sàng đối mặt với kẻ thù, không sợ hi sinh, một lòng một dạ trung thành với cách mạng. Sự phẫn uất tột cùng của má trước kẻ thù độc ác, tàn bạo “chúng cướp nước, cắt cổ dân” càng lấp đầy lòng tin của má về những người chiến sĩ cộng sản. Trong những năm tháng khắc khổ gian lao, má vẫn tin tưởng vào các con – những chiến sĩ cộng sản kiên cường “tao già, không cầm được dao / giết bay đã có các con tao”…Hình ảnh bà mẹ một mình bám trụ với mảnh đất chết, “lom khom đi lượm củi khô” nấu cơm cho du kích… đã khắc sâu trong tâm trí của người đọc về sự kiên cường, bản lĩnh đầy nghị lực của má, phẩm chất cao quí. Sự hi sinh thầm lặng của má đã góp phần quan trọng vào thắng lợi trong công cuộc kháng chiến cứu nước gian lao. Sử dụng thể thơ song thất lục bát, có sự kết hợp giữa tự sự, trữ tình và bình luận làm cho giọng điệu vừa cứng cỏi và pha lẫn xót thương….Cách xưng hô “má” thể hiện thái độ kính trọng của nhà thơ nhưng cũng rất thân thiết, gắn bó như ruột thịt. Khắc họa thành công vẻ đẹp của bà má Hậu Giang – một hình ảnh tiêu biểu cho bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhà thơ đã thể hiện thái độ trân trọng, ngưỡng mộ, nể phục, tự hào và biết ơn sâu sắc.