Đề bài: Viết đoạn văn giải thích ý nghĩa của nhan đề văn bản “Khúc tráng ca nhà giàn”
Viết đoạn văn giải thích ý nghĩa của nhan đề văn bản “Khúc tráng ca nhà giàn” – Mẫu 1
Nhan đề văn bản “Khúc tráng ca nhà giàn” như một lời bày tỏ tâm tư, tình cảm của tác giả Xuân Bavới những người lính biển làm nhiệm vụ canh giữ biển đảo của đất nước. Khi đọc nhan đề, có thể người đọc sẽ nghĩ rằng đây là một bài thơ, một bản trường ca nhưng văn bản “Khúc tráng ca nhà giàn” lại một phóng sự. Nhà giàn có thể hiểu là những công trình kiến trúc được xây dựng trên thềm lục đia phía Nam của Viêt nam, cách đất liền khoảng 250 – 350 hải lý và vùng biển phía Đông Nam của Tổ quốc. Nhiệm vụ của các nhà giàn là lập các đèn biển để thông báo cho tàu thuyền đánh và vận tải hàng hải đi lại trong vùng; đặt trạm nghiên cứu khí tượng thủy văn; làm nơi trú tránh bão và ứng cứu ngư dân,… Nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất của các nhà giàn là chốt giữ, canh giữ, bảo vệ chủ quyền thềm lục địa của Tổ quốc. Sống trong những nhà giàn ấy là những người lính hải quân yêu nước, dũng cảm, kiên cường ngày đêm canh giữ biển đảo quê hương. Văn bản là “khúc tráng ca” về những nhà giàn trên biển cả mênh mông, quanh năm suốt tháng ngó lên là trời, trông ngang là nước. Khúc tráng ca là bài hát, bài thơ, phú có nội dung hùng tráng, nhằm ca ngợi chiến công, kì tích, có tác dụng cổ vũ con người vì nghĩa cả mà dấn thân làm những việc cao thượng, không nề hà hiểm nguy. Tác giả đã có cách đặt tiêu đề độc đáo và đầy ý nghĩa cho phóng sự của mình. Đọc nhàn đề, người đọc phần nào hình dung được nội dung của văn bản. Đó là câu chuyện có thật về những người lính biển dũng cảm ngày trên bám biển để bảo vệ chủ quyền biển đảo, họ là những con người vô cùng tuyệt vời và đáng được ngợi ca, những người lính ấy đã không sợ hãi trước những gian nan, khắc nghiệt mà biển cả mang lại, họ dùng tình yêu nước nồng nàn, tuổi trẻ, mồ hôi và cả tính mạng để canh giữ, bảo vệ vùng biển của Tổ quốc. Nhan đề của văn bản cũng giống như một lời ngợi ca, trân trọng, sự biết ưn của tác giả với những người lính hải quân ngày đêm bám biển canh giữ vùng biển của đất nước.
Viết đoạn văn giải thích ý nghĩa của nhan đề văn bản “Khúc tráng ca nhà giàn” – Mẫu 2
Tác giả Xuân Ba đã có cách đặt nhan đề độc đáo và giàu ý nghĩa cho phóng sự về nhà giàn mà thực chất là về những người lính hải quân có trái tim yêu Tổ quốc, có lòng dũng cảm và ý chí kiên cường sống trên những nhà giàn thô sơ, mỏng manh giữa biển cả mênh mông để canh giữ, bảo vệ chủ quyền thềm lục địa của Tổ quốc. Đọc nhan đề, người những tưởng mình sẽ được đắm chìm trong những ca từ, những dòng thơ mang âm hưởng vừa bi tráng vừa hào hùng về những người lính hải quân sống giữa biển khơi đầy khó khăn, vất vả nhưng vẫn một lòng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ cao cả là giữ vững chủ quyền biển đảo. Bởi vốn dĩ những khúc tráng ca là những bài hát, bài thơ, phú có nội dung hùng tráng, nhằm ca ngợi chiến công, kỳ tích, những hi sinh cao cả của những con người vì nghĩa lớn, vì những việc cao thượng mà xả thân, không ngại hiểm nguy. Thế nhưng khi đọc văn bản, người đọc hẳn sẽ cảm thấy ngạc nhiên vì văn bản là một phóng sự. Dù là bài thơ, bài hát hay một phóng sự, tác giả Xuân Ba đã cho người đọc thấy được cuộc sống khó khăn, khắc nghiệt của những người lính biển, quanh năm suốt tháng nhìn lên là trời, nhìn ngang là nước, họ còn phải đối mặt với những cơn bão, cơn sóng dữ dội. Đến nay dù những căn nhà giàn đã được cải tiến, hiện đại hơn, kiên cố hơn nhưng cuộc sống của những lính hải quân vẫn còn nhiều khó khăn, gian khổ, thiếu thốn. Cách đặt nhan đề “Khúc tráng ca nhà giàn” của tác giả còn là sự biết ơn, trân trọng những hi sinh của những người lính, nơi biển đảo xa xôi của tổ quốc ấy “không chỉ có mồ hôi và sức trẻ hòa cùng biển mặn. Còn là máu! Máu của nhiều lính thủy Việt đã tưới xuống những rặng san hô Ba Kè này”.