Đề bài: Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) làm rõ những yếu tố nghệ thuật “phá cách” trong bài thơ Ngôn chí (bài 3) của Nguyễn Trãi.
Ngôn chí* Bài 3
Nguyễn Trãi
Am trúc hiên mai(1) ngày tháng qua.
Thị phi(2) nào đến cõi yên hà(3).
Cơm ăn dầu có dưa muối;
Áo mặc nài chi gấm là(4).
Nước dưỡng(5) cho thanh, trì(6) thưởng nguyệt;
Ðất cày ngõ ải, lảnh ương hoa.
Trong khi hứng động(7) vừa đêm tuyết,
Ngâm được câu thần dặng dặng(8) ca.
(Viện Sử học, Nguyễn Trãi toàn tập, Sđd, tr.396)
Chú thích:
(*) Ngôn chí: chùm thơ 21 bài trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi.
(1) Hiên mai: chỉ nơi ở yên tĩnh của người ẩn dật.
(2) Thị phi: điều phải và điều trái, ý nói dư luận của người đời.
(3) Yên hà: chỉ khói và ráng chiều, ở đây để chỉ chốn thiên nhiên thanh tĩnh, cách xa cuộc sống xô bồ.
(4) Là: một loại vải the mỏng
(5) Dưỡng: nuôi dưỡng, giữ gìn
(6) Trì: ao
(7) Hứng động: cảm hứng, thi hứng được khơi dậy.
(8) Dặng dặng: cất tiếng mà ngâm, ca.
Những yếu tố nghệ thuật “phá cách” trong bài thơ Ngôn chí (bài 3) của Nguyễn Trãi
Bài thơ Ngôn chí Bài 3 có một số yếu tố nghệ thuật “phá cách” như:
+ Tác giả sử dụng những thi liệu gắn với cuộc sống đời thường chốn thôn quê: dưa muối, đất cày ngõ ải,…
+ Hai câu thơ lục ngôn (câu 3 và 4) tạo “điểm nhấn” nêu bật được quan niệm sống của tác giả.
Ý nghĩa của những “phá cách” trong nghệ thuật của bài thơ Ngôn chí (bài 3)
+ Góp phần nhấn mạnh cuộc sống đơn sơ, đạm bạc, giản dị mà thanh cao của Nguyễn Trãi.
+ Thể hiện tài năng và ý thức sáng tạo một thể thơ riêng của Nguyễn Trãi khi sử dụng câu thơ lục ngôn trong bài thơ thất ngôn; thể hiện tính dân tộc đậm đà trong thơ Nguyễn Trãi.
+ Làm giàu có và phong phú hơn cho văn học dân tộc.