Tự tình I là lời than trách số phận đầy bi kịch, khổ đau của người phụ nữ trong tình yêu và niềm mong cầu hạnh phúc. Dưới đây là bài nghị luận làm rõ tâm trạng của chủ thể trữ tình trong bài thơ Tự tình I, mời các bạn tham khảo nhé.
Viết đoạn văn nghị luận làm rõ tâm trạng của chủ thể trữ tình trong bài thơ Tự tình I
Nhận xét về tiếng cười trong thơ Hồ Xuân Hương, Bùi Giáng cho rằng: “Cái cười của nàng cũng như cái khóc của Nguyễn Du, vừa đau thương vừa an ủi. Hai thiên tài của đất nước đã chỉ cho ta hai lối thoát ly, tuy xa biệt nhau mà cũng giống nhau trong tác dụng”.
Tự tình là một trong những chùm thơ nói về số phận người phụ nữ trong xã hội cũ. Tác phẩm thể hiện tình cảnh đầy bi kịch, khát khao được hạnh phúc trong tình yêu và sự đau khổ với cuộc sống cô đơn lẻ bóng của chủ thể trữ tình. Trong bài thơ người phụ nữ trải qua đêm dài cô đơn, tiếng gà văng vẳng làm nổi bật lên nỗi oán hận. Tiếng gà gáy hòa cùng tiếng “chuông sầu” là bản hòa âm cho nỗi đau tận cùng của người phụ nữ. Nỗi oán hận đầy tủi nhục, tê tái xót xa lan tỏa khắp không gian rộng lớn “khắp mọi chòm”. Cuộc đời lận đận, đau khổ gặp nhiều bất trắc trong chuyện tình duyên nhưng Hồ Xuân Hương vẫn luôn thể hiện rõ bản lĩnh của mình trong từng câu thơ.
Chủ thể chữ tình tỏ ra oán hận, thách thức trước hoàn cảnh éo le của cuộc đời mình. Câu hỏi “tài tử văn nhân ai đó tá” là sự thách thức trước số phận khổ đau của mình, sự mạnh mẽ quyết tâm của người phụ nữ. Mặc dù cuộc đời đầy gian khổ với hai cuộc hôn nhân không trọn vẹn nhưng bà vẫn không khuất phục mà ngược lại trở nên mạnh mẽ và kiên cường. Chủ thể trữ tình trải qua cuộc hành trình đầy gian nan để làm cho tâm hồn trở nên nhạy bén, tự tình I chính là sự oán hận của chính tâm hồn nhà thơ.
Tự tình I thể hiện nỗi đau, uất hận trước tình cảnh lận đận trong tình yêu. Bên cạnh đó bài thơ cũng cho ta thấy khát vọng sống, khao khát được hạnh phúc, vươn lên mạnh mẽ của chủ thể trữ tình. Bài thơ thể hiện tài năng của “bà chúa thơ Nôm” trong việc sử dụng nghệ thuật, từ ngữ,…xây dựng hình tượng nhân vật.