Viết đoạn văn phân tích một biểu hiện của tư tưởng nhân đạo trong Truyện Kiều

Đồng hành cùng Tramvanhoc viết đoạn văn phân tích một biểu hiện của tư tưởng nhân đạo trong Truyện Kiều để thấy được phần nào tư tưởng và tính nhân đạo trong phong cách sác tác của một Đại thi hào dân tộc nhé!

Dàn ý đoạn văn phân tích một biểu hiện của tư tưởng nhân đạo trong Truyện Kiều

A. Mở đoạn:

– Nguyễn Du (1765-1820) là đại thi hào dân tộc Việt Nam, nổi tiếng với tác phẩm “Truyện Kiều”. Ông sinh ra trong một gia đình quý tộc, sống qua nhiều biến động lịch sử.

– Cuộc đời Nguyễn Du trải qua nhiều biến cố thăng trầm nhưng chính hoàn cảnh ấy tạo cho ông vốn sống phong phú, tâm hồn sâu sắc.

– Tác phẩm “Truyện Kiều” được lấy từ cốt truyện Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc).

– “Truyện Kiều” đã thể hiện tư tưởng nhân đạo.

B.Thân đoạn:

– Tư tưởng nhân đạo là toàn bộ những tư tưởng quan điểm, tình cảm quý trọng các giá trị của con người như trí tuệ, tình cảm, phẩm giá, sức mạnh, vẻ đẹp. Tư tưởng nhân đạo không phải là một khái niệm đạo đức đơn thuần , mà còn bao hàm cả cách nhìn nhận, đánh giá con người về nhiều mặt (vị trí, vai trò, khả năng, bản chất…) trong các quan hệ với tự nhiên, xã hội và đồng loại.

– “Nghệ thuật là sự vươn tới, sự níu giữ mãi mãi. Cái cốt lõi của nghệ thuật là tính nhân đạo”  (Nguyên Ngọc)

– “ Nếu truyện Kiều là một dòng sông thì thơ chữ Hán là những con suối nhỏ, tất cả đều đổ vào đại dương mênh mông là chủ nghĩa nhân đạo của nhà thơ”  (Nguyễn Đăng Mạnh)

– Nguyễn Du đã nhiều lần ca ngợi nhan sắc của Thúy Kiều, nàng là hiện thân của một người con gái xinh đẹp, kiều diễm, vẻ đẹp tràn trề sức sống. Nàng đẹp đến nỗi “hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”. Vẻ đẹp ấy “không chỉ nghiêng nước nghiêng thành” mà còn là một tài năng toàn diện rất đáng tự hào “Thông minh vốn sẵn tính trời/ Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm”. Nguyễn Du đã thể hiện thái độ đầy trân trọng và hết sức tự nhiên khi miêu tả vóc dáng hoàn hảo của nàng Kiều. Đó cũng là điểm nổi bật, mới lạ của nhà thơ trong quan niệm về vẻ đẹp của người phụ nữ.

– Tác giả còn đề cao tài năng xuất chúng Thúy Kiều, nếu như người phụ nữ trong xã hội xưa thường được miêu tả với “công- dung- ngôn- hạnh” khi đến với Thúy Kiều là sự kết hợp hài hòa giữa tài và sắc “cầm- kỳ- thi- họa”.

– Nàng còn có trái tim đa sầu đa cảm, tiếng lòng luôn rung cảm trước mọi cái đẹp. Một tuyệt sắc giai nhân với vẻ đẹp hoàn mỹ khiến bất kì ai cũng đắm say ấy vậy lại là điềm báo cho một cuộc đời, một số phận “hồng nhan bạc mệnh”

– Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã thể hiện một ước mơ cao cả, đó cũng chính là tinh thần nhân đạo của tác phẩm, ước mơ một cuộc sống công bằng, cái thiện được khuyến khích, nâng niu, cái ác phải bị trừng phạt, phải trả giá.

C. Kết đoạn:

“Nhà văn chân chính là một nhà nhân đạo từ trong cốt tủy”. “Truyện Kiều” là một tác phẩm thấm nhuần tinh thần nhân đạo, là tiếng nói đồng cảm với con người được kết tinh trong từng câu chữ. Nhờ tư tưởng nhân đạo tác phẩm đã chiếm trọn trái tim người đọc.

Viết đoạn văn phân tích một biểu hiện của tư tưởng nhân đạo trong Truyện Kiều

Nguyên Ngọc từng cho rằng: “Nghệ thuật là sự vươn tới, sự níu giữ mãi mãi. Cái cốt lõi của nghệ thuật là tính nhân đạo”. Và nhà thơ Nguyễn Du đã rất thành công khi thể hiện tư tưởng nhân đạo trong tác phẩm “Truyện Kiều”. Tư tưởng nhân đạo là toàn bộ những tư tưởng quan điểm, tình cảm quý trọng các giá trị của con người như trí tuệ, tình cảm, phẩm giá, sức mạnh, vẻ đẹp. Tư tưởng nhân đạo không phải là một khái niệm đạo đức đơn thuần , mà còn bao hàm cả cách nhìn nhận, đánh giá con người về nhiều mặt (vị trí, vai trò, khả năng, bản chất…) trong các quan hệ với tự nhiên, xã hội và đồng loại. Tư tưởng nhân đạo của tác phẩm thể hiện ở chỗ tác giả ca ngợi vẻ đẹp ngoại hình cũng như vẻ đẹp phẩm chất của chị em Thúy Vân, Thúy Kiều. Vẻ đẹp trang trọng, đoan trang của người thiếu nữ được so sánh với những thứ cao đẹp trên đời: trăng, hoa, mây, tuyết, ngọc. Tác giả đã sử dụng những hình ảnh thiên nhiên có vẻ đẹp đặc biệt, trong trắng, tinh khiết, rực rỡ để miêu tả vẻ đẹp của Thúy Vân. Thiên nhiên cũng phải thua, phải nhường sắc đẹp của nàng. Bằng biện pháp nghệ thuật so sánh, ẩn dụ, tác giả đã làm nổi bật vẻ đẹp trung thực, phúc hậu mà quý phái của người thiếu nữ. Chân dung của Thúy Vân là chân dung mang tính cách số phận, vẻ đẹp của Vân tạo nên sự êm đềm, hòa hợp với xung quanh. Điều đó dự báo cuộc đời nàng sẽ suôn sẻ, hạnh phúc. Phải là người biết yêu quý cái đẹp, biết trân trọng cái đẹp Nguyễn Du mới có được sự miêu tả như thế. Ca ngợi Thúy Kiều, Nguyễn Du không chỉ ca ngợi vẻ đẹp hình thức mà tác giả còn ca ngợi vẻ đẹp về mặt tâm hồn, tài năng. Cũng như lúc tả Thúy Vân, câu thơ đầu khái quát đặc điểm nhân vật: “Kiều càng sắc sảo, mặn mà”. Nàng sắc sảo về trí tuệ, mặn mà về tâm hồn, tình cảm. Đáng lưu ý là khi họa bức chân dung Thúy Kiều, tác giả tập trung gợi tả vẻ đẹp đôi mắt, bởi đôi mắt là sự thể hiện phần tinh anh về tâm hồn và trí tuệ. Cái sắc sảo của trí tuệ, cái mặn mà của tâm hồn đều liên quan đến đôi mắt. Thế nhưng, khi tả Kiều, nhà thơ tả sắc một phần còn dành đến hai phần để tả tài năng. Tài của Kiều đạt tới mức lí tưởng, theo quan niệm thẩm mĩ phong kiến gồm đủ cả: cầm, kì, thi, họa. Đặc biệt, tài đánh đàn của nàng đã là sở trường, năng khiếu, vượt lên trên mọi người: “Cung thương làu bậc ngũ âm/ Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương”. Nhấn mạnh cái tài của Thúy Kiều cũng là để ngợi ca cái tâm đặc biệt của nàng. Cung đàn bạc mệnh mà Thúy Kiều tự sáng tác chính là sự ghi lại tiếng lòng của một trái tim đa sầu đa cảm. Như vậy, vẻ đẹp của Thúy Kiều là sự hội tụ của cả sắc – tài – tình. Tác giả đã dùng câu thành ngữ “nghiêng nước nghiêng thành” để đặc tả giai nhân. Sắc đẹp của Thúy Kiều có thể làm cho người ta say mê đến nỗi mất thành mất nước. Rõ ràng phải là người có tấm lòng yêu thương mới thấy hết được vẻ đẹp của những con người bất hạnh để mà ca ngợi. Tiến bộ hơn các nhà thơ thời Trung Đại, Nguyễn Du còn đề cao người phụ nữ ở phương diện tài năng, ông đã xây dựng một nhân vật Thúy Kiều đa tài, mà tài nào cũng xuất sắc, tuyệt đỉnh. Thương xót cho số phận đau thương của con người. Đau xót cho thân phận con người bị chà đạp, khinh rẻ, bị biến thành một món hàng để cân đo đong đếm. Nguyễn Du nhập thân vào nhân vật để cảm nhận hết nỗi đau của nhân vật, tác phẩm viết ra như có “máu chảy trên đầu ngọn bút”, thương cảm cho tương lai bất định, nhiều bất an của Kiều nơi lầu Ngưng Bích. Nguyễn Du đã sử dụng ngòi bút hiện thực để vạch trần bản chất xấu xa của những kẻ bất nhân trong xã hội xưa, những kẻ “buôn thịt bán người”, kiếm sống trên thân xác của những cô gái vô tội, tiêu biểu là Mã Giám Sinh. Chính tư tưởng nhân đạo đó đã thể hiện cái nhìn mới mẻ của Nguyễn Du trong quan niệm về con người mà xã hội phong kiến luôn xem nhẹ, chà đạp, vùi dập lên thân phận người phụ nữ. Đồng thời cũng thể hiện khát khao một ước mơ một cuộc sống công bằng, cái thiện được khuyến khích, nâng niu, cái ác phải bị trừng phạt, phải trả giá. “Nhà văn chân chính là một nhà nhân đạo từ trong cốt tủy”. “Truyện Kiều”- một tác phẩm thấm nhuần tinh thần nhân đạo, là tiếng nói đồng cảm với con người được kết tinh trong từng câu chữ. Nhờ tư tưởng nhân đạo tác phẩm đã chiếm trọn trái tim người đọc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *