Bài thơ Tiếng hát tháng Giêng thể hiện thái độ trân trọng, tình yêu quê hương thiết tha, niềm tự hào, tự tôn dân tộc qua tiếng hát. cùng Tramvanhoc viết đoạn văn theo cấu trúc diễn dịch để làm rõ vẻ đẹp của Tiếng hát tháng Giêng nhé!
Tìm hiểu về tác giả Y Phương và bài thơ Tiếng hát tháng Giêng
Tác giả Y Phương
Tiểu sử:
– Y Phương sinh ngày 24/12/1948, mất ngày 9/2/2022.
– Tên thật là Hứa Vĩnh Sước, người dân tộc Tày, sinh tại Trùng Khánh, Cao Bằng.
Cuộc đời:
– Nhập ngũ năm 1968, tham gia kháng chiến chống Mỹ, là bộ đội thuộc binh chủng đặc biệt tinh nhuệ.
– Phục vụ trong quân đội đến năm 1981, sau đó chuyển về công tác tại Sở Văn hóa – Thông tin Cao Bằng.
– Tốt nghiệp Đại học viết văn Nguyễn Du khóa II.
Sự nghiệp:
– Làm cán bộ biên tập văn nghệ tại Sở Văn hóa – Thông tin Cao Bằng.
– Từ năm 1993, giữ chức Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng và là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa VI.
– Thơ ông thể hiện tâm hồn chân thật, mạnh mẽ, trong sáng và cách tư duy giàu hình ảnh của con người miền núi.
Bài thơ Tiếng hát tháng Giêng
Bài đọc
TIẾNG HÁT THÁNG GIÊNG
“Một năm mười hai tháng vận chuyển
bướm ong còn làm bạn với hoa
trai gái được đi về trấy hội
nhiều bạn gái lo ít bạn trai
anh nói rõ họ tên em biết
đến mùa về trồng bắp trên nương
làm không kịp nhớ tìm em với”
Bài hát ấy già lắm rồi
từ khi có núi có đồi
có nền nhà mẹ cha đã hát
con sông Qui hiếm hoi
chở người sang dào dạt
tiếng hát trẻ mãi không già
Mùa xuân này mẹ cho tháng giêng
anh em ra chiến hào
chiến hào mới đào
đất bừng máu đỏ
hướng súng ngược chiều gió…
anh em tôi chia nhau tháng giêng
riêng câu hát phần em tất cả
Dẫu em qua một vùng đảo đá
đá lô nhô như sóng triều dâng
sóng có buồn? Sao núi bâng khuâng
quê tôi còn nghèo lắm
Đất nước mệt trăm miền giặc giã
cây cầu tre gánh lúa nuôi quân
chỉ có màu chàm ở lại với dân
tình cách mạng lúc nào cũng thắm
em gái tôi mới lớn
bài hát vui em hát suốt mùa đông
Sửa khăn áo đi em
câu hát tháng giêng cất vào hoa đá
đứng vững ở đây mà chiến đấu
tựa lưng vào màu đỏ chiến hào
ta nhất quyết không lùi
cả đất nước trong bàn tay ta giữ
câu hát này thiêng liêng lắm chứ
hát bây giờ còn đề hát mai sau.
Nội dung: Bài thơ Tiếng hát tháng Giêng thể hiện thái độ trân trọng, tình yêu quê hương thiết tha, niềm tự hào, tự tôn dân tộc qua tiếng hát. Tiếng hát này có từ lâu đời nhưng vẫn còn hát cho tới mai sau.
Gợi ý đoạn văn theo cấu trúc diễn dịch để làm rõ vẻ đẹp của Tiếng hát tháng Giêng
– Nội dung: Vẻ đẹp của tiếng hát tháng giêng:
+ Bát hát có từ rất lâu đời “già lắm” => nhưng có sức sống mãnh liệt tiếng hát “trẻ mãi”.
+ Tiếng hát thiêng liêng bởi nó gắn liền với núi đồi, với quê hương, được chắt lọc qua bao tâm hồn của nhiều thế hệ. Chính vì thế, tiếng hát có chiều sâu văn hóa, chiều dài lịch sử và đã vang vọng khắp không gian của quê hương, núi đồi, sông Qui.
+ Tiếng hát tiếp sức mạnh tinh thần để vượt qua núi đồi nuôi quân, để kiên cường chiến đấu.
+ Tiếng hát còn có giá trị rất lớn cho đời sau.
– Nghệ thuật: Thể thơ tự do, giọng thơ say mê, thể hiện niềm tự hào; cách diễn đạt giàu hình ảnh theo đúng tư duy người miền núi; nghệ thuật so sánh, nhân hóa, ẩn dụ được sử dụng khéo léo, hài hòa => Đã góp phần tạo nên “Tiếng hát tháng giêng” đầy say mê, cuốn hút.
Đoạn văn theo cấu trúc diễn dịch để làm rõ vẻ đẹp của Tiếng hát tháng Giêng
Nhà thơ Y Phương tên thật là Hứa Vĩnh Sước sinh ngày 24.12.1948 trong một gia đình nông dân người dân tộc Tày ở xã Lăng Hiếu, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Nhà thơ Y Phương gây ấn tượng mạnh mẽ cho độc giả từ tập thơ “Tiếng hát tháng giêng” đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1986.
Bài thơ thể hiện thái độ trân trọng, tình yêu quê hương thiết tha, niềm tự hào, tự tôn dân tộc.. Tình cảm được bộc lộ trong bài thơ rất chân thành, tha thiết và cũng vô cùng tinh tế. Tác giả không đi sâu miêu tả vẻ đẹp thiên nhiên, phong tục tập quán, vẻ đẹp con người mà chỉ đi sâu khẳng định giá trị, sức sống của tiếng hát quê hương, tuy nhiên, chỉ từng ấy thôi, người đọc cũng đã cảm nhận được hết niềm tin, niềm tự hào về bài hát “già lắm”, tiếng hát “trẻ mãi” và “thiêng liêng” lắm.
Tiếng hát mang hơi thở của mùa xuân, của tình yêu đôi lứa. Hơn nữa, tiếng hát ấy “già lắm” nghĩa là đã ra đời rất lâu, đã được sống qua hơi thở tâm hồn của nhiều thế hệ. Tiếng hát ấy đã vượt qua sự kiểm chứng khắc nghiệt của thời gian để tồn tại, để trẻ trung, tươi mới đến tận hôm nay. Hơn nữa, tiếng hát ấy, còn gắn liền với con sông Qui, với thiên nhiên, núi đồi. Tiếng hát ấy là động lực, là sức mạnh trong những năm kháng chiến. Nó đã trở thành biểu tượng cho giá trị văn hóa, cho sức mạnh tinh thần. Vì thế, tiếng hát ấy rất thiêng liêng. Cho nên hát “hôm nay” cũng là cách bảo tồn, phát huy hết giá trị, sức mạnh của câu hát đến tận mãi “mai sau”.
Qua Tiếng hát tháng Giêng, tác giả đã cho ta thấy tình cảm rất chân thành, xuất phát từ trái tim của một người con yêu quê hương, yêu nơi chôn nhau cắt rốn. Chính thứ tình cảm này giúp cho lời thơ nồng nàn, thiết tha để chạm đến trái tim bạn đọc.