Viết kết nối với đọc lớp 8 trang 15: Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) phân tích chi tiết Trần Quốc Toản bóp nát quả cam
Mẫu 1
Trong tác phẩm Lá cờ thêu sáu chữ vàng của Nguyễn Huy Tưởng, chi tiết Trần Quốc Toản bóp nát quả cam mang đến một ấn tượng mạnh mẽ về lòng yêu nước và khí phách của cậu thiếu niên. Câu chuyện kể về Trần Quốc Toản khi còn nhỏ, do chưa đủ tuổi nên không được tham dự cuộc họp bàn về việc đối phó với quân Nguyên. Với lòng yêu nước sâu sắc, cậu đã liều mình chạy xuống thuyền rồng, vượt qua mọi nguy hiểm để xin vua cho phép tham gia chiến đấu. Dù hành động của Trần Quốc Toản vi phạm quy định, nhưng lời nói “xin đánh” của cậu thể hiện một tinh thần quả cảm, không khuất phục trước kẻ thù, điều này khiến vua Trần phải cảm phục.
Vua không chỉ không trách phạt mà còn ban cam quý cho cậu, như một phần thưởng khích lệ. Tuy nhiên, Trần Quốc Toản vẫn cảm thấy thất vọng và tức giận khi không được dự bàn việc nước. Chi tiết bóp nát quả cam thể hiện rõ nét sự tức giận, tủi thân và căm phẫn trước tình cảnh đất nước lâm nguy mà mình lại không thể góp sức. Hành động này cũng ngầm bộc lộ một khí chất anh hùng của cậu thiếu niên, sẵn sàng xả thân vì nước dù tuổi còn nhỏ.
Chỉ một chi tiết nhỏ như việc bóp nát quả cam đã nói lên cả tấm lòng yêu nước, lòng căm hận quân thù và sự bộc trực, chân thành của Trần Quốc Toản. Đây là một biểu tượng mạnh mẽ của tinh thần chiến đấu bất khuất, là hình ảnh đẹp và đáng tự hào về một vị anh hùng trẻ tuổi trong lịch sử dân tộc.
Mẫu 2
Trần Quốc Toản là một người anh hùng dân tộc có nhiều công lao với đất nước. Tấm lòng yêu nước thiết tha của ông được thể hiện rất rõ qua hành động bóp nát quả cam. Việc làm đó xuất phát khi nhà Nguyên cho sứ thần sang giả vờ mượn đường để xâm chiếm nước ta. Hay tin, Trần Quốc Toản đã đến diện kiến nhà vua để xin đánh giặc. Nhà vua hiểu ông lo cho đất nước nên ban cho một quả cam. Nghĩ đến cảnh quân giặc đang lăm le cướp nước mà ông đã tức giận đến mức bóp nát quả cam lúc nào không hay. Hành động đó xuất phát từ tình yêu nước thiết tha của vị anh hùng dân tộc. Đồng thời, thể hiện ý chí đánh giặc luôn thôi thúc trong lòng ông.
Mẫu 3
Câu chuyện Trần Quốc Toản bóp nát quả cam cho thấy đây là con người luôn biết lo nghĩ cho dân, cho nước. Dù tuổi còn nhỏ nhưng nghĩa khí của ông lớn. Dám đến diện kiến vua để xin được đánh giặc. Khi nghĩ đến kẻ thù đang chuẩn bị xâm lược thì tức giận đến mức bóp nát quả cam vua ban. Hành động đó khắc sâu tinh thần dũng cảm của vị anh hùng dân tộc. Câu chuyện về lòng yêu nước sâu sắc của Trần Quốc Toản vẫn còn được lưu truyền đến người đọc muôn đời. Mỗi người dân đất Việt vẫn luôn nhớ đến hình ảnh về một Trần Quốc Toản giàu nghĩa khí.
Mẫu 4
Chờ đợi quá lâu trên bến mà không được gặp vua để xin đánh, Quốc Toản bèn xông vào thuyền rồng đòi gặp vua để yết kiến và nói lên nguyện vọng của mình. Hiểu rõ đầu đuôi sự tình, vua cho chàng đứng dậy và thứ tội. Chàng tuy đã làm trái phép nước, nhưng thấy Quốc Toản còn trẻ mà đã biết lo việc nước nên vua đã ban cho chàng một quả cam. Việc ban thưởng quả cam cho thấy nhà vua rất tán thưởng hành động này của chàng. Ấm ức vì bị vua xem thường là trẻ con và lo lắng nghĩ tới quân giặc vẫn đang hoành hành, lăm le đè đầu cưỡi cổ dân mình, Quốc Toản bóp nát quả cam vua ban lúc nào không hay. Chi tiết này cũng cho thấy sự gan dạ, dũng cảm, phẩm chất anh hùng của Trần Quốc Toản.