Đề bài: Viết đoạn văn(200 chữ) phân tích nhân vật bác thợ trong văn bản Nhát đinh của bác thợ của Phong Thu.
Bài làm
Nhân vật Bác thợ là người có trách nhiệm, tận tụy với công việc. Bác thợ không chỉ làm việc để kiếm sống mà còn coi công việc của mình như là một niềm đam mê và trách nhiệm. Trước khi ra khỏ nhà chủ bác đã kiểm tra lại chiếc ghế. Nhưng trên đường về bác nghĩ ra còn một chiếc đinh chưa đóng hết, bác liền quay lại trong lúc trời mưa gió để đảm bảo rằng chiếc ghế đã được sửa chữa của ông không có gì bị thiếu sót. Hành động này cho thấy rất trách nhiệm và có lương tâm nghề nghiệp. Đặt quyền lợi và giá trị của khách hàng lên hàng đầu. Bác lo rằng nếu ai ngồi vào chiếc đầu đinh đó sẽ bị tổn thương hoặc rách quần áo.
Gia đình nhân vật chính sống rất hiểu chuyện, dành sự quan tâm cho bác bằng cách trả thêm tiền nhưng bác đã không nhận, bác rời đi trong mưa gió.Thông điệp mà câu chuyện muốn truyền tải là về tình yêu và sự tận tụy trong nghề nghiệp. Bác thợ là một ví dụ điển hình cho những người luôn tận tụy và tỉ mỉ với công việc của mình. Câu chuyện muốn nhắc nhở chúng ta rằng một công việc tốt chỉ có thể được thực hiện thành công nếu người làm công việc đó có đam mê và tâm huyết với nghề nghiệp của mình.
Để thể hiện những chủ đề nhân văn, sâu sắc trên, truyện đã có rất nhiều đặc sắc nghệ thuật: Ngôi kể thứ nhất giúp câu chuyện trở nên chân thực hơn, bộc lộ được cảm xúc, suy ngẫm của người kể chuyện về nhân vật bác thợ. Lời kể giản dị, giàu cảm xúc, thể hiện xúc động hình ảnh bác thợ. Nhan đề giản dị mà giàu ý nghĩa góp phần thể hiện chủ để. Câu chuyện có một cái tên rất đặc biệt “Nhát đinh của bác thợ”. Đó là đầu mối mở ra tình huống truyện đồng thời đó là hình ảnh tượng trưng cho tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề của bác thợ. Hình ảnh đó giúp ta nhận ra những vẻ đẹp của một con người lao động chân chính. Cốt truyện xoay quanh tình huống về chiếc ghế sửa. Đây là một tình huống đơn giản nhưng gợi lên cho người đọc nhiều cảm xúc về con người lao động giản dị, cần mẫn, cẩn thận và có tinh thần trách nhiệm.
Thành công của truyện là nghệ thuật xây dựng nhân vật. Cách xây dựng nhân vật sắc nét: Nhân vật được khắc họa chủ yếu qua các sự việc, qua ngôn ngữ, hành động, qua cẩm nhận của nhân vật “tôi” – người kể chuyện. Nhân vật bác thợ xuất hiện trong một hoàn cảnh rất đời thường. Đó là khi bác đến sửa ghế cho một gia đình nhà nọ. Ngay lần đầu gặp mặt bác gây ấn tượng với người đọc bởi một dáng vẻ tư thế cặm cụi làm việc, sửa sang chiếc ghế. Nhưng điều khiến người đọc bất ngờ hơn cả chính là thái độ làm việc chỉn chu, cẩn thận trong từng chi tiết của bác. Hoàn thành xong công việc bác vui vẻ ngắm nghía lại thành quả của mình rồi nhận tiền công ra về. Nhưng dù mưa gió bác vẫn bất chấp tất cả quay trở lại để đóng nốt chiếc đinh còn chưa xử lý trên chiếc ghế “toàn thân bác ướt đẫm… đi được một quãng xa tôi chợt nhớ đến cái đinh chưa đóng hết đầu đinh, để vậy sẽ rách quần áo, bác ạ” người đọc từ ngạc nhiên, bất ngờ đến cảm phục, biết ơn chính vì thái độ làm việc cẩn thận, chỉn chu và tử tế của bác. Đó chính là nét đẹp đáng quý, đáng trân trọng của những người lao động chân chính.
Như vậy, câu chuyện “Nhát đinh của bác thợ” đã khắc họa sâu đậm trong chúng ta về hình ảnh con người lao động với tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề.Từ đó, truyện ngắn gửi tới người đọc thông điệp cuộc sống rất ý nghĩa: Hãy biết trân trọng những con người lao động chân chính…